Hoạt động của Trung tâm thông tin nông thôn: Cánh cửa đã mở để nhà nông tiếp nhận kiến thức.

21/07/2009

Thanh Hóa là một trong 10 tỉnh, thành của cả nước được thụ hưởng Dự án “Xây dựng trung tâm thông tin nông thôn kết nối mạng cấp xã” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đầu tư.

 
 Các khuyến nông viên xã Quảng Phong thu thập thông tin trên mạng để cung cấp cho các hộ dân, phục vụ phát triển sản xuất.
Mục tiêu của dự án là xây dựng tại các địa phương một trung tâm thông tin nông thôn (TTNT) nhằm cung cấp các thông tin về khoa học, kỹ thuật, đời sống, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục qua các kênh như: tập huấn, sách báo, băng hình, tờ in, tờ rơi và đặc biệt là kết nối mạng Internet để hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế khác trong nông nghiệp, nông thôn nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Theo đó, trong hai năm 2007-2008, tỉnh ta có hai xã Thọ Xương và Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân được thực hiện thí điểm dự án cải cách hành chính này. Các trung tâm TTNT được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết như: máy vi tính, máy in, máy ảnh kỹ thuật số, thiết bị kết nối (Modem) và đường dây tín hiệu Internet, với tổng kinh phí 120 triệu đồng/năm. Đầu năm 2007, sau khi nhận và lắp đặt xong các thiết bị máy móc, Trung tâm TTNT xã Xuân Hòa chính thức đi vào hoạt động. Trực và vận hành máy trực tiếp là cán bộ khuyến nông xã được đào tạo kiến thức về công nghệ thông tin (sử dụng máy tính, tìm kiếm thông tin, điều hành trung tâm). Thời gian đầu hoạt động, trung tâm đã thu hút được số đông bạn đọc trong xã, nhất là các hộ nông dân đến tìm hiểu, tra cứu những thông tin liên quan đến sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, giá cả thị trường... hàng ngàn lượt truy cập thông tin được in và phát tài liệu đến tay hộ nông dân trong các buổi tập huấn, nhiều hình ảnh được chụp làm tư liệu để giới thiệu cho bà con đã thu hút được sự quan tâm của số đông các nông hộ. Việc xây dựng trung tâm TTNT còn giúp chính quyền, các khối đoàn thể chính trị thuận lợi trong việc tìm kiếm những thông tin liên quan để kịp thời chỉ đạo, điều hành sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc. Sau 2 năm hoạt động, nhiều hộ nông dân đã bày tỏ sự phấn khởi về những kiến thức khoa học thu lượm được trên mạng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, điều mà từ trước tới nay họ chưa có điều kiện tiếp cận.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động trung tâm TTNT năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát và xây dựng thêm 15 trung tâm TTNT mới tại 6 huyện thuộc khu vực đồng bằng, ven biển và miền núi (Yên Định, Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương, Nga Sơn và Cẩm Thủy) với tổng kinh phí đầu tư 500 triệu đồng, thực hiện trong 2 năm (2008-2009). Tại Trung tâm TTNT xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, anh Nguyễn Xuân Hùng, cán bộ khuyến nông phụ trách vận hành máy bộc bạch: Trung tâm TTNT mới hoạt động được 1 năm đã đem lại lợi ích không chỉ cho bà con nông dân mà còn cho nhiều thành phần cá nhân làm kinh tế khác... Năm qua, tổ vận hành máy (gồm 3 cán bộ) đã khai thác thông tin về sản xuất nông nghiệp và tham mưu cho chính quyền địa phương đưa cây ớt ngọt, bí xanh, ngô giống vào trồng hàng chục ha, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân cách trồng, chăm sóc đúng quy trình nên đạt hiệu quả kinh tế cao. 20 ha ớt xuất khẩu đạt năng suất 30 tấn/ha, 5 ha bí xanh đạt 30 tấn/ha, 20 ha ngô giống đạt 55 tạ/ha... giá trị thu nhập đạt từ 35 đến 50 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, các tài liệu về nuôi lợn ngoại cũng được cán bộ vận hành máy tra cứu, thu thập thông tin, in thành tài liệu rồi phát cho các hộ dân nuôi lợn ngoại tìm hiểu, nắm bắt thị trường giá cả, thời tiết... để chủ động và linh hoạt trong sản xuất, hạn chế được rủi ro trong quá trình chăn nuôi, chính vì vậy dịch bệnh được khống chế kịp thời, không bị ép giá... Anh Nguyễn Duy Hòa, Bùi Văn Thi (xã Quảng Phong) là các chủ hộ chăn nuôi lợn ngoại, cho biết: Nhờ có trung tâm TTNT, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều kiến thức khoa học về nuôi lợn giống mới theo hình thức công nghiệp, nắm bắt được thông tin về thị trường thức ăn, giá bán... nên sản xuất hiệu quả hơn, trừ chi phí có năm lãi hơn 100 triệu đồng.

Theo anh Hùng và một số hộ dân trong xã thì việc xây dựng và duy trì hoạt động của trung tâm TTNT đã giúp cho nhiều đối tượng, nhiều thành phần kinh tế hoạt động khá hiệu quả. Không chỉ có đối tượng nông dân mới được tiếp cận với mạng Internet mà còn có cả học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, kế toán... Các kiến thức về soạn thảo văn bản, hiểu biết về giá cả thị trường phân bón, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật ứng dụng khoa học - kỹ thuật, pháp luật... được khai thác và áp dụng có hiệu quả, giúp chính quyền địa phương và các đoàn thể nhiều mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, 17 trung tâm TTNT trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn như: hiểu biết của cán bộ xã về ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp, nên nếu hết thời gian thực hiện dự án, các trung tâm TTNT sẽ gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động... Để trung tâm TTNT tiếp tục hoạt động lâu dài, tỉnh ta cần phối hợp với các đơn vị hỗ trợ nguồn thông tin cập nhật dưới nhiều hình thức như: hỗ trợ phương tiện, công cụ phổ biến thông tin, xem xét hiệu quả hoạt động của các trung tâm để tổ chức tiếp nhận và duy trì hoạt động cho các trung tâm sau giai đoạn thí điểm. Các cơ quan liên quan cần quan tâm hơn đến sự phát triển hạ tầng công nghệ TTNT để trung tâm TTNT thực sự là cánh cửa mở ra kiến thức cho nhà nông.

Theo Báo Thanh Hoá (Lê Hà)


Tin khác