Những chuyện lạ ở vùng cao Tây Bắc

05/08/2009

Tây Bắc nơi ngút ngàn núi cao vực sâu, nơi những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ. Cuộc sống của người dân trên những vùng núi đó ẩn chứa bao nhiêu điều lạ. Những chuyện lạ đó kể không bao giờ hết, giống như người đi rừng chỉ thấy miên man rừng cây…

Robinson ở Cổng trời

Đường lên Khau Phạ -Cổng trời Khau Phạ, tiếng Thái có nghĩa là Cổng trời, còn người Mông gọi là Đở Chua- đỉnh núi lộng gió. Từ nhiều năm nay dọc đường lên Cổng trời có những chàng Robinson quanh năm lầm lụi trong mây mù và băng giá, người chăn dê, người nuôi cá…bên những cánh rừng đại ngàn âm âm thác đổ.

Tây Bắc núi cao vực sâu hùng vĩ và nhiều điều bí ẩn

A Của, người Mông ở xã Cao Phạ lên núi làm nhà nuôi dê từ lâu lắm rồi. Hàng rào trại nhốt dê của A Của ken bằng thân cây móc rừng bổ đôi dựng bao nhiêu năm nay rêu mọc xanh rì, trải qua bao nắng mưa vẫn luôn vững chãi. A Của để râu dài ngang ngực. Có một điều rất lạ, mặc dù năm nay A Của đã hơn 60 tuổi, nhưng râu vẫn đen nhánh, không một sợi bạc. Rót chén rượu mời tôi, A Của lắc đầu: Mình không nhớ lên đây từ bao giờ, lâu lắm rồi à. Cái râu này mình để từ ngày ấy…

Nhà chính A Của ở dưới núi, A Của lên đây một mình lập trại nuôi dê, mới đầu cũng chỉ vài con, dần dần đàn dê đông dần lên. Buổi sáng A Của mở cửa chuồng cho chúng lên rừng ăn cỏ, buổi chiều lũ dê tự động tìm về trại. A Của tập cho chúng thói quen ăn muối vào buổi chiều tối, quanh chuồng treo những chiếc ống bương khoét rãnh đựng muối trong đó. Chiều về lũ dê tranh nhau liếm muối ở những ống bương.

Việc nuôi dê trên đèo Khau Phạ chẳng mấy khó khăn, chỉ khi kiểm đếm thấy thiếu con nào thất lạc A Của mới phải đi tìm. Còn lại thời gian A Của lên nương tra lúa, trồng ngô. Bởi thế, A Của nuôi được lũ con lốc nhốc 10 đứa khoẻ re. Mấy năm nay A Của không nuôi dê nữa mà quay sang nuôi trâu. Gần chục con trâu nhà A Của béo mọng như những quả bí đao, buổi sáng chúng lên rừng ăn cỏ, buổi chiều chúng tự tìm về chuồng. Nếu ai gặp A Của giữa lưng đèo hoang vắng với chòm râu dài ngang ngực đều phải thốt lên Robinson.

Tôi gặp A Của trong chiếc lán giữa đèo Khau Phạ trong một đêm sầm sì cơn mưa. Rừng đêm lạnh lẽo vô cùng, mặc dù đang là giữa mùa hạ nhưng mây mù lớp lớp từ các hốc núi đùn ra, căn lán A Của mờ mờ như một đụm cây. Chiếc bóng đèn điện thắp sáng chạy bằng sức nước xanh lét như con đom đóm, ánh sáng quá yếu nên A Của phải đốt thêm ngọn đèn dầu hoa kỳ. Tôi nài nỉ A Của cho tôi được chụp ảnh anh, nhưng A Của không nghe, bảo: Mình muốn chụp ảnh ta phải uống rượu với ta chứ, không uống thì không được chụp đâu…Bởi trước lúc gặp A Của, nghe mọi người nói: Sức anh không uống được rượu với A Của đâu, nếu đã uống thì khó ra được lều A Của …

Cách đây hai năm trên đỉnh đèo Khau Phạ tôi gặp Giàng Sà Chảo người Háng Cơ Pua, xã Púng Luông chăn một đàn dê hơn một trăm con. Chảo bảo tôi: Chú Thào A Sàng thuê mình lên đây chăn dê, mình lên thay ông Thào Chờ Khua mà. Theo Giàng Sà Chảo thì người thứ hai đưa đàn dê lên đèo Khau Phạ là chú Sàng người xã Nậm Khắt. Trước đó chú Sàng thuê ông Thào Chờ Khua, ông Khua chết vì bị trúng gió độc hay cảm lạnh chẳng rõ. Người ta thấy ông chết gục cạnh bếp lửa tay vẫn cầm chiếc ống điếu thuốc lào. Sáng hôm sau bà con qua đường ghé vào lều chăn dê hút nhờ điếu thuốc thì thấy ông Khua chết lạnh cứng từ bao giờ. Chảo thay ông Khua chăn dê trên núi được một mùa đông rồi.

Quanh bếp lửa tôi thấy một đống vỏ chai Trung Quốc hỏi: Sống ở đây lạnh thế này mà Chảo dùng bia nhiều thế kia? Chảo cười: Chai đựng rượu đấy, mỗi lần về nhà mình lại mua một chai rượu lên, bà con qua đây mang rượu vào uống rồi để vỏ chai lại nên mới nhiều thế. Sống một mình ở đây không có rượu thì buồn lắm, chỉ cái đài này nói một mình thôi…Chảo chỉ chiếc đài treo trên vách.

Hơn năm nay tôi không nhìn thấy trại nuôi dê trên đỉnh đèo Khau Phạ nữa, nghe mọi người nói trại chuyển sang bên kia dãy núi, phía Mường Chiến tỉnh Sơn La. Vậy là tôi không gặp được chàng Robinson Giàng Sà Chảo nữa.

Chiều chuyển gió, buổi sáng gió từ phía Mù Cang Chải thổi sang phía Tú Lệ, chiều gió lại thổi từ phía Tú Lệ sang, lớp lớp đùn từ hai phía lưng đèo lên. Gió thổi quanh năm, gió nhiều đến nỗi cây cối ở đây lùn tịt, gốc cây nào cũng sần sùi to tướng rêu phong lớp lớp. Nhiều cây chỉ cao quá đầu người, nhưng tuổi của nó phải vài chục năm, đó là những giống cây lùn có sức chịu đựng được giông gió và sương giá. Chảo chỉ về phía con đường mòn trước mặt thấp thoáng những bóng dê đen, dê trắng. Đi đầu là con dê đầu đàn dáng cao to hùng dũng, râu dài phất phơ. Chảo cười: Mỗi con dê đực có bốn năm vợ, mình chỉ có một vợ thôi, đêm nào nhớ vợ quá thì mình khoá cửa chuồng dê lại về ngủ với vợ một đêm…

Cạnh lán chăn nuôi của A Của là trại nuôi cá hồi của Nguyễn Quang Huy, trại mới được xây dựng từ tháng 12/2007. Cuộc đời của anh có khá nhiều khúc quanh. Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, Mù Cang Chải là “thủ đô” của cây thuốc phiện, tại đây đặt Cty Một cây, chuyên mua bán nhựa cây thuốc phiện để chế biến thuốc tân dược ở một số huyện vùng cao Tây Bắc.

Cty Một cây chỉ tồn tại được vài năm thì giải thể, cây thuốc phiện chính thức bị xoá sổ. Nhưng đã muộn, hàng ngàn người bị nghiện hút, để kiếm được nhiều tiền Nguyễn Quang Huy đã bị cuốn vào đường dây buôn bán “cơm đen”. Bị bắt, toà kết án Huy 7 năm tù giam, chính thức thụ án từ ngày 26/12/1996. Ra tù Huy mở lò đóng gạch rồi làm thầu xây dựng, bây giờ Huy là GĐ Cty TNHH xây dựng Huy Thanh, không chỉ hoạt động ở Mù Cang Chải mà vươn ra các huyện trong tỉnh Yên Bái. Trong một chuyến lên Lai Châu có một người bạn đang nuôi cá hồi ở đó bảo anh: Mù Cang Chải có nguồn nước dồi dào sao không nuôi cá hồi và những loài cá nước lạnh nhỉ? Nuôi cá nước lạnh lãi lắm, không như những loại cá thường đâu…

Tin lời anh bạn, Huy đã chọn dòng suối Háng Năng ở bản Tà Chơ, nằm cách đỉnh đèo Khau Phạ chừng 3 cây số để lập dự án nuôi cá hồi. Háng Năng, tiếng Mông có nghĩa là suối Rắn. Sống cạnh dòng suối đó có vô vàn loài rắn, rắn xanh, rắn đỏ, rắn hoa, rắn vàng…Có nhiều con dài gấp hai sải tay người. Một điều khiến Huy trăn trở là nước suối ở đây có đủ độ lạnh để cá hồi sống và phát triển được không?

Cuộc sống bình yên giữa thiên nhiên kỳ vĩ

Để chắc chắn, Huy đã nhờ một người Mỹ gốc Việt đang công tác tại ngành thủy sản ở Mỹ lên tận suối Háng Năng đo nhiệt độ và phân tích mẫu nước mùa đông và mùa hạ. Sau khi có kết quả Huy mới chính thức lập dự án xin phép tỉnh Yên Bái xây dựng trại nuôi cá hồi. Đèo Khau Phạ kết nạp thêm một chàng Robinson nữa. Huy bảo: Em thi thoảng mới ngủ trên đèo vài đêm, công việc em giao cho cậu Đạt điều hành.

Đạt là em họ của Huy, người Thái Nguyên, kể từ khi xây dựng trại cá hồi, Đạt được Huy vời lên trông nom, điều hành công việc xây dựng và nuôi cá. Năm 2008 Huy nuôi thử nghiệm 10.000 con cá hồi. Ác thay, trận bão số 4 năm đó gây ra mưa lớn, nước lũ từ trên núi đổ xuống, bùn đất tràn vào ao khiến cho cá sặc bùn chết khoảng 15 tấn cá. Chẳng lẽ lại chịu thất bại, với số cá còn sống sót anh chuyển sang ao xây, nuôi tiếp. Cuối năm 2008, các nhà hàng đặc sản ở Hà Nội, Yên Bái và tận bên Trung Quốc tìm tới trại cá hồi của anh đặt mua với giá 200.000đ/kg, số lượng không hạn chế. Điều đó củng cố niềm tin để Huy mở rộng diện tích ao nuôi và xây dựng trại cá.

Mọi người gọi Đạt là “phó GĐ quần đùi”. Bởi suốt ngày Đạt chỉ vận quần đùi áo may ô lội ì oạp dưới ao, khi thì cho cá ăn, khi làm vệ sinh…quẩn quanh bên đàn cá. Tôi hỏi Đạt: Cứ sống trên đèo thế này, bao giờ thì lấy vợ? Đạt cười: Cháu năm nay ngót ba mươi tuổi rồi, suốt ngày ở trên núi chả đi đến đâu, nên cũng chẳng biết khi nào thì lấy được vợ…

Đêm trên Cổng trời gió hun hút thổi, sương giăng mờ mịt. Từ trên núi nhìn xuống đèo Khau Phạ quanh co như rắn lượn, những chuyến xe đi trong đêm chả khác gì những đám ma trơi…Vị “phó GĐ quần đùi”, chàng Robinson thời hiện đại chỉ chiếc xe đang rì rì bò lên đèo bảo tôi: Chiếc xe ca kia của nhà Khánh Thuỷ đấy...Tôi ngạc nhiên hỏi Đạt: Trời tối như vậy sao cháu biết đó là xe Khánh Thuỷ? Đạt cười: Mấy trăm đêm rồi cháu nằm trên đèo này, nghe tiếng xe là biết xe nào chú ạ…

Theo NNVN (Thái Sinh)


Tin khác