Cơ sở lập sổ tay

16/12/2008

Sổ tay quản lý tài chính và kế toán (“Sổ tay”) tóm lược những nội dung chính của quy trình quản lý tài chính do Chương trình “Hỗ trợ Chương trình Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” (“Chương trình”) thực hiện.

Sổ tay này được soạn thảo dựa trên kết quả rà soát các văn bản pháp quy hướng dẫn về công tác quản lý tài chính nhằm sử dụng các nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước và kết quả thảo luận với đại diện của Bộ Tài chính (“MOF”), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (“MPI”) và các Đơn vị Thực hiện. Phụ lục 1 liệt kê các tài liệu tham khảo được sử dụng trong quá trình lập Sổ tay.

Sổ tay này nên được coi là công cụ tham khảo để hỗ trợ quá trình quản lý tài chính tại các đơn vị thực hiện theo Chương trình “Hỗ trợ Chương trình Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Trong mọi trường hợp, các hướng dẫn của chính phủ về công tác quản lý ngân sách nhà nước cần được tuân thủ.

Phạm vi điều chỉnh của Sổ tay

Sổ tay này được soạn thảo nhằm cung cấp các hướng dẫn về các vấn đề tài chính tại các đơn vị thực hiện Chương trình tại cấp quốc gia, tại các tỉnh, huyện, xã và thôn bản.

Các vấn đề về mua sắm không thuộc phạm vi điều chỉnh của sổ tay này vì Chương trình sẽ thực hiện theo Luật Đấu thầu của Việt Nam (và các hướng dẫn liên quan) trên mọi phương diện.

Đối tượng sử dụng Sổ tay này bao gồm:

• Các Ban Quản lý Chương trình và các đơn vị tương đương tại cấp quốc gia/các cấp tỉnh, huyện, xã và thôn bản;

• Các tổ chức chính quyền tại tất cả các cấp tham gia vào Chương trình;

• Các cán bộ và chuyên gia Đan Mạch tham gia nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình;

• Các chuyên gia tư vấn, nhân viên và đơn vị kiểm toán được thuê cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Chương trình; và

• Các bên có lợi ích liên quan, các cá nhân và tổ chức khác liên quan đến Chương trình.

Mô tả Chương trình

Mục tiêu tổng thể của Chương trình là:

“Giảm nghèo nông thôn, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, thông qua phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tập trung vào các vùng cao”.

Chương trình bao gồm một Hợp phần Trung ương và một Hợp phần cấp tỉnh. Hợp phần cấp tỉnh hỗ trợ các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, và Lai Châu tại miền Bắc Việt Nam và các tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông tại Tây Nguyên.

Cơ cấu Hợp phần Chương trình

Cơ cấu Chương trình tại cấp trung ương và cấp tỉnh được trình bày tại Phụ lục 4.

Các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hợp phần của Chương trình “Hỗ trợ Chương trình Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” tại cấp trung ương bao gồm:

• Bộ Tài chính

• Vụ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

• Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (“DST”)

• Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (“IPSARD”)

Các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hợp phần Hỗ trợ Chương trình Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại cấp tỉnh bao gồm:

• Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu,

• Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai,

• Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc,

• Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, và

• Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Nông.

Sửa đổi Sổ tay

Sổ tay này có thể được sửa đổi với sự chấp thuận của Ban Giám sát.

Hàng năm, Ban Giám sát sẽ thực hiện việc rà soát Sổ tay và, khi cần thiết, sẽ cập nhật vào Sổ tay những thay đổi đối với các quy định của Chính phủ hay các hướng dẫn từ các bên liên quan như Đại sứ quán Đan Mạch. Ngoài ra, bất kỳ bên có lợi ích liên quan nào trong Chương trình tại bất kỳ cấp nào đều có thể đề xuất những sửa đổi hoặc thay đổi nhằm cải thiện các thủ tục quản lý tài chính được nêu trong Sổ tay.

Đơn vị Điều phối Trung ương chịu trách nhiệm đảm bảo các bên có lợi ích liên quan tương ứng nhận được công văn nêu rõ các thay đổi đã được chấp thuận.

Do thực tế luôn thay đổi theo thời gian, và không phải tất cả các trường hợp đều có thể dự kiến trước được, nên Sổ tay này không thể đưa ra hướng dẫn đầy đủ về tất cả các tình huống sẽ phát sinh trong tương lai. Ngoài ra vào từng thời điểm Chương trình có thể yêu cầu có những hướng dẫn kịp thời để giải quyết những tình huống cụ thể. Do đó, các quy trình sau cần được áp dụng:

• Trước hết, Chương trình cần tuân thủ các hướng dẫn của Chính phủ liên quan đến công tác quản lý Ngân sách Nhà nước. Các hướng dẫn mới nhất cần được áp dụng trong tất cả các trường hợp. Nếu một thông tư hay quyết định được dẫn chiếu trong Sổ tay này được thay thế, ban hành lại hay thu hồi, thì bản sửa đổi sẽ được áp dụng.

• Ban chỉ đạo cần được thông báo về mọi trường hợp mà các hướng dẫn trong sổ tay này hoặc các hướng dẫn khác của Chính phủ không rõ ràng. Ban chỉ đạo cũng cần được thông báo về biện pháp xử lý mà Ban Quản lý Chương trình dự định thực hiện.


(Trích nguồn: Dự thảo sổ tay tài chính)

Tin khác