Phát triển cây cao su: Cần thận trọng và căn cơ!

24/12/2008

Ngày 10/12, tại Bình Dương, Bộ NN- PTNT đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết qủa 10 năm thực hiện Quyết định 86/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cao su. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh giá cao su đang giảm mạnh, nhưng nhiều người vẫn lạc quan về sự phát triển của ngành hàng này trong những năm tới.

Tính toán thận trọng

Theo Cục Trồng trọt, từ năm 1995 đến 2007, diện tích cao su ở nước ta đã được mở rộng thêm 275.600 ha, đưa tổng diện tích lên 550.700 ha, đạt tốc độ tăng trưởng 6%/năm. Năng suất cao su năm 2007 đã đạt 1,61 tấn/ha, cao hơn tới 0,72/ha so với năm 1995. Sản lượng cao su năm 2007 là 470.300 tấn (năm 1995 là 131.400 tấn).

So với mục tiêu đến năm 2010 là 700.000 ha cao su, trong 2 năm tới, ngành cao su sẽ phải mở rộng thêm tới 150.000 ha nữa. Theo Viện QH- TKNN, Tây Nguyên là khu vực còn nhiều tiềm năng mở rộng diện tích cao su nhất, khoảng 100.000 ha. 50.000 ha còn lại sẽ phát triển thêm ở ĐNB, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ và khu vực Tây Bắc. Trong đó, việc mở rộng diện tích ở Tây Nguyên sẽ trông chờ nhiều vào việc chuyển đổi từ diện tích rừng sản xuất hiệu qủa thấp hoặc rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su.

Tuy nhiên, đây lại là một công việc không hề dễ dàng. Chẳng hạn, phần lớn rừng nghèo kiệt ở Tây Nguyên hiện nay là rừng khộp, nơi cây su rất khó phát triển vì thiếu nguồn nước ngầm. Mặt khác, theo ông PCT UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh này đã xin Chính phủ cho chuyển 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, nhưng tiêu chí rừng nghèo là như thế nào thì chưa vạch ra được.

Riêng ở khu vực Tây Bắc, đến tháng 10/2008, đã trồng được 4.480 ha cao su. Theo ông Lê Quang Thung, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), nhờ sử dụng các giống nhập từ Trung Quốc và một số giống của Tập đoàn có khả năng chịu lạnh, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, cao su ở đây đang phát triển rất tốt. Trên cơ sở đó, trong năm 2009, VRG sẽ đầu tư tăng diện tích cao su ở mỗi tỉnh Tây Bắc lên từ 1.000-2.000 ha. Và định hướng đến năm 2010 là có 10.000 ha ở khu vực này. Ông Lê Quang Thung cho biết, năng suất cao su ở Tây Bắc, có thể đạt 1,4-1,5 tấn/ha. Nếu giá cao su có giảm xuống chỉ còn mười mấy triệu đồng/tấn, thì hiệu qủa kinh tế mà cây cao su vẫn cao hơn so với nhiều cây trồng khác như lúa, ngô. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, việc phát triển cao su ở khu vực này, vẫn mang tính chất thử nghiệm, phải tính toán thận trọng, mà không nên phát triển ồ ạt.

Như vậy, mục tiêu tăng thêm 150.000 ha cao su trong 2 năm tới rất khó trở thành hiện thực. Bởi ngay cả trong mấy năm qua, khi giá cao su rất tốt, diện tích cao su tăng hàng năm cũng chỉ khoảng trên 30.000 ha. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta cần phải cân nhắc lại tiến độ mở rộng diện tích cao su, đồng thời tập trung điều chỉnh chế độ canh tác phù hợp để nâng cao hiệu qủa và khả năng cạnh tranh cho cây cao su Việt Nam. Việc chuyển đổi từ rừng sản xuất, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su phải được thực hiện chặt chẽ, phải làm rõ sự tác động đến môi trường …

Không được chặt bỏ cao su

Theo ông Lê Quang Thung, trong 2 năm tới nhất là năm 2009, xuất khẩu cao su sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá cao su hiện đã xuống tới mức 18 triệu đ/tấn, và không loại trừ khả năng sẽ giảm xuống còn 14 triệu đ/tấn. Ông Thung cho rằng sự xuống giá này là bình thường, và vài năm sau khi thế giới đã qua khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, giá cao su sẽ tăng trở lại. Vừa rồi, trong một cuộc họp của các Hiệp hội Cao su vùng Đông Nam Á, các đại biểu đều có chung nhận định rằng từ nay đến năm 2035, nhu cầu cao su trên thế giới vẫn có xu hướng cao hơn sản lượng cao su tự nhiên. Và để đáp ứng được nhu cầu, hàng năm cả thế giới cần phải phát triển thêm tới 350.000 ha cao su. Diện tích phát triển thêm này, chủ yếu trông chờ vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Chính vì vậy, trong 2 năm tới, người trồng cao su phải thật bình tĩnh, không nên đổ xô chặt bỏ vườn cao su để thay bằng cây khác, và tìm những giải pháp thích hợp để duy trì vườn cao su. Để duy trì và phát triển diện tích cao su trong thời gian khó khăn trước mắt, VRG đã điều chỉnh giá thành xuống còn tối đa là 12 triệu đ/ha/năm. Bên cạnh đó, để tăng hiệu qủa sản xuất, ngành cao su sẽ đưa thêm nhiều giống mới, có năng suất cao, thời gian cho mủ sớm (5 năm) vào sản xuất.

Ông Thung cho rằng, khi giá cao su xuất khẩu không còn thuận lợi như trước nữa, thì lại chính là cơ hội để ngành cao su tập trung cải tạo những vườn cây cũ, năng suất thấp. Theo đó, các nông trường sẽ giảm đầu tư cho vườn cao su, dẫn đến giảm nguồn cung cao su nguyên liệu của toàn ngành, nhằm giữ cho giá mủ cao su không giảm xuống qúa thấp. Đồng thời, những vườn cây cũ cần được mạnh dạn thanh lý, lấy gỗ cho ngành công nghiệp gỗ, và thay thế bằng những giống cao su mới có năng suất cao, để tới năm 2015, năng suất bình quân của cao su nước ta đạt mức 2,5 tấn/ha. Nếu làm được điều này, khi giá cao su trên thế giới đã tăng trở lại, chúng ta đã có sẵn một diện tích cao su lớn, sẵn sàng cho năng suất, sản lượng cao.


(www.hoinongdan.org.vn)

Tin khác