Đăk Nông: Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn

26/09/2008

Tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên trên 6.514 Km2, dân số khoảng 430 nghìn người, trong đó dân số sinh sống ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 86%. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ lực, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm trên 5,6%. Nhưng trong khoảng 10 năm tới, theo định hướng phát triển của tỉnh thì cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ có nhiều thay đổi, trong đó ngành công nghiệp- thương mại- dịch vụ- xây dựng sẽ giữ vai trò chủ lực.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh, công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực, trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đa dạng các ngành nghề phi nông nghiệp như: chế biến nông lâm sản, sản xuât vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và một số ngành dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt của bà con nông dân. Sự phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ này hầu hết sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thu hút nhiều lao động và tạo ra sự phân công lao động ngay trên địa bàn. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2005, cơ cấu các ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất ngành trồng trọt giảm từ 93,6% xuống còn 92,4%; ngành chăn nuôi tăng từ 4% lên 4,4%; dịch vụ tăng từ 2,4% lên 3,2 % và theo định hướng trong giai đoạn 2006-2010 nhóm các ngành dịch vụ tiếp tục tăng, trong đó một số ngành dịch vụ phát triển khá như: dịch vụ thương mại, tài chính, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp... Thực tế trong những năm qua cho thấy, ở địa phương nào trong tỉnh các ngành nghề và dịch vụ phát triển thì nơi đó đời sống của bà con nông dân đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn được khởi sắc.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến sau năm 2015 theo hướng công nghiệp- thương mại- dịch vụ-xây dựng giữ vai trò chủ lực, thì việc tập trung phát triển các ngành nghề dịch vụ phi nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mở rộng và tổ chức lại thị trường... ở nông thôn hiện nay là hết sức cần thiết. Dưới đây là một số giải pháp nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn trong điều kiện của tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Thứ nhất, cần đổi mới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp như khuyến khích các HTX mới thành lập chuyển sang hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho kinh tế hộ, hướng dẫn họ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và phát triển sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao vai trò của các HTX thương mại dịch vụ, trước hết tập trung vào các dịch vụ đầu vào, đầu ra, từ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ thành viên, đến mở mang ngành nghề, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn sẽ hình thành các doanh nghiệp của HTX, các liên hiệp HTX. Mở rộng các hình thức liên doanh liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là với doanh nghiệp nhà nước nhằm giúp các hộ thành viên giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm một cách thuận lợi. Phát triển mô hình liên kết giữa HTX nông nghiệp với các cơ sở chế biến nông sản, với doanh nghiệp để tiếp nhận vốn, kỹ thuật, công nghệ mới, mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc liên kết trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, là phát triển HTX thương mại dịch vụ, bởi khi HTX thương mại dịch vụ phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại địa phương có được hệ thống “chân rết” cung ứng và thu mua hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng dân cư. Các HTX hoạt động tốt sẽ góp phần ổn định thị trường, hạn chế các tiêu cực ở thị trường nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Muốn thực hiện được điều này thì cần có định hướng và hỗ trợ để phát triển hệ thống HTX thương mại dịch vụ trên địa bàn nông thôn như xây dựng mô hình tổ chức, điều lệ hoạt động, đăng ký kinh doanh, phương thức hạch toán, đào tạo cán bộ, phương thức huy động vốn của các xã viên...

Thứ ba, là tiếp tục cải thiện hệ thống dịch vụ tài chính. Đối với hệ thống dịch vụ tài chính phục vụ nông nghiệp và nông thôn, cần tiếp tục cải thiện để tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Ngoài các đối tượng cho vay vốn cần được quan tâm là nông dân, dịch vụ tài chính còn hướng tới các xí nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào nông thôn, các xí nghiệp, doanh nghiệp thu hút lao động tại địa phương với cơ chế lãi suất và thời hạn vay hợp lý.

Thứ tư, là tổ chức lại thị trường nông thôn, với việc hình thành các cụm kinh tế thương mại- dịch vụ gắn liền với huyện lị, thị trấn, thị tứ với nhiều chủ thể kinh doanh. Tại các cụm kinh tế thương mại- dịch vụ sẽ phát triển mạng lưới các cơ sở thu mua, bảo quản, phân loại, sơ chế, đóng gói, thu gom hàng hoá từ các hộ sản xuất cung cấp cho nhà máy chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu… Đây cũng là nơi cung ứng vật tư, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp và hàng hoá công nghiệp tiêu dùng, chính sách xã hội cho dân cư khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển hệ thống chợ từ thành thị đến nông thôn. Bởi cho đến nay chợ vẫn là hình thức tốt để thúc đẩy nền kinh tế thị trường, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Mặt khác, cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trên địa bàn, có các giải pháp can thiệp cần thiết để lành mạnh hoá thị trường, kích thích và mở rộng giao lưu hàng hoá giữa thị trường thành thị và thị trường nông thôn. Có chính sách khuyến khích nhằm đẩy mạnh kinh doanh sử dụng nhiều đối tượng làm đại lý cho thương nghiệp nhà nước; đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước để đảm bảo kinh doanh đúng pháp luật. Trong quá trình tổ chức thị trường nông thôn, cần tạo mọi điều kiện khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hoá với chất lượng ngày càng cao hơn. Cần có giải pháp thu hút đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến nông sản sau thu hoạch và mở rộng thị trường tiêu thụ. Có chính sách khuyến khích hỗ trợ các cơ sở khoa học kỹ thuật, dịch vụ sau thu hoạch, công nghệ chế biến dưới hình thức dự án, chương trình khuyến nông được tài trợ từ ngân sách địa phương, Nhà nước, hoặc các tổ chức quốc tế. Tổ chức tốt các công tác thông tin về thị trường, giá cả, hướng dẫn sản xuất hàng hoá phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu thị trường.

Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá đang được đẩy mạnh và đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, thì việc phát triển các ngành nghề dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn, nhất là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn như Đắk Nông nhằm làm chuyển dịch mạnh mẽ hơn cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập và góp phần cải thiện đời sống của nông dân là hết sức cần thiết. Hệ thống các dịch vụ này vừa hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, mang lại giá trị chất lượng sản phẩm cao, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phi sản xuất nông nghiệp ở nông thôn hiện nay.


Nguồn: www.dangcongsan.vn

Tin khác