Đăk Nông với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xoá đói, giảm nghèo giai đoạn 2007 - 2010

11/08/2008

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói, giảm nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp tỉnh Đắk Nông đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, có hiệu quả, cộng với sự phấn đấu, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nên công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn từ năm 2004 - 2006 đã có 53.567 lượt hộ nghèo được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể phối hợp cho vay 77,62 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh; 8.640 lượt người nghèo được hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; 18.171 lượt hộ đồng bào dân tộc nghèo được hỗ trợ theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ; 654.652 lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân các xã được hưởng lợi Chương trình 135 được khám và chữa bệnh với tổng kinh phí 20 tỷ đồng; đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng mới 146 phòng học; huy động quỹ vì người nghèo được 1.263 triệu đồng; làm mới và sửa chữa 429 ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo được giảm dần theo hàng năm: năm 2003 chiếm tỷ lệ 14,83 %; năm 2004 chiếm 9,95%; năm 2005 chiếm 7,5 % và đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Kết quả điều tra hộ nghèo năm 2006 theo Quyết định 170/2005/QĐ - TTg, ngày 8-7- 2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chuẩn nghèo áp dụng giai đoạn 2006 - 2010 chiếm tỷ lệ 15,7%. Tuy nhiên, trong công tác này một số ngành chức năng và một số địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nó dẫn đến chưa làm hết trách nhiệm của mình cho nên việc thoát nghèo của nhân dân gặp không ít khó khăn, số hộ thoát nghèo chưa thật sự vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao, đặc biệt số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn còn ở mức cao 45,6%.

Từ thực trạng trên, giai đoạn 2007 - 2010, công tác xóa đói, giảm nghèo được tỉnh ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm giúp hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ nghèo trong đồng bào dân tộc tại chỗ, hạn chế tối đa tái nghèo, nghèo mới. Để thực hiện thành công, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh; áp dụng phong phú có chiều sâu các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ các chính sách, dự án nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất cho người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo vùng III và xã khó khăn. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bền vững, hạn chế thấp nhất hộ nghèo mới, tỷ lệ hộ tái nghèo dưới 1% trên tổng số hộ nghèo và đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống chỉ còn 10 - 11% ngang bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Đặc biệt phấn đấu đến năm 2008, cơ bản không còn hộ chính sách, có công với cách mạng thuộc diện nghèo và hàng năm giảm mạnh hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, để đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn dưới 15% trên tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể, trước hết cần đa dạng hóa các hình thức cho vay, tăng mức cho vay và thời gian vay vốn, làm tốt việc cung cấp tín dụng 100% cho các hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, đặc biệt ưu tiên các hộ chính sách, có công và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư từ tỉnh đến cơ sở, phấn đấu đến năm 2010 có 100% xã, phường có đủ cán bộ khuyến nông cơ sở; Hướng dẫn cho người nghèo kiến thức, kỷ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ về trợ giúp đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Tiếp tục triển khai Quyết định 304/2005 của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn gắn với việc giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ trong các chương trình của Nhà nước. Đến năm 2008, thực hiện hoàn thành Chương trình 134 cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và đến năm 2010 các xã đặc biệt khó khăn cơ bản có các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện thắp sáng, thủy lợi, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, nước sinh hoạt. Tổ chức sắp xếp lại dân cư theo hướng tập trung để tạo thuận lợi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để hoàn thành mục tiêu phổ cập trung học cơ sở, mở rộng quy mô trường trung học phổ thông dân tộc nội trú để tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc tại chỗ; thực hiện chế độ miễm giảm học phí và các khoản đóng góp khác, hỗ trợ tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh, sinh viên thuộc diện nghèo. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân giúp người nghèo nâng cao học vấn, xóa mù và ngăn ngừa tình trạng tái mù chữ, phấn đấu đến 2010 có đủ trường học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư toàn diện cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã. Có kế hoạch đào tạo dài hạn và đào tạo lại đội ngũ y, bác sỹ, cần chú ý ưu tiên những đối tượng người tại chỗ; có chế độ ưu đãi để thu hút y, bác sỹ về làm việc tại cơ sở, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Triển khai đầy đủ và hiệu quả chương trình y tế cộng đồng, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng người nghèo; thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt chú ý đến vùng dân tộc ít người; đảm bảo cho 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT; phấn đấu đến năm 2010 các xã, phường, thị trấn có 80% các trạm y tế xã theo tiêu chuẩn quốc gia.

Tiếp tục làm tốt công tác trợ giúp cho người nghèo, dân tộc thiểu số tại chỗ có tay nghề cần thiết để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông qua các khóa dạy nghề, tìm việc làm tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đi lao động xuất khẩu hoặc tự tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể. Trước hết cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh ủy, đặc biệt là vai trò của các cấp ở cơ sở. Gắn trách nhiệm thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo với các tiêu chí thi đua của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên để định hướng đúng việc thực hiện những nội dung Nghị quyết đã đề ra. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xóa đói, giảm nghèo trên các kênh phát thanh, truyền hình, báo chí và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với những nội dung phong phú, đa dạng và phù hợp. Để từ đó nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về công tác này. Cần làm cho người dân có ý chí vượt nghèo mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Có phương pháp, cơ chế từ khâu khảo sát, lập kế hoạch, quản lý nguồn lực đến triển khai thực hiện, giám sát theo hướng bắt đầu từ cơ sở và có sự tham gia của người dân đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện tốt việc quy hoạch, bố trí dân di cư tự do ở những nơi thuận lợi để tạo điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống. Khảo sát, đánh giá tình hình nợ đọng vốn vay trong đồng bào dân tộc thiểu số để có cơ sở phân loại, xem xét, giải quyết; tạo điều kiện cho người nghèo dễ dàng tiếp cận các nguồn lực và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ cho hộ đã thoát nghèo từ 2 -3 năm để có điều kiện thoát nghèo bền vững. Hàng năm cần đảm bảo nguồn lực ít nhất 0,5 % dự toán thu ngân sách của tỉnh, huyện và xã, trừ các xã đặc biệt khó khăn để phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo.

Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã đề ra, tin tưởng rằng trong giai đoạn 2007 - 2010, tỉnh Đắk Nông sẽ thực hiện thành công chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.


Nguồn: www.cpv.org.vn

Tin khác