KTNT - Trong lúc nhiều người dân ở Liêng Srol (Đam Rông - Lâm Đồng) vẫn đang loay hoay tìm một loại cây trồng thích hợp, cho hiệu quả kinh tế cao thì ông Lâm Tấn Sơn ở thôn I đã có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ trồng chanh dây (mác mác).
Rời An Giang đến định cư ở Liêng Srol, ban đầu ông Sơn cũng gặp nhiều khó khăn khi không tìm được loại cây thích hợp với vùng đất cằn cỗi nơi đây. Từ trồng càphê, ông chuyển sang trồng điều ghép nhưng thu nhập vẫn bấp bênh vì đất cằn, thiếu nước, cây chậm phát triển, năng suất thấp. Do vậy, gần 10 năm vật lộn trên đất Liêng Srol, gia đình ông Sơn vẫn không thoát khỏi nghèo khó. Một lần, có dịp đến huyện Đức Trọng, ông Sơn thấy người dân ở đó trồng chanh dây cho thu nhập ổn định nên đã nảy ra ý định trồng chanh dây trên mảnh đất khô cằn của gia đình mình.
Dồn toàn bộ vốn liếng được hơn 20 triệu đồng, ông Sơn mua dây kẽm để làm giàn và mua giống chanh dây Đài Loan từ Đức Trọng về trồng thử trên 5 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) đất đang trồng càphê. Sau hai năm vừa học vừa làm, chanh dây đã không phụ công ông và cho quả sai lúc lỉu.
Theo tính toán của ông Sơn, tiền đầu tư cho 1ha chanh dây khoảng 50-80 triệu đồng (1.000 cây giống, mỗi cây giá 25.000 đồng, 1 tấn dây kẽm giá 14 triệu đồng, phân bón, công lao động...). Sau 6 tháng trồng, chanh sẽ cho thu hoạch trái bói, các vụ tiếp sau năng suất khá cao. Thực tế, với 5 sào chanh dây, mỗi tuần ông thu từ 7-10 triệu đồng giá bán bình quân 7.000 - 8.000 đồng/kg). Những lúc giá chanh dây lên cao, có tuần ông thu về 13 triệu đồng.
Đến nay, ông Sơn đã mở rộng diện tích chanh lên 4ha, hàng tháng cung cấp cho thị trường trên 10 tấn quả, doanh thu đạt 20 triệu đồng. ông Sơn chia sẻ: “Trồng chanh dây phải làm giàn cứng, chắc để không bị gió quật ngã. Cần thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, sâu bệnh trên cây để xử lý kịp thời”.
Từ mô hình của ông Sơn, nhiều hộ nông dân ở Liêng Srol đã chuyển sang trồng chanh dây và xem đây là cây trồng thoát nghèo hiệu quả, bởi có đầu ra thuận lợi.
Phạm Khánh (Theo Cam Ly / Báo Kinh Tế Nông Thôn)