Làm sao "giải cứu" những bao lúa đồng bằng?

12/03/2010

Thời điểm này đi về nông thôn ĐBSCL ta thấy lúa vào bao chất đầy nhà khó bán được vì giá hạ, thương lái lại ít mua. Có nơi lúa tràn cả ngoài trời.

 
 

Nông dân trông chờ người mua lúa như trẻ thơ trông mẹ đi chợ về! Nhiều ông lão hốc hác chống gậy đứng bên bờ sông nhìn có ai qua lại là ánh lên chút hy vọng: “Họ là lái gạo?”. Nhiều hộ chất lúa trong nhà chỉ chừa một chút lối đi và bộ ván cho cả gia đình nằm ăn, ngủ. Những em bé xót da vì bị bụi lúa làm dị ứng mong chờ bán hết lúa để có chỗ ăn uống, vui chơi, học hành…Xong vụ ĐX vài ngày ngoài đồng đã xanh mạ vụ XH. Lúa XH đang "đói" phân, thuốc nhưng những bao lúa ĐX thì nằm đầy ắp, ngổn ngang chưa bán được, nhiều nông dân còn nợ tiền vật tư đợt trước, nợ tiền ngân hàng năm rồi…thì lấy tiền đâu ra thanh toán nợ cũ, mua vật tư mới?

Đất nước mình có thế mạnh về nông nghiệp, nay mai có khả năng đứng đầu thế giới về XK gạo. Đồng ruộng bạt ngàn, người dân cần cù, một góc đất nhỏ cũng tạo ra lương thực, thực phẩm…Theo quy luật cung- cầu ai cũng hiểu, nếu để lúa lại thời gian nữa, chắc chắn giá sẽ cao khi sản lượng vơi dần. Nhưng bà con mình đa số cần tiền để trang trải, buộc lòng phải bán gấp nên “cung” tạm thời vượt “cầu” đã đẩy nông dân vào chỗ bi đát.

Chúng tôi tạm đề xuất: Nhà nước nên thu mua tất cả lúa trong dân (đảm bảo nông dân có lãi 40% trở lên), tận dụng ngân sách, sau khi xuất khẩu có lãi thì Nhà nước có thêm ngân sách, bằng như lỗ thì xem như bù lỗ cho dân. Thương lượng với các nước thiếu gạo bán hoặc trao đổi hai chiều các mặt hàng họ có mà ta không có. Chấp nhận giá cạnh tranh của tư thương (nếu họ mua cao hơn Nhà nước thì nông dân được lợi, họ mua dưới giá Nhà nước thì dân chỉ bán cho Nhà nước). Một khi thị trường gạo tăng cao Nhà nước bán ra có lãi, nông dân cũng vui vẻ vì thực tế Nhà nước đã ra tay cứu nông dân trong lúc khó khăn.

Đất nước ta cơ bản là một đất nước nông nghiệp. Nông dân là lực lượng hy sinh nhiều nhất trong thời chiến lẫn thời bình. Bây giờ họ làm ra lúa gạo bán không được, bán lỗ lã hoặc không lời nhiều thì không những nông dân đau lòng mà cả xã hội cũng xót xa!

Phạm Khánh (Theo Thành Nam / Báo Nông Nghiệp)

Tin khác