Thương mại nông sản Châu Á trong bối cảnh nổi lên của Ấn Độ và Trung Quốc

22/12/2005

Khu vực châu Á đang diễn ra một quá trình chuyển đổi sâu sắc về kinh tế xã hội và cả những thay đổi về văn hoá. Quá trình này đang diễn ra ngày càng sâu rộng với những thay đổi về chính sách phát triển của bản thân các quốc gia và của những yếu tố tác động từ phía bên ngoài, đặc biệt là sự nổi lên của hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ.

Khu vực châu Á đang diễn ra một quá trình chuyển đổi sâu sắc về kinh tế xã hội và cả những thay đổi về văn hoá. Quá trình này đang diễn ra ngày càng sâu rộng với những thay đổi về chính sách phát triển của bản thân các quốc gia và của những yếu tố tác động từ phía bên ngoài, đặc biệt là sự nổi lên của hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ.| Phát biểu trong cuộc hội thảo hai ngày 9 và 10/12/2005 tại Seoul, Hàn Quốc, gồm các nhà hoạch định và phân tích chính sách đến từ các quốc gia châu Á, TS. Mafa E. Chipeta Trưởng ban kinh tế của tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO) cho rằng “một số nước châu Á đã đạt được những thành công rất ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và xoá đói nghèo như các con rồng Châu Á các thập kỷ 70 và 80, và hiện nay là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên tăng trưởng nhanh không giải quyết được tất cả mọi chuyện, các nước đang phát triển hiện nay của châu Á đang phải đối mặt với thách thức của việc duy trì tăng trưởng bền vững, tăng cường chất lượng của tăng trưởng, và giải quyết những mâu thuẫn gay gắt trong phát triển nông nghiệp đó là giảm nghèo và bất bình đẳng, năng lực cạnh tranh và giảm những tổn thất trong quá trình toàn cầu hoá”. Trong bối cảnh như vậy, sự phát triển và ngày càng gây ảnh hưởng đến thị trường khu vực và toàn cầu của Ấn Độ và Trung Quốc đang đặt ra những lo ngại về chiều hướng phát triển thương mại, đầu tư và ảnh hưởng của nó đến tăng trưởng của các nền kinh tế nhỏ trong khu vực.

Theo các kết quả nghiên cứu của Trung Quốc và Ấn Độ, khi nền kinh tế ngày càng tăng trưởng và mở cửa sẽ phát huy những ngành hàng có lợi thế so sánh trong khi các ngành hàng yếu kém sẽ giảm quy mô. Thu nhập tăng lên, nhu cầu tiêu thụ tăng cùng với những thay đổi của cơ cấu sản xuất nội địa do quá trình hội nhập đem lại sẽ tác động đến khu vực theo hướng thay đổi cơ cấu thương mại nông sản, song tổng thương mại sẽ tăng lên. TS Jikun Huang, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng trong vòng hai thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhập khẩu một số sản phẩm nông sản. Ước tính nhập khẩu ròng của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu ròng thế giới từ nay đến 2020 một số nông sản là dầu thực vật từ 15% lên 25%, thức ăn chăn nuôi 1% lên 10%, mía đường 3% lên 7%, sữa 1% lên 3%. Trong khi đó Trung Quốc vẫn duy trì và thặng dư một số nông sản như gạo, cá, rau quả và thực phẩm chế biến. Đối với Ấn Độ, TS Bibek Debroy

Giám đốc Viện Rajiv Gandhi ước tính, Ấn Độ sẽ tăng mạnh nhập khẩu dầu ăn và sản phẩm gỗ, bông. Như vậy sự phát triển của Ấn Độ và Trung Quốc đem lại những cơ hội cho các nước trong khu vực thông qua tăng cường thương mại nông sản. TS He Changchui giám đốc vùng châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức FAO cho rằng “sự phát triển của Ấn Độ và Trung Quốc đang hình thành một cuộc chơi mới trong khu vực, nó đem lại cả những cơ hội và thách thức, điều quan trọng đối với các nước trong khu vực không phải là lo ngại về sức mạnh cường quốc, cũng như không nên chỉ thụ động trước các thay đổi, mà phải chủ động tự điều chỉnh để có thể thu lợi lớn nhất và giảm thiểu thiệt hại trong cuộc chơi mới này”.

Phạm Quang Diệu


Tin khác