Chính sách đổi mới của Đảng ta đã đưa nông nghiệpViệt nam thoát khỏi con đường sản xuất tự cấp, tự túc để bước vào con đường sản xuất nông nghiệp hàng hoá với những thành công đáng kể trong thập kỷ 90. Sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đứng hạng nhất nhì thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu… đã đóng góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. |
Tuy nhiên, sau một thời gian tưng bừng phấn khởi với sự tăng đột biến của sản lượng nông sản thì vài năm trở lại đây, hàng loạt những thông tin về khó khăn, ứ đọng trong tiêu thụ nông sản trong khi nhu cầu thị trường ( cả trong nước và ngoài nước ) không hề thuyên giảm… đã cho chúng ta thấy rằng nông sản Việt nam đang phải đối mặt với một thách thức vô cùng lớn đó là sức cạnh tranh yếu của nông sản trên thị trường.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng lực sản xuất, tiêu thụ của các mặt hàng nông sản hàng hoá của nước ta hiện nay ví dụ như vấn đề tổ chức sản xuất để có được sản phẩm mang tính hàng hoá cao ( ví dụ sản xuất với khối lượng lớn, đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh mà từng thị trường đòi hỏi); vấn đề tiếp thị, tìm kiếm thị trường; hoặc vấn đề yêu cầu đối với khâu bảo quản, chế biến v.v.
Tuy nhiên, chỉ nhìn đến khía cạnh kiến thức thị trường (hay nói cách khác là sự tiếp cận với thông tin thị trường) mà người sản xuất, nhà kinh doanh, nhà quản lý, nhà nghiên cứu hiện nay thu nhận được để trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc tạo ra môt nền nông nghiệp hàng hoá phù hợp với thị trường giúp nâng cao được lợi nhuận trong đầu tư sản xuất thì thực trạng cho thấy cũng còn đang tồn tại những điều bất ổn. Có thể nói hệ thống thông tin thị trường phục vụ sản xuất nông nghiệp (một trong những hình thức dịch vụ công mà nhiều quốc gia đang rất quan tâm) ở nước ta còn hết sức nghèo nàn, đơn điệu, chậm chạp và bị sai lệch do chưa được quan tâm thoả đáng . Chỉ dẫn chúng một thực tế dễ nhận thấy là để sản xuất ra nông sản hàng hoá có thể tiêu thụ được trên thị trường thì phải biết rằng yêu cầu của thị trường hiện nay ra sao; việc sản xuất và đưa vào thị trường tại thời điểm nào; cần phải liên kết sản xuất ra sao để có thể đem lại lợi nhuận cao nhất v.v đối với nhiều đối tượng còn hết sức đơn giản.
Nhìn lại con đường tiếp cận với thông tin phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nước ta trong thời gian qua, chúng ta thấy có ba luồng chủ yếu
- Thứ nhất, đó là luồng thông tin từ các mạng lưới khuyến nông;
- Thứ hai đó là luồng thông tin từ các trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc các đơn vị nghiên cứu như viện, trường đại học…
Hai luồng thông tin này thường đến với người sản xuất thông qua các mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật, giới thiệu giống, vật tư mới đi kèm việc giới thiệu qui trình canh tác.
- Luồng thông tin thứ ba, không kém phần quan trọng đó là thông tin về sản phẩm của các công ty kinh doanh vật tư nông nghiệp ( giống , phân bón, thuốc trừ sâu…) thông qua các đại lý kinh doanh hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng dưới hình thức quảng cáo để bán sản phẩm.
Khoan bàn đến những yếu tố khách quan và chủ quan gây trở ngại không ít đối với việc tiếp cận những luồng thông tin này, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất nghèo, trình độ học vấn thấp, ở vùng sâu vùng xa. Ở đây ta chỉ bàn tới nội dung của những thông tin kể trên.
Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích to lớn của những luồng thông tin đó trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng cần nhìn ra những điểm yếu và chưa hoàn thiện của hệ thống này xuất phát từ thực tế thời gian qua để tìm hướng khắc phục.
Có hai điểm nổi bật cần thấy rõ qua thực tế:
Một là phần lớn, nếu không muốn nói là gần như toàn bộ các thông tin khuyến nông, thông tin chuyển giao từ các đơn vị nghiên cứu, các công ty kinh doanh vât tư nông nghiệp kể trên chỉ tập trung vào việc phổ biến kỹ thuật canh tác cây, con …, cách thức sử dụng vật tư sao cho đạt năng suất và sản lượng cao nhất. Yếu tố kinh tế cũng có được tính đến nhưng phần lớn nặng về so sánh hiệu quả kinh tế so với cây trồng hoặc vật nuôi khác chứ không tính đến vấn tiêu thụ ra sao, chi phí đầu vào tối đa thế nào thì có thể được thị trường chấp nhận và người sản xuất có lợi nhuận v.v.
Hai là, do thông tin phát đi chủ yếu nhằm mục đính mang lại lợi ích cho các đơn vị quảng bá là làm sao để người sử dụng tin cậy đối với sản phẩm của mình, đặc biệt là thông tin từ các công ty kinh doanh vật tư nông nghiệp nên hình thức truyền bá thông tin thường mang tính đơn lẻ và phiến diện nếu không muốn nói rằng đôi khi những thông tin đó khiến người sản xuất bị mắc sai lầm khiến sản phẩm sản xuất ra không được thị trường chấp nhận hoặc quá nhiều tới mức dư thừa.
Trong chuỗi hàng hoá, để sản phẩm sản xuất ra có thể tiêu thụ được sẽ phải cần sự hỗ trợ của rất nhiều yếu tố nhưng ít nhất trong quá trình từ khi bắt đầu sản xuất, người sản xuất đã phải được trang bị không chỉ những kiến thức về kỹ thuật canh tác cho năng suất cao mà điều không kém phần quan trọng còn phải là những thông tin về kinh tế, về thị trường, về tiêu chuẩn của sản phẩm đối với từng thị trường cụ thể, về khả năng tiêu thụ, khả năng cạnh tranh, thời điểm và số lượng tốt nhất để đưa ra thị trường đối với mỗi loại nông sản; hay như mức chi phí đầu tư ra sao, yêu cầu của thị hiếu người tiêu dùng thế nào thì có thể được thị trường chấp nhận, người sản xuất tránh được rủi ro và có lời v.v. Nhìn vào lĩnh vực nghiên cứu thị trường thuộc phạm vi ngành NN-PTNT, nền móng cơ bản để cho ra đời một hệ thống thông tin thị trường chúng ta đều thấy rằng trong vài năm gần đây tuy đã có một số chương trình, dự án nghiên cứu thị trường như của Viện Nghiên cứu Rau Qủa Hànội ( RISAV), Viện Nghiên cứu Cây Ăn Qủa Miền nam (SOFRI), Viện Khoa học KTNN Việt nam ( VASI), Trường Nông lâm Thủ đức, Trung tâm Tin học NN-PTNT (ICARD) v.v. nhưng nhìn chung việc đầu tư còn chứ tương xứng với tầm quan trọng, hoạt động còn rời rạc do thiếu một “ nhạc trưởng” để có thể tập hợp, chỉ huy, vận hành một cách có hệ thống và phân công cụ thể đối với từng ngành hàng để tránh trùng lắp.
Chỉ khi nào chúng ta có một hệ thống thông tin thị trường được đầu tư nghiêm túc, trên cơ sở một chiến lược nghiên cứu thị trường và chiến lược phổ biến thông tin một cách khoa học, mang tính đặc thù cao cho từng loại đối tượng thì chúng ta mới hy vọng góp phần làm giảm bớt rủi ro thị trường, một loại rủi ro có thể nói là lớn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
Để có được một hệ thống thông tin thị trường phong phú, có hiệu quả, phục vụ chiến lược sản xuất nông nghiệp hàng hoá thì không phải chỉ có những thông tin “thô” như giá cả nông sản. Những nghiên cứu chuyên sâu về thị trường sẽ cho ra đời không chỉ những thông tin tức thời để giao dịch mua bán mà quan trọng hơn đó là những thông tin phân tích mang tính chiến lược, dự báo ngắn hạn hoặc dài hạn mang tính quyết định cho chiến lược phát triển một ngành hàng, những thông tin giới thiệu về những thị trường tiềm năng cùng những yêu cầu của thị trường đó, những cảnh báo về rủi ro thị trường v.v. đó sẽ là những dòi hỏi không thể thiếu cho một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá và đó cũng là một công việc phức tạp đòi hỏi kíên thức tổng hợp cả chuyên ngành nông nghiệp lẫn kiến thức về kinh tế, thương mại v.v. đồng thời phải có những kiến thức hết sức chuyên sâu về từng ngành hàng.
Chúng ta đang gấp rút ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO) với những dự báo buồn về sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hoá nông sản nước ta trên thị trường quốc tế cũng như thị trường nội địa. Chỉ trên cở sở được tiếp cận với một hệ thống thông tin thị trường được đầu tư nghiêm túc, các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp và PTNT mới có thể cho ra đời những chính sách sản xuất phù hợp với thị trường. Và hơn nữa, với con số 13 triệu hộ nông dân (*), nguồn lực chủ chốt tạo ra lượng nông sản hàng hoá hiện nay ở nước ta, nếu họ không được tranh bị tốt kiến thức về thị trường thông qua việc tiếp cận với một hệ thống thông tin thị trường có chất lượng tốt thì chắc chắn mối đe doạ đó sẽ trực tiếp tác động đến thành quả giảm đói nghèo mà bao nhiêu năm qua chúng ta đã cố gắng gìn giữ.
Có thể khẳng định, trong nhiều con đường dẫn dắt tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với thị trường một cách bền vững, có sức cạnh tranh cao thì việc xây dựng một hệ thống thông tin thị trường chuyển tải những kết quả nghiên cứu về thị trường một cách nghiêm túc, khoa học là một công việc cần được đầu tư và triển khai gấp rút.
(*) theo Tổng Điều tra Nông thôn, Nông nghiệp, Thuỷ sản 2001, NXB Thống Kê, 2003