ĐBSCL lại “khốn đốn” tìm cách cứu cá tra

10/07/2012

Những tháng đầu năm nay, người nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản do giá cá tra nguyên liệu thấp hơn giá thành.

Sự việc diễn ra không mới nhưng mức độ ảnh hưởng ngày càng sâu và lan rộng hơn. Hệ quả của nó là nhiều người nuôi thua lỗ nặng, doanh nghiệp chế biến dừng cuộc chơi. Quan trọng hơn, ngành nghề có thế mạnh của đồng bằng châu thổ này lại đứng trước một “vực thẳm” với cái chết được dự báo trước của nhiều người nuôi và doanh nghiệp.
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL ở nhiều nơi rơi xuống còn dưới 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất từ 24.000 - 25.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi lỗ trên 5.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến gần cuối tháng 6 vừa qua, toàn vùng ĐBSCL đang thả nuôi trên 4 ngàn 500 ha, diện tích thu hoạch hơn 2.000 ha, đạt sản lượng trên 533 ngàn tấn. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu giảm nên nông dân thua lỗ nặng.
“Vì sao cá tra được xem gần như là độc quyền của Việt Nam mà vẫn để nó ngụp lặn qua từng thời vụ? Chúng ta đã và sẽ làm gì để cuộc cạnh tranh con cá tra trên thị trường thế giới không dẫn đến kết quả là tất cả chúng ta cùng kéo nhau xuống đáy ao như nhiều nhà kinh tế đã đánh giá”. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã băn khoăn như vậy khi đề cập về nghề nuôi cá tra cũng như những giải pháp đã thực hiện nhằm vực dậy ngành hàng có giá trị cao này.
Không chỉ người nuôi, những doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu vốn và bất ổn nguồn nguyên liệu. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động hẳn do thua lỗ.
Theo VASEP, hiện nay có đến 70% doanh nghiệp "chết" do nguyên nhân chính là vốn, tình hình khủng hoảng kinh tế... khi ngân hàng thắt chặt thì doanh nghiệp thiếu vốn. Chính vì vậy, theo nhiều doanh nghiệp, ngay lúc này muốn kéo giá cá tra tăng trở lại rất cần có sự can thiệp khẩn cấp của Chính phủ.
Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt đề nghị “Hãy ưu tiên cho những người làm thật, ưu tiên cho những doanh nghiệp đem tiền về cho đất nước. Phải có chính sách cho họ. Và hỗ trợ bằng cách là lãi suất thấp để thúc đẩy xuất khẩu. Tiền chính phủ đưa ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đưa ngành nông nghiệp đi lên, điều đó là rất tốt”.
Có thể nói, chưa bao giờ nghề nuôi cá tra lại lâm vào cảnh cùng cực như hiện nay. Chi phí đầu vào tăng cao làm đội giá thành sản xuất. Theo nhẩm tính của nhiều người nuôi, trung bình 1 ha ao cá tra cho sản lượng từ 300 – 350 tấn. Như vậy, 1 ha ao nuôi cá tra người nông dân lỗ tới hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phân tích sâu vào vấn đề đã thấy rõ kẽ hở hiện nay đối với ngành nuôi trồng, chế biến cá tra ở ĐBSCL là sự rời rạc, thiếu liên kết, thiếu trách nhiệm, khó có hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người nuôi mất lòng tin lẫn nhau, dẫn đến thực trạng: doanh nghiệp không dám bao tiêu, người nuôi không dám bán. Bên cạnh đó, vấn đề thống kê và dự báo trong sản xuất và tiêu thụ cá tra còn hạn chế nên sản xuất chưa thực sự gắn với thị trường.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích: “Trong chuỗi cung ứng của chúng ta thật sự có vấn đề. Thừa và thiếu ở đây không phải là đơn giản mà là quá thừa và quá thiếu. Thường thường giá khi xuống rất nhanh, giảm rất sâu. Giảm nhanh làm nản lòng người nuôi. Nhiều doanh nghiệp ra khỏi cuộc chơi. Thế là sau đó người nuôi giảm sản lượng thì lại thiếu nguyên liệu. Khi thiếu thì giá tăng mạnh và quy trình đó lại tiếp diễn. Như vậy mấu chốt là thông tin không cung cấp tới người nuôi. Nông dân nếu được cung cấp thông tin thì sẽ thay đổi, thích ứng nhanh”.
Theo dự báo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng cuối năm nay, khó khăn của ngành chế biến cá tra là thiếu vốn để thu mua, chế biến lượng cá nuôi với diện tích khoảng 4.300 ha. Điều này nhiều khả năng dẫn đến nguy cơ tồn đọng cá nguyên liệu 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, thiếu vốn tái đầu tư nuôi có thể dẫn đến tình trạng thiếu cá nguyên liệu cho chế biến vào quý I năm tới.
Để giải cứu ngành cá tra, cần giải quyết khủng hoảng thừa của cá tra và vấn đề giảm giá, giảm chất lượng... Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp chế biến cần ngồi lại, tổ chức ngành chế biến cá tra thành ngành có điều kiện, phải xây dựng giá sàn, chất lượng sàn... Đồng thời, tổ chức lại nuôi trồng, chế biến để xây dựng hình ảnh con cá tra tích cực hơn. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng cần xây dựng lại giá sàn cho sản phẩm cá tra. Vấn đề này đã tranh cãi nhiều lần nhưng đề nghị thực hiện và cho doanh nghiệp công bố giá sàn. Nhà nước sẽ đóng vai trò quản lý và thổi còi những đơn vị không làm đúng. Nhà sản xuất và người nuôi bây giờ không còn mâu thuẫn quyền lợi nữa, đi chung một con đường rồi”.
Theo các chuyên gia, trong tình thế cấp bách, giải pháp bơm vốn nhanh của Bộ Tài chính, đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng để giải cứu doanh nghiệp và người nuôi cá tra là điều cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài cần có một giải pháp tổng thể, dài hạn nhằm tổ chức lại ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trong đó, quy hoạch diện tích nuôi để đưa ra dự báo chính xác về cung cầu thị trường, sản lượng tiêu thụ, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Có như vậy mới mong rằng nghề nuôi trồng và chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra đi dần vào ổn định và phát triển bền vững./.
The VOV ĐBSCL

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/7/35170.html


Tin khác