Nghiên cứu đánh giá tác động khủng hoảng kinh tế thế giới đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp Việt Nam

01/01/2009

Nguyễn Ngọc Quế

Tên đề tài:Nghiên cứu đánh giá tác động khủng hoảng kinh tế thế giới đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp Việt Nam
CNĐT: Ths. Nguyễn Ngọc Quế
 
1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng thể của nghiên cứu là ước lượng, đánh giá ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tới tăng trưởng nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên đây, nghiên cứu sẽ có những mục tiêu cụ thểsau:
- Nghiên cứu các kênh tác động của khủng hoảng tài chính tới nông nghiệp.
- Đánh giá ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 2009 tới tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản.
- Đánh giá ảnh hưởng của khủng hoảng tới đời sống người nông dân (phân bổ thu nhập và đói nghèo).
- Đánh giá ảnh hưởng của khủng hoảng tới thay đổi cơ cấu lao động và sản xuất nông nghiệp
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tiếp cận
- Tiếp cận hệ thống dựa trên phân tích định tính và mô tả về ảnh hưởng của khủng hoảng tới nông nghiệp.
- Phân tích định lượng trên cơ sở các số liệu thứ cấp.
- Điều tra qua phiếu hỏi, phỏng vấn trực tiếp: Cần Thơ và An Giang.
- Phân tích định tính và định lượng trên kết quả điều tra thực địa và nghiên cứu tình huống. Kết hợp với số liệu của TCTK để thiết lập các bảng cân đối liên ngành và ước lượng các tham số cho việc phân tích bằng mô hình tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
- Xây dựng một mô hình cân bằng tổng thể khả tính cho toàn nền kinh tế, có nhấn mạnh hơn đến ngành nông nghiệp và sử dụng nó để mô phỏng tác động của khủng hoảng tới tăng trưởng nông nghiệp, thu nhập của nông dân, cũng như tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động ngành.
Phương pháp phân tích:Công cụ chủ yếu của đề tài là phân tích số liệu thứ cấp, thiết lập các bảng cân đối liên ngành và trên cơ sở đó xây dựng mô hình toán kinh tế "cân bằng tổng thể khả tính" để mô phỏng tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới tới tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam.
3. Nội dung nghiên cứu
- Nghiên cứu tổng quan kinh tế Việt Nam, tổng quan ngành nông nghiệp Việt Nam trước và trong khủng hoảng; các kênh tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới tới kinh tế nông nghiệp VN
- Phân tích, lượng hóa tác động của khủng hoảng kinh tế (sử dụng mô hình cân bằng tổng thể): tác động tới tăng trưởng kinh tế nông nghiệp Việt Nam; tác động tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam; tác động tới thu nhập của người lao động; tác động tới chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
- Khuyến nghị chính sách giảm thiểu tác động của khủng hoảng kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp Việt Nam
4. Kết quả đạt được
Nghiên cứu đã chỉ ra các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với kinh tế Việt nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng: tổng thiệt hại do tác động của KHKT thế giới đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước tính bằng 5% GDP năm 2008, tức khoảng 4,5 tỉ USD (theo giá đô la 2008), trong đó ngành Nông nghiệp và Chế biến NSTP đóng góp 13,8% & 13,6%. Tốc độ tăng trưởng của Nông nghiệp và Chế biến NSTP đã bị giám khá lớn (giảm 98% và 80% so với tốc độ tăng trưởng bình thường) và gần như không còn tăng trưởng
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng của Việt Nam đã biểu hiện rõ những dấu hiệu suy giảm do giá bán trên thị trường quốc tế giảm
Do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm, nhu cầu sử dụng Lao động của các nhà sản xuất Nông nghiệp và Chế biến NSTP cũng giảm sút. Bên cạnh đó, giá cả nguyên liệu đầu vào nhập khẩu giảm cũng khiến các nhà sản xuất có xu hướng thay thế Lao động cũng dẫn đến nhu cầu Lao động và Vốn trong nước giảm đi.
Suy thoái kinh tế đã tác động đến mọi hoạt động kinh tế của cả nước, từ hoạt động ngân hàng, hoạt động sản xuất,... Trong bối cảnh chịu nhiều tác động xấu lan truyền từ các nền kinh tế lớn đang suy thoái, nền kinh tế Việt Nam cần phải thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động để thích nghi với các điều kiện khó khăn trong giai đoạn này và tạo điều kiện phát triển vững mạnh hơn trong thời gian tiếp theo.
Khuyến nghị chính sách:
- Hỗ trợ doanh nghiệp và lao động: bù đắp chi phí duy trì việc làm cho doanh nghiệp, hỗ trợ thu nhập cho người lao động có mức lương thấp, trợ giúp cho những nhóm đặc thù như: lao động nông thôn mất việc trở về quê, phụ nữ, người nghèo, người khuyết tật….
- Đầu tư, Hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân và người nghèo.
- Tìm thị trường cho xuất khẩu, đặc biệt hướng vào thị trường nội địa.
- Các chính sách hỗ trợ khác: chính sách kích cầu; chính sách tỷ giá; thay đổi thể chế công khai, minh bạch; cung cấp thông tin và tuyên truyền để quần chúng hiểu về nguyên nhân của suy giảm kinh tế, hiểu , ủng hộ và tích cực, chủ động tham gia thực hiện và giảm sát thực hiện các giải pháp của Chính phủ; phát động chương trình người VN dùng hàng VN

Tin khác