Tiến độ… rùa
Lật lại hồ sơ dự án, tính đến thời điểm này, tổng diện tích đất rừng nghèo kiệt được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt cho Cty CP ĐTPTCS Nghệ An khảo sát để trồng cao su ước khoảng 17 ngàn ha, thuộc các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Quế Phong, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp. Trong số này, đã có 5.702 ha đã được UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định giao đất (huyện Anh Sơn 5.493ha; Quế Phong 209ha).
Trong số diện tích đã được UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định giao đất nêu trên, cho đến nay, công ty chỉ mới triển khai giải phóng mặt bằng được 2.085ha (trong đó chỉ có khoảng 1.000ha trồng được cao su). Và, số diện tích được “phủ cao su” từ ngày ra quân đầu tiên (12/9/2010) đến nay mới đạt 330ha (năm 2010 trồng được 210ha, năm 2011 trồng mới khoảng 120ha).
Nguyên nhân chính được đánh giá do thiếu vốn và khâu tổ chức thực hiện dự án. Từ năm 2007 đến nay, công ty đã phải thay đến 4 lần Tổng giám đốc điều hành. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn cho giải phóng mặt bằng cũng là thử thách lớn đối với dự án.
Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, có 9 cổ đông tham gia góp vốn vào Cty CP ĐTPTCS Nghệ An gồm: Công ty CP Đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam - GERUCO (đăng ký góp 46,5 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (góp 12 tỷ đồng), Công ty CP Cao su Tây Ninh (góp 12 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên (góp 12 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (góp 12 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cao su Hoàng Anh - Mang Yang (góp 12 tỷ đồng), Ngân hàng CP Thương mại Sài Gòn - Hà Nội SHB (góp 12 tỷ đồng), Công ty Tài chính Cao su (góp 7,5 tỷ đồng) và Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An (góp 12 tỷ đồng).
|
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm vườn cây cao su giống của Công ty
|
Thế nhưng, theo nguồn tin từ công ty, cho đến nay có tới 6 cổ đông chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn. Trong đó, Công ty GERUCO (do ông Phạm Trung Thái, Trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn CNCS Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT công ty) còn thiếu 28,9 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên còn thiếu 4,56 tỷ đồng, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An còn thiếu 4,56 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh và Công ty TNHH MTV Cao su Hoàng Anh Mang Yang - mỗi cổ đông còn thiếu 11,4 tỷ đồng, Công ty Tài chính chưa nộp đồng vốn nào.
Những uẩn khúc cần làm rõ
Theo báo cáo mới đây, số vốn điều lệ công ty còn lại trên sổ sách là 6 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng quỹ lương và chi phí thường xuyên của công ty mỗi tháng khoảng 1,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu sắp tới, các cổ đông không thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo cam kết và phía công ty không có phương án huy động vốn từ nguồn khác thì chỉ khoảng 5 tháng nữa, dự án sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Nhìn lại quá trình thực hiện dự án cho thấy, nhiều hạng mục đầu tư được công ty triển khai rất “lạ” và gây lãng phí lớn. Ví dụ, trong khi chưa có đất sạch để trồng cao su nhưng công ty đã ký hợp đồng mua cây giống với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Đặc biệt, việc thực hiện các hợp đồng mua bán cây giống lại tỏ ra rất tùy tiện, ngẫu hứng.
Cụ thể: Ngày 22/6/2010, công ty ký hợp đồng kinh tế số 13/HĐKT-RBN với DNTN Tú Tài (có trụ sở tại xã Minh Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bình Phước) mua 120 ngàn cây giống với đơn giá 12.000 đồng/cây. Tổng giá trị hợp đồng là 1,44 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, công ty đã chuyển cho DNTN Tú Tài 700 triệu đồng. Đến nay, DNTN Tú Tài mới chỉ giao hơn 30 ngàn cây, số cây giống còn lại đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tiếp đó, ngày 30/10/2010, công ty ký hợp đồng số 30/2010/HĐ-NBCR với Công ty TNHH MTV Yên Tính (có trụ sở tại xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) mua 410 ngàn cây giống với đơn giá 11.500 đồng/cây. Tổng giá trị hợp đồng này là 4,715 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, công ty đã chuyển cho bên bán 400 triệu đồng. Thời hạn thực hiện hợp đồng từ 15/1/2011 đến 30/10/2011. Tuy nhiên, cho đến nay, hợp đồng này vẫn chưa được 2 bên thanh lý.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hiền, nguyên Tổng giám đốc công ty (tự nguyện xin thôi chức vụ từ tháng 3/2012) nói: “Dự án muốn thành công, việc đầu tiên cần phải xem lại khâu tổ chức điều hành, cần phân định rạch ròi quyền hạn giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty. Bên cạnh đó, cần phải có phương án tài chính rõ ràng”.
|
Ngày 01/11/2010, công ty lại ký tiếp với DNTN Tú Tài hợp đồng số 30/HĐKT mua 700 ngàn cây giống tum bầu với giá 12.000 đồng/cây. Tổng trị giá hợp đồng này là 8,4 tỷ đồng. Công ty đã chuyển cho DNTN Tú Tài 1 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận cây. Trong khi đó, hợp đồng ghi thời gian giao hàng là từ 1/8/2011 đến 30/10/2011.
Cùng ngày, công ty ký tiếp với DNTN Tú Tài hợp đồng số 31/HĐKT mua tiếp 300 ngàn cây giống tum trần với đơn giá 4.800 đồng/cây. Tổng trị giá hợp đồng 1,44 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng từ 15/3/2011 đến 30/5/2011. Mặc dù hợp đồng này chưa chuyển tiền nhưng có thực hiện hay không, đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Các hợp đồng nêu trên chưa thanh lý nhưng mới đây, công ty lại ký tiếp hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu Cao su Lai Khê (Bến Cát, Bình Dương) mua 1 triệu cây giống nữa. Việc ký hàng loạt hợp đồng mua cây giống với 3 đơn vị nêu trên trong khi cơ bản công ty chưa có đất sản xuất, được coi là “một chủ trương kỳ lạ”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/99054/Du-an-cao-su-Nghe-An-sap-chet-yeu.aspx