Thu hút FDI vào nông nghiệp: Cần tư duy mới

10/08/2012

Năm 2011, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% và xu hướng giảm vẫn đang tiếp diễn. Vấn đề đặt ra là, cần thay đổi tư duy để thu hút vốn cho nông nghiệp.

Một góc khu trồng rau xuất khẩu tại Sa Pa (Lào Cai) của Cty Nông Liên (Đài Loan - TQ).
Từ năm 2001 đến nay, nguồn vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp giảm dần từ 8% trong cơ cấu FDI của cả nước xuống còn 1% (năm 2011). Trong vòng 20 năm, từ 1990-2010, vốn đầu tư FDI vào ngành nông nghiệp chỉ đạt 4,3 tỉ USD (chiếm 2,3%). Đây chỉ là vốn đăng ký, vốn thực tế thực hiện dự án còn thấp hơn nhiều. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị hiệp định về ODA đã được ký kết đạt hơn 26,897 tỉ USD, trong đó trên 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, tuy nhiên, vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản chỉ có 3,833 tỉ USD.
Là vựa lúa, thủy sản lớn nhất nước và là vùng nguyên liệu trái cây chính nhưng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Ông Mai Phước Hưng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có 31 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhưng đến nay chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư 10 triệu USD. "Tỉnh kêu gọi đầu tư rất mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng ít có đơn vị mặn mà", ông Hưng nói. Tương tự, dù có nhiều ưu thế về giao thông nhưng TP.Cần Thơ chỉ có 7 dự án nông nghiệp kêu gọi đầu tư và đến nay vẫn chưa dự án nào "có chủ".
Không những ít, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI chỉ tập trung vào một số ngành như: chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào nông nghiệp. Trong khi các ngành chế biến nông sản, thủy sản… rất ít.
Theo ông Mai Hữu Chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, nhà đầu tư đến rồi đi chủ yếu do tỉnh không có diện tích đất sạch lớn cũng như điều kiện hạ tầng khu vực chưa hoàn thiện khiến họ còn e ngại.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Nói đến đầu tư nông nghiệp là đụng đến đất đai, trong khi đây lại là vấn đề phức tạp trong quản lý của nước ta hiện nay. Ngoài ra, sự phân công không rõ ràng giữa các cơ quan Trung ương và địa phương đôi khi dẫn đến cách hành xử khác nhau cho cùng một dự án đầu tư nước ngoài, làm nản lòng các doanh nghiệp. Tỉnh chỉ tập trung vào các mục tiêu của tỉnh mà không chú ý đến mục tiêu quốc gia và ngược lại, có những vấn đề của địa phương thì bộ không giải quyết được".
Công nhân Cty Nông Liên chăm sóc rau trồng tại Sa Pa.
Mặt khác, theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp FDI ngành nông nghiệp thường phải bỏ nhiều vốn vào việc đào tạo chuyên môn cho lao động và đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản cũng đòi hỏi các nhà đầu tư phải tăng thêm vốn để xử lý chất thải và chống ô nhiễm, làm tăng chi phí sản xuất.
Hầu hết các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, cần thiết phải có chính sách đột phá nếu muốn thu hút FDI, tạo biến chuyển lớn trong đầu tư về nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Thời kỳ đầu tư "đa đa ích thiện" (càng nhiều càng tốt) đã qua rồi… Muốn thu hút dự án FDI nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn thì chúng ta phải thay đổi tư duy. Mình vẫn quen ngồi chờ để người ta tìm hiểu, đến với mình. Bây giờ phải có nhiều hình thức đầu tư mới, chẳng hạn kết hợp đầu tư công với đầu tư trực tiếp của tư nhân nước ngoài (PPP)… Chúng ta phải chủ động tìm hiểu kỹ các nhà đầu tư nước ngoài, giới thiệu cụ thể, cặn kẽ những dự án, ngành nghề, địa bàn… mà mình mong muốn đầu tư, mạnh mẽ tiếp thị, vận động".
Ông Steven Jaffee, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), người có hai năm làm việc tại Việt Nam nhận xét: "Việt Nam xếp thứ hạng cao về xuất khẩu gạo, càphê… nhưng không thấy nông dân nào giàu có. Một lý do là vì hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh ở phân khúc thấp nhất của thị trường và cạnh tranh chủ yếu dựa vào chi phí thấp và số lượng lớn… Tôi cho rằng việc phát triển nông nghiệp bền vững cũng đem lại lợi ích thương mại". Muốn làm được điều này cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp và việc kêu gọi doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp cũng là một cách đổi mới toàn diện nền sản xuất vì các doanh nghiệp này có trình độ, công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất công nghiệp, cái mà chúng ta đang thiếu.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/8/35717.html


Tin khác