Mua tạm trữ lúa gạo: Nông dân chưa được hưởng lợi

10/08/2012

Tại hội nghị góp ý về “Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa” do Bộ NN&PTNT tổ chức ở tỉnh Kiên Giang chiều 7-8, bộ này và nhiều ý kiến khẳng định: nông dân chưa được hưởng lợi từ chính sách mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vẫn khẳng định nông dân có lợi chút đỉnh.
Mua tạm trữ qua thương lái
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua VFA được Chính phủ giao chỉ đạo điều hành doanh nghiệp thành viên mua tạm trữ 500.000 - 1 triệu tấn gạo để đảm bảo lợi nhuận 30% cho nông dân. Thực tế VFA thường xuyên hoàn thành về số lượng, kịp thời gian quy định, góp phần làm lúa gạo trên thị trường ổn định trở lại. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT thừa nhận phương thức mua tạm trữ đang thực hiện có hạn chế
cốt tử là không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp, doanh nghiệp hầu như không mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua qua thương lái. Vì vậy nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của Nhà nước. Mặt khác, phần đông nông dân bán lúa cho thương lái trước khi các doanh nghiệp thực hiện việc mua tạm trữ nên dù giá lúa có tăng lên trong và sau khi mua tạm trữ thì đa số người dân đã bán lúa giá thấp.
Nông dân huyện Tân Phước, Tiền Giang phải đi phơi lúa thuê cho thương lái vì thu nhập từ lúa không đủ sống.
 
Tại hội nghị, ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA - không đồng tình mà cho rằng nói nông dân không được hưởng lợi từ việc mua lúa tạm trữ như VFA lâu nay đang làm là không đúng. “Chính sách tạm trữ vừa qua cũng tới dân chút đỉnh chứ, chúng ta ngồi xuống, đứng lên cũng nóng nóng chỗ một chút nữa là!” - ông Phong phân trần. Có ý kiến cho rằng lâu nay doanh nghiệp thường mua lúa tạm trữ khi giá xuống cực thấp rồi sau đó xuất gạo giá cao nên thực chất được hưởng lợi hai lần, vừa hưởng lãi suất 0% vừa hưởng chênh lệch giá. Ông Phong phân bua: “Vừa qua cứ chửi doanh nghiệp hoài cũng tội nghiệp. Mua trữ đó rồi bán lại có lãi cũng là hên xui thôi, chủ yếu tất cả đều dựa vào thời tiết cả”. Nhiều người dự hội nghị cười ồ.
Nhờ dân... giữ lúa trong nhà
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết do hạn chế của chính sách mua tạm trữ lúa gạo hiện nay nên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT, VFA nghiên cứu xây dựng quy chế và phương thức mua tạm trữ lúa gạo theo hướng phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ qua UBND cấp tỉnh, đảm bảo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa. Do đó, bộ đưa ra phương án nông dân tự tạm trữ lúa tại nhà, tổ hợp tác, hợp tác xã vào cao điểm thu hoạch rộ, có xác nhận của địa phương, khối lượng từ 5 tấn trở lên sẽ được vay vốn đầu tư cho vụ sau và Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất. Trường hợp doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng mua lúa của dân để tạm trữ cũng được hỗ trợ 100% lãi vay. Thời gian được tính kể từ khi được xác định tạm trữ cho đến lúc bán và không quá ba tháng.
"Chính sách tạm trữ vừa qua cũng tới dân chút đỉnh chứ, chúng ta ngồi xuống, đứng lên cũng nóng nóng chỗ một chút nữa là! "- Ông Trương Thanh Phong (chủ tịch VFA)
Ông Lâm Hoàng Sa - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và ông Đào Anh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cùng đại diện một số tỉnh đều cho rằng nên ưu tiên hỗ trợ tạm trữ cho các tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất lúa theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Nếu hỗ trợ đại trà cho nông dân có sản lượng tạm trữ 5 tấn trở lên sẽ khó khả thi vì những hộ này thường không có nơi tạm trữ đảm bảo chất lượng.
Đại diện Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng không nên gộp doanh nghiệp vào quy chế hỗ trợ nông dân vì đây là hai đối tượng có vị thế, năng lực khác nhau nên không thể hưởng cùng một chính sách. Thậm chí, nhiều đại biểu cho rằng hầu như không có doanh nghiệp nào trực tiếp mua lúa từ nông dân nên quy định doanh nghiệp cũng được hưởng hỗ trợ là không hợp lý.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng phải xác định chính sách mua tạm trữ lúa gạo không phải là trao tiền trực tiếp cho nông dân mà thực chất là nhờ nông dân giữ lúa trong nhà để ổn định giá cả thị trường, giữ được giá cao thì nông dân được hưởng lợi.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn chỉnh quy chế này trong thời gian tới.
Bán lúa xong, tạm trữ mới “đến”
Chỉ còn một hai ngày nữa, thời hạn mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu năm nay ở các tỉnh ĐBSCL sẽ kết thúc. Thế nhưng kết quả sau một tháng mua 500.000 tấn gạo vụ hè thu nhiều nông dân cho biết họ không được lợi gì!
Ngày 7-8, gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bon (ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) nói gia đình ông thu hoạch lúa hè thu vào cuối tháng 6-2012. Lúc đó giá lúa tươi bán tại ruộng chỉ 4.100 đồng/kg. Do cần tiền xoay xở nên ông phải bán hết. Đến đầu tháng 7-2012 nghe báo đài đưa tin Chính phủ chủ trương mua lúa gạo tạm trữ. Sau đó giá lúa tăng lên 4.600 đồng/kg. Mặc dù tăng không nhiều nhưng ông cũng tiếc bởi vì 2ha đất của ông thu hoạch được 14 tấn, tính ra mất 7-8 triệu đồng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hữu (cũng ở xã Tân Hòa Tây) cho hay trước khi bán lúa, bà gọi điện hỏi 5-10 thương lái rồi mới quyết định bán, thế nhưng ai cũng chỉ đưa ra một giá 4.100 đồng/kg lúa tươi. “Nông dân chúng tôi cũng biết Chính phủ có chủ trương mua trữ lúa gạo nhưng không lần nào chúng tôi được hưởng lợi vì lúa bán hết rồi mới có chủ trương này” - bà Hữu nói. Nhiều nông dân ở đây nói rằng họ phải mua thiếu lúa giống, vật tư nông nghiệp suốt vụ. Khi thu hoạch xong thì phải bán liền trả nợ chứ để lâu tiền lãi tăng cao sẽ trả không nổi. Vả lại không ai có kho chứa để giữ lúa chờ giá, nên đành bấm bụng bán khi giá rẻ như bèo.
Ông Nguyễn Vi Cương (ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết gia đình làm 2.000m2 lúa thu hoạch khoảng 1,3 tấn lúa, bán trước khi có chủ trương mua tạm trữ được 4,8 triệu đồng. Trừ tiền phân bón, thuốc, giống, công cắt, gieo sạ... khoảng 3 triệu đồng, chỉ còn lãi khoảng 1,8 triệu đồng cho cả vụ lúa ba tháng. “Xem như lấy công làm lời chứ có ruộng không trồng lúa để cỏ mọc tràn lan thì cũng không được. Nếu tui bán lúa trong lúc mua tạm trữ thì sẽ có thêm được vài trăm ngàn đồng” - ông Cương chua chát nói.
Riêng với những nông dân đang thu hoạch lúa trong thời gian triển khai mua tạm trữ có lãi được chút đỉnh, nhưng còn xa mới được mức 30%. Ông Nguyễn Văn Khanh (ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) cho biết ông vừa thu hoạch 2ha lúa và bán được 5.200 đồng/kg lúa khô. Chi phí sản xuất vụ hè thu này lên tới 4.500 đồng/kg, đó là chưa kể mấy ngày mưa bão, triều cường làm nước ngập, lúa ngã bẹp dưới nước phải tốn thêm tiền mua xăng dầu bơm tát và bị chủ máy gặt đập liên hợp tăng giá nên tính ra chỉ còn lãi khoảng 10%.
Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, khẳng định chủ trương mua lúa gạo tạm trữ lần này nông dân không được hưởng lợi gì cả. Ở tỉnh Long An, nông dân không được lãi 30% như Chính phủ mong muốn. Riêng những hộ thu hoạch trước ngày 10-7 (bắt đầu mua tạm trữ) thì càng tệ hơn. Nguyên nhân là do giá thành sản xuất lúa quá cao và giá lúa mà thương lái, doanh nghiệp mua quá thấp.
 
Theo Kinh tế nông thôn

 


Tin khác