Nhằm khắc phục thiệt hại đối với các hộ nuôi tôm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng/ha (tương đương khoảng 10% tổng thiệt hại) cho người nuôi tôm.
Do dịch bệnh, nhiều người nuôi tôm đang thiếu vốn khôi phục sản xuất, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện tái cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay với lãi suất phù hợp để người dân có vốn tiếp tục sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn đề xuất tăng cường vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng nuôi ngoài vốn từ ngân sách nhà nước bằng vốn vay ODA, đặc biệt là các vùng nuôi tôm tập trung, thâm canh.
Các chuyên gia ngành thủy sản đánh giá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, hệ thống điện ở các vùng nuôi tôm có vai trò rất quan trọng, đây là một trong những điều kiện cần thiết đảm bảo nuôi tôm bền vững.
Hiện nay, hầu hết hạ tầng các vùng nuôi tôm ở Việt Nam chưa được đầu tư thích đáng. Năm 2012, tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng nuôi trồng thủy sản của cả nước là 670 tỷ đồng, quá ít so với nhu cầu đầu tư.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ đạo các địa phương có nuôi tôm khi triển khai xây dựng nông thôn mới, trước tiên dành nguồn lực rà soát quy hoạch nuôi tôm, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi tôm, xây dựng tổ đội, hiệp hội trong tổ chức sản xuất nuôi tôm.
Theo Tổng cục Thủy sản, từ tháng Ba đến nay, dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh ven biển Nam Bộ, miền Trung và Bắc Bộ. Tổng diện tích nuôi tôm bị chết do dịch bệnh trên toàn quốc là 38.381ha, gây thiệt hại ước tính 5.500 tỷ đồng. Dịch bệnh đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân ở các vùng nuôi tôm trên cả nước.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/7/35269.html