Cuối cùng thì sau bao khó khăn, nghi ngại, đã có những nông dân đầu tiên nhận được tiền bồi thường từ những hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp. Con số ấy dù chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ bé nhưng cũng là dấu hiệu đáng mừng cho một chính sách mới được triển khai.
|
Một số quy định chưa phù hợp khiến nhiều nông dân không mặn mà với chính sách BH cho cây lúa.
|
Quá ít nông dân tham gia
Theo thống kê, đến thời điểm này, có 20 hộ nông dân nuôi cá, tôm ở Bạc Liêu và Trà Vinh được bồi thường thiệt hại từ chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Điều đó chắc chắn sẽ giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn khi tôm liên tiếp bị dịch bệnh trong khi giá bán sản phẩm trên thị trường có chiều hướng giảm. Nhưng nếu nhìn vào con số chỉ có 21 nông dân tỉnh Trà Vinh tham gia bảo hiểm nông nghiệp với tổng số tiền bảo hiểm gần 83 tỷ đồng trên diện tích 7,36ha, chi phí bảo hiểm gần 3,2 tỷ đồng (nông dân đóng góp gần 1,3 tỷ đồng) và Bạc Liêu chỉ thực hiện được 52 hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp (diện tích 21.000m2, tổng phí bảo hiểm 560 triệu đồng) trong khi tiềm năng nuôi trồng thủy sản của hai tỉnh này là vô cùng lớn thì có thể khẳng định, sau hơn 1 năm triển khai, chính sách bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ dò dẫm những bước đi đầu tiên để vào với thực tế cuộc sống.
Cho đến thời điểm này, đã có 34.622ha lúa được bảo hiểm, với giá trị bảo hiểm hơn 664 tỷ đồng và 93.945 hộ. Tổng số vật nuôi tham gia bảo hiểm là 1.700 con bò, 79.800 con lợn và 621.000 con gia cầm, tổng giá trị được bảo hiểm 74 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản tham gia bảo hiểm là 1.324ha, tổng giá trị được bảo hiểm 220 tỷ đồng. Từ con số này có thể thấy, số hộ nông dân tham gia bảo hiểm chưa nhiều (3% số hộ thuộc đối tượng bảo hiểm nông nghiệp), diện tích tham gia bảo hiểm chưa lớn (2,8%), số lượng vật nuôi, thủy sản được bảo hiểm thấp.
Hẳn người ta sẽ cho rằng quá vô lý khi Việt Nam là nước nông nghiệp mà loại hình bảo hiểm nông nghiệp lại không có đất "sống". Nhưng sẽ không có gì khó hiểu khi nhìn vào nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn còn quá manh mún, nhỏ lẻ, nông dân vẫn giữ cung cách làm ăn cũ và còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trên thực tế, trong số 98.294 số hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp có tới 88% thuộc diện hộ nghèo, mà những đối tượng này lại được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai, trong số 256 hộ ký hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với tổng số gia súc trên 1.000 con thì phần lớn những đối tượng này đều thuộc diện nghèo. Từ thực tế này người ta có quyền nghi ngại chính sách bảo hiểm nông nghiệp khó có thể bén rễ bền chặt vào cuộc sống khi những hộ nghèo, cận nghèo phần lớn đều ít đất sản xuất, chăn nuôi thì manh mún, nhỏ lẻ trong khi để bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả, chắc chắn phải là sản xuất lớn.
Nhiều quy định phải điều chỉnh
Theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có 20 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với từng loại cây, con dựa trên đặc thù của từng vùng, miền. Nhưng việc triển khai ký kết các hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp không đơn giản như suy nghĩ bởi nhiều nguyên nhân như công tác tuyên truyền không đến nơi đến chốn, người dân chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của chương trình.
Tỉnh Bắc Ninh chủ trương thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên đàn gia súc, gia cầm ở 3 huyện Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ (mỗi huyện chọn 3 xã). Tuy nhiên, đến khi triển khai ký kết hợp đồng, thông báo biểu phí, ai cũng kêu mức phí quá cao. Ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, đối với hộ chăn nuôi thuộc diện cận nghèo, dù đã được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm nhưng một con gà, vịt tham gia bảo hiểm phải nộp thêm 3.600 đồng, lợn thịt 120.000 đồng/con, mức phí này là quá cao nên người dân bắt buộc phải cân nhắc trong bối cảnh chi phí đầu vào đang tăng cao trong khi giá bán giảm.
Thái Bình cũng đang "tắc" trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa, nguyên nhân là do những bệnh được bảo hiểm như vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, rầy nâu ít xuất hiện ở đồng đất khu vực này và mức phí còn cao. Ông Bùi Anh Toán, Giám đốc Bảo Việt Thái Bình cho rằng, việc bồi thường theo chỉ số năng suất cũng đang là trở ngại lớn cho việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp ở Thái Bình. Bởi theo ông Toán, do sản xuất còn nhỏ lẻ nên không thể làm với từng hộ, vì thế nếu trong xã chỉ có vài chục hộ giảm năng suất hoặc mất mùa nhưng tỷ lệ diện tích chưa đạt mức bồi thường thì các hộ đó phải tự chịu.
Về vấn đề này, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng: "Việc giải quyết bồi thường về nguyên tắc phải chính xác, nhanh, đầy đủ và kịp thời để đảm bảo ổn định cuộc sống, kinh doanh trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân. Nhưng trong đợt giải quyết bồi thường vừa qua cũng còn gặp một số khó khăn do việc bồi thường phải dựa vào công bố về thiên tai, dịch bệnh của tỉnh và các cơ quan liên quan".
Trước những điểm còn chưa hợp lý khi triển khai loại hình bảo hiểm mới này, Bộ Tài chính đã đề nghị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ chế thuận lợi nhất cho người nông dân.
Tổ tư vấn bảo hiểm nông nghiệp thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sửa đổi một số nội dung trong quy tắc, điều khoản, biểu phí trong bảo hiểm nông nghiệp.
Cụ thể, đối với cây lúa bổ sung thêm các rủi ro được bảo hiểm là mưa lớn, ngập úng (đối với thiên tai); sâu đục thân, bệnh bạc lá (đối với dịch bệnh). Về vật nuôi, đối với trâu bò, bổ sung thêm các bệnh được bảo hiểm là tụ huyết trùng, bệnh viêm vú, chướng hơi, viêm màng phổi, sán lá gan. Còn đối với lợn bổ sung bệnh dịch tả, tụ dấu, tụ huyết trùng, sưng phù đầu, thương hàn; gà bổ sung bệnh Newcastle, bệnh Gum, bệnh cầu trùng.
Tổ tư vấn thống nhất kiến nghị giảm mức khấu trừ đối với bảo hiểm lúa từ 20% xuống còn 15%. Trong trường hợp mức tổn thất của toàn xã hội (hoặc của đơn vị được bảo hiểm) chưa đạt 15% như đã nêu, nhưng có ít nhất 50 hộ bị tổn thất toàn bộ, thì doanh nghiệp bảo hiểm được quyền xem xét chi trả bồi thường cho các hộ bị thiệt hại. Giảm phí bảo hiểm đối với đàn lợn từ 5% xuống 2,5%; gia cầm từ 6% xuống 3% cho một chu kỳ chăn nuôi.
|
Theo Kinh tế nông thôn