|
Chè Việt XK sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. |
Quá nhiều điểm yếu
Có một thực trạng khiến nhiều người tâm huyết với ngành chè không khỏi xót xa, đó là sự xâm nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) và thương nhân nước ngoài. Điển hình nhất là Tập đoàn Unilever đang thực hiện hàng loạt dự án trồng chè tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Nghệ An với các chiến lược phát triển và mục tiêu cụ thể. Ngay từ cuối năm 2011, Unilever đã đặt mục tiêu thu mua 10.000 tấn chè, trong đó có 3.000 tấn đạt chứng chỉ Rainforest Alliance, chứng nhận RA cho tất cả lượng thu mua. Mục tiêu tới năm 2015, Unilever mở rộng mạng lưới hộ trồng chè với sản lượng thu gom lên tới 25.000-30.000 tấn/năm và từ năm 2015 trở đi, Việt Nam trở thành nguồn cung cấp chè chủ yếu.
Không chỉ các tập đoàn lớn mà ngay cả các thương nhân của nhiều nước cũng nhìn thấy tiềm năng lớn từ ngành chè Việt Nam và không ngừng đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường thu mua. Minh chứng là trong thời gian qua, hàng loạt các doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan, Trung Quốc tích cực mở rộng thu mua chè tại nước ta. Theo thống kê, có tới trên 50% DN chè có thương nhân nước ngoài đến đặt hàng.
Mặc dù đây được coi là tín hiệu tốt cho sự phát triển của ngành chè song chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cảnh báo, dần dần, các DN chè Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào DN ngoại. Họ tuy chưa đông về số lượng nhưng lại có sức mạnh tài chính, điều cơ bản là hoạt động rất bài bản, có tổ chức chặt chẽ. Ngược lại, DN nội tuy đông đảo nhưng lại là một tập hợp rời rạc, không có người chỉ huy, mạnh ai nấy làm.
Mặc dù có truyền thống trồng và chế biến chè lâu đời, có thị trường tiêu thụ lớn, có viện nghiên cứu chè hẳn hoi, đất trồng chè cũng ổn định, chè Việt Nam đã có lúc có uy tín cao trên thị trường thế giới…, song điểm yếu của ngành chính là chưa có bộ giống chè chủ lực, người trồng phân tán, quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện thực hiện quy trình GAP, chưa quan tâm tới chất lượng nguyên liệu. Hơn nữa, chè Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mà yếu tố đầu tiên phải kể đến là an toàn vệ sinh thực phẩm.
TS. Nguyễn Quốc Vọng (Trường Đại học RMIT) cho biết, năm 2011, Việt Nam có 126.000-133.000ha chè, với 2 triệu lao động, sản lượng tiêu thụ tăng đáng kể. Nhưng điều đáng nói là giá chè xuất khẩu của nước ta lại thấp nhất thế giới, chỉ đạt 1.164 USD/tấn (năm 2010). Trong khi giá chè tại thị trường châu Âu lên tới 10.134 USD/tấn.
Cần một Ủy ban?
Kế hoạch phát triển ngành chè được Cục Chế biến thương mại nông - lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đưa ra là, tới năm 2015, diện tích chè cả nước phải đạt 130.000ha, sản lượng búp tươi 1,2 tấn/ha, sản lượng xuất khẩu 200.000 tấn, kim ngạch 440 triệu USD… Muốn làm được như vậy, các chuyên gia trong ngành khuyến cáo, Việt Nam cần nhận thức rõ chè không chỉ là ngành có thể mang lại thu nhập lớn cho nền kinh tế quốc dân mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo ra sự ổn định về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội ở miền núi…
TS. Vọng đề xuất 6 giải pháp phát triển ngành chè Việt Nam, đó là ngoài việc tiến hành tổ chức lại ngành chè và vai trò của Hiệp hội Chè Việt Nam, cần thành lập Ủy ban Chè Việt Nam để quản lý một cách thống nhất, có hiệu lực đối với ngành sản xuất chè. Ủy ban này sẽ có chức năng xây dựng hệ thống pháp luật, quy trình kỹ thuật và xuất - nhập khẩu, cùng với đó là xây dựng chính sách sở hữu đất đai và phân chia lợi nhuận cho nông dân phù hợp trên chuỗi giá trị sản xuất. Nông dân trồng chè sẽ được thuê đất của Nhà nước với thời hạn 50-100 năm hoặc có quyền sở hữu nương chè. Nông dân muốn trồng chè phải xin phép và phải đủ điều kiện, được Ủy ban Chè cấp giấy phép để được hưởng những quyền lợi như cung cấp cây giống đúng tiêu chuẩn, miễn phí đào tạo kỹ thuật trồng chè… và phải chịu sự giám sát của Ủy ban Chè cấp địa phương.
Khi được hỏi về sáng kiến thành lập Ủy ban Chè Việt Nam, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai đồng ý ngay và cho rằng, thành lập Ủy ban Chè là yêu cầu cấp thiết. Lâu nay, do không có ủy ban riêng nên ngành chè vẫn luẩn quẩn, không phát triển được.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/8/35648.html