Trồng rau VietGAP: Cơ hội cho nông nghiệp ngoại thành

26/09/2012

Với 26.000ha đất nông nghiệp, huyện Củ Chi (TP.HCM) nổi tiếng với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như trồng lan cắt cành, nuôi cá cảnh, cá sấu… Cùng với đó, mô hình trồng rau ăn lá, lấy quả theo tiêu chuẩn VietGAP cũng giúp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nông dân nơi đây.

Theo tính toán của ông Nguyễn Trọng Trường ở xã Tân Phú Trung, với năng suất hơn 4 tấn/ha, giá bán 5.000 đồng/kg, mỗi ha trồng lúa nông dân chỉ thu về khoảng 25 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng các loại rau, nông dân có thể đạt năng suất 25 - 35 tấn/ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 5 - 8 lần. Với giá bán từ 4.000 – 5.000 đồng/kg như hiện nay, trừ vốn, công lao động, nông dân có thể thu lãi trên 300 triệu/năm.
Các sản phẩm rau VietGAP giúp nông dân thu về hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
 
“Trồng rau theo chuẩn VietGAP năng suất giảm hơn khoảng 15 – 20% do ít phun thuốc trừ sâu nhưng giá bán tăng hơn bình thường nên cũng bù lại được. Quan trọng là trồng VietGAP đảm bảo an toàn cho cả người trồng, người ăn rau” - ông Trường nhận định.
Nông dân Trần Văn Mười, xã Tân Phú Trung cũng chia sẻ, lúc mới tham gia VietGAP, do chưa quen nên ông gặp nhiều khó khăn trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng và thực hiện các tiêu chuẩn khác. Sau vài vụ, ông cũng đã quen dần với các thao tác kỹ thuật mới. “Sản phẩm rau VietGAP được HTX Thỏ Việt bao tiêu với giá ổn định nên bà con càng phấn khởi, hăng hái tham gia” - ông Mười vui vẻ.
Cái khó của rau VietGAP, theo ông Lê Tấn Tám, đại diện HTX Thỏ Việt là đầu ra, bởi người tiêu dùng còn chưa phân biệt được với các loại rau khác. Trong khi đó giá bán rau VietGAP cao hơn do phải xử lý sơ chế, đóng gói nên người tiêu dùng e ngại.
Ông Nguyễn Hữu Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi thì cho rằng, việc chuyển đổi từ các mô hình nông nghiệp năng suất thấp sang trồng các sản phẩm nông nghiệp năng suất cao, chất lượng an toàn là chủ trương chung của toàn thành phố. Hơn nữa, sản lượng rau của nông dân thành phố hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thị trường. Do đó, cơ hội phát triển cho sản phẩm rau củ tại các huyện ngoại thành hiện còn rất lớn. Ngoài ra, việc trồng xen rau màu sau vụ lúa trên đất phèn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn việc chỉ trồng lúa đơn độc.
“Trong thời gian tới, Củ Chi sẽ quy hoạch mô hình trồng rau VietGAP gắn với du lịch sinh thái tại 8 xã cập theo sông Sài Gòn, thông qua đó, tạo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân” - ông Phú cũng cho biết.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/105297p1c34/trong-rau-vietgap-co-hoi-cho-nong-nghiep-ngoai-thanh.htm


Tin khác