Lý do 2 nhà máy đường tạm dừng sản xuất được lãnh đạo Cty Casuco đưa ra là do mía chưa đạt chữ đường nên sản xuất không hiệu quả, giá khởi điểm thấp người dân còn neo mía chờ giá... Mặt khác, đường thành phẩm bán buôn giảm chỉ còn 15.200 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước thấp hơn 2.000 đồng/kg. Như vậy, với giá nguyên liệu 1.000 đồng/kg (10 CCS) tại ruộng, cộng chi phí vận chuyển, sản xuất khoảng 200 đồng/kg thì giá thành sản xuất 1 kg đường đã đội khung giá đường bán buôn. Đây là một bất lợi lớn không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía mà còn kéo theo ngành công nghiệp đường ở ĐBSCL gặp khó khăn.
|
Mía đầu vụ thu hoạch không có lãi.
|
Thật vậy, gặp bà con ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), chưa kịp hỏi thì bà con quăng một câu “năm nay trồng mía không lời”. Bà con đang rất khát khao bán mía để trồng lúa kiếm gạo lo cho cái bụng. Còn việc trông chờ thu lãi từ cây mía để mua gạo ăn là gần như không hy vọng.
Ông Tăng Vĩnh Thanh, nói: Giá mía đầu vụ đang được các thương lái thu tại mũi ghe 800 – 1.000 đồng/kg tùy giống. Với giá này thì bao công lao động, vốn đầu tư của nông dân sau 9 – 10 tháng là “vốn cũ đổi vốn mới”. Người trồng mía đang hứng chịu một bi kịch là vật tư nông nghiệp, giá nhân công tăng nhưng giá đầu ra của cây mía năm 2012 lại thấp hơn 2011 khoảng 200 – 300 đồng/kg. Đã biết vụ mía không lãi nên một số nông dân ở xã Hiệp Hưng quyết định bán mía sớm để trồng lúa kiếm gạo ăn tết nhưng cũng bất thành.
Ông Thanh nói: 5.000 m2 mía đã được thương lái thu mua với giá 1.000 đồng/kg, nhận tiền cọc 5 triệu đồng tính là chắc ăn. Thu hoạch mía xong là kịp thời gian xuống giống lúa trước khi lũ về. Mọi hy vọng đã trở nên thất vọng, sau ngày 26/8 khi nhà máy đường Phụng Hiệp thông báo cho các thương lái tạm ngưng hoạt động nên thương lái xin dời ngày thu hoạch lại. Với tình trạng này thì có lẽ năm nay là năm thứ 3 liên tiếp nông dân không trồng được lúa do nhà máy đường chạy trễ.
Ông Trương Văn Tám, khu vực 5, phường Lái Hiếu, TX Ngã Bảy (Hậu Giang), nói: Giá mía đầu vụ năm nay chỉ có 1.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước 200 đồng/kg, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp và công lao động, cước vận chuyển đã tăng khoảng 20%. Với giá hiện tại người trồng mía khó có lãi. Để lo cái bụng cho no thì buộc phải bán mía vào thời điểm này mới kịp xuống giống lúa trước khi nước lũ tràn đồng.
Ông Lê Hiền, ở ấp Phương An, xã Phương Bình, cho biết: Giá thỏa thuận thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường là 1.000 đồng/kg (10 CCS) tại ruộng. Theo đó, thương lái độ chừng chữ đường mà thu mua 800 đồng/kg, giá bán mía chưa bằng giá thành sản xuất thì làm sao người trồng mía sống nổi. Nếu nhà máy giữ mức giá thu mua mía nguyên liệu như hiện nay thì vụ mía năm nay nhiều hộ trồng mía lỗ vốn.
Ông Đỗ Văn Hoàng, ở ấp Hưng Thạnh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp có lẽ bi đát hơn khi ông đi thuê 4.000 m2 đất trồng mía. Ông Hoàng nói: Do không đất sản xuất, muốn tìm kế sinh nhai nên đã thuê đất trồng mía với giá 3 triệu đồng/công/năm. Đến thời điểm này mía đã đủ tuổi thu hoạch nhưng giá thấp hơn năm trước, hết hy vọng rồi. Hiện tại, giá thành trồng mía đang ở mức 820 đồng/kg, nhưng giá thu mua chỉ 1.000 đồng/kg, 10 CCS, trừ công thu hoạch nữa sẽ không còn lời. Nếu các nhà máy không cải thiện mức giá thu mua, người trồng mía năm nay thất thu lớn.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: Toàn huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch được hơn 152 ha/hơn 9.000 ha đã xuống giống. Trong đó, có khoảng 2.600 ha chưa có đê bao cần thu hoạch sớm trước khi lũ về. UBND tỉnh đã chỉ đạo địa phương khuyến cáo nông dân thu hoạch dứt điểm trước ngày 30/8/2012 đối với diện tích mía chưa có đê bao. Và đến nay chưa thu hoạch được 200 ha thì nhà máy đã tạm dừng cỗ máy nên nguy cơ mía bị thiệt hại là rất lớn.
|
Kế hoạch sản xuất vụ mía 2012 – 2013 đã được lãnh đạo 9 nhà máy đường thống nhất. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang ngày 20/8/2012 vừa qua là chính thức vào vụ sản xuất mới, sớm hơn năm trước khoảng 1 tháng nhằm để giải bài toán áp lực thu hoạch mía chạy lũ cho nông dân.
Theo đó, Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát vào vụ sản xuất trước và thu mua mía nguyên liệu theo khu vực đã thỏa thuận phân chia. Tiếp là Nhà máy đường Phụng Hiệp và Nhà máy đường Vị Thanh đi vào sản xuất ổn định thì các nhà máy khác trong vùng ĐBSCL sẽ vào vụ. Tuy nhiên, mọi sự thống nhất bị gián đoạn khi 2 nhà máy đường của Casuco cho cỗ máy hoạt động được 2 ngày thì dừng hoạt động.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/100025/Nguo%CC%80i-tro%CC%80ng-mi%CC%81a-kho%CC%81n-kho%CC%81.aspx