Phát triển cà phê chè vùng Tây Bắc

22/10/2012

300 nông dân đại diện cho các hộ trồng cà phê chè ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên đã cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, DN thảo luận sôi nổi tại diễn đàn “Liên kết phát triển cây cà phê chè bền vững vùng Tây Bắc" do Trung tâm Khuyến nông QG vừa tổ chức ở TP. Sơn La (tỉnh Sơn La).

4 nhóm vấn đề lớn liên quan tới việc quy hoạch, quản lý nguồn giống, chế biến- tiêu thụ sản phẩm và những bất cập trong việc ứng dụng kỹ thuật trồng cà phê chè đã được mổ xẻ tại diễn đàn.
Quy hoạch… chạy theo thực tế?
Với sự ưu đãi đặc biệt về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng cùng với sự sôi động của thị trường cà phê, diện tích cà phê chè ở ở các tỉnh Tây Bắc đã liên tục tăng mạnh. Theo quyết định số 1987/QĐ-BNN-TT ngày 21/8/2012 của Bộ NN-PTNT phê duyệt "Quy hoạch ngành cà phê VN đến năm 2020 - tầm nhìn đến 2030" thì đến năm 2020, diện tích cà phê chè ở vùng Tây Bắc được quy hoạch khoảng 9.500 ha.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến hết năm 2011, tổng diện tích cà phê chè ở vùng Tây Bắc (chủ yếu tại Sơn La và Điện Biên) đã lên tới gần 9.000 ha.
Tại tỉnh Sơn La, UBND tỉnh này cuối năm 2011 đã phê duyệt quy hoạch diện tích cây cà phê chè đến năm 2020 sẽ ổn định khoảng 10.000 ha. Tỉnh Điện Biên cũng cho biết, quy hoạch diện tích cà phê của tỉnh này đến năm 2020 sẽ khoảng trên 6.000 ha. Như vậy theo “quy hoạch riêng” của Sơn La và Điện Biên thì đến năm 2020, tổng diện tích cà phê chè ở 2 tỉnh này sẽ lên tới trên 16.000 ha, vượt 6.500 ha so với quy hoạch mà Bộ NN-PTNT phê duyệt.
Theo Sở NN-PTNT Điện Biên, từ năm 2008 đến nay, diện tích cà phê chè ở tỉnh này liên tục tăng mạnh, tuy nhiên nhiều DN cũng như nông dân đã trồng tự phát, chưa có quy hoạch, chủ yếu tập trung tại huyện Mường Ẳng. Trong số hơn 3.000 ha cà phê đã trồng ở Điện Biên đến năm 2011, có khoảng 100 ha được trồng trên diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, 64 ha trồng trên quy hoạch rừng SX…
Tại diễn đàn, đại diện Trường ĐH Tây Bắc lo ngại, với tốc độ phát triển của cà phê ở Tây Bắc như hiện tại, diện tích cà phê đến hết năm 2012 có thể sẽ vượt cả diện tích quy hoạch của Bộ NN-PTNT tới năm 2020.
Do hạn chế về trình độ canh tác, nhiều vườn cà phê ở Tây bắc chỉ cho thu hoạch 3-5 năm là phải phá bỏ
 
Về vấn đề này, ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông QG, người từng chắp bút cho quy hoạch cây cà phê đến năm 2020 khi ông còn ở vị trí Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt giải thích: Sở dĩ có sự “chênh” nhau rất lớn giữa quy hoạch của Bộ NN-PTNT và quy hoạch của các tỉnh là bởi việc xây dựng quy hoạch của Cục Trồng trọt căn cứ vào thực tế và tình hình SX từ những năm 2009 - 2010 nhưng mãi tới năm 2012 mới được phê duyệt.
Trong khi đó, thực tế đến nay, việc phát triển diện tích cà phê ở Tây Bắc đã khác xa với thực tế cách đây 2-3 năm. Theo ông Thông, việc quy hoạch cũng chỉ mang tính chất “động” nên có thể bổ sung điều chỉnh cho hợp lý theo từng thời kỳ.
Cây giống thả nổi, tiêu thụ rối tung
Trong khi vựa cà phê Tây Nguyên có hệ thống tiêu thụ và chế biến rất hoàn chỉnh thì tại vùng cà phê Tây Bắc, công tác này vẫn hết sức nhộm nhoạm. Tình trạng tranh mua tranh bán, ép giá của tư thương vẫn diễn ra rất phức tạp.
Tại Sơn La, Cty Cà phê và cây ăn quả Sơn La đã không còn hoạt động. Việc tiêu thụ sản phẩm phần lớn vẫn đang “giao phó” cho lực lượng tư thương. Với trên 5.700 ha cà phê, nhưng hiện Sơn La chỉ có 3 cơ sở chế biến cà phê thóc tại xã Chiềng Xôm và Hua La (TP. Sơn La) và xã Chiềng Pấc (huyện Thuận Châu) theo công nghệ chế biến ướt với công nghệ hết sức lạc hậu.
Theo phản ánh của người dân, hầu hết các cơ sở chế biến này không có hệ thống xử lý nước thải và vỏ cà phê sau chế biến nên gây ô nhiễm môi trường rất trầm trọng.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nam, GĐ Cty CP Thế giới thông minh, một DN hoạt động trong lĩnh vực SX phân bón hữu cơ tại phía Nam khẳng định, các sản phẩm vỏ cà phê sau chế biến có thể áp dụng công thức ủ để SX thành phân bón hữu cơ rất có ích chỉ sau 30 - 45 ngày. Điều này tại các tỉnh trồng cà phê phía Nam đều đã làm rất tốt. Tại vùng Tây Bắc, mặc dù hầu hết các diện tích cà phê đều đang trong tình trạng “đói” phân bón hữu cơ, nhưng sản phẩm vỏ cà phê sau thu hoạch lại bị bỏ phí.
Tại diễn đàn, nhiều nông dân phản ánh, giống cà phê hiện đa số đều do họ tự ươm. Trong khi đó trên địa bàn Sơn La có hơn 10 cơ sở SX và bán giống cà phê hoạt động trôi nổi, không có cơ quan nào quản lý (?). Có tình trạng chủ trại giống thậm chí vào vườn cà phê nhặt quả rụng đã nảy mầm rồi đưa về ươm làm giống.
Ông Hà Quyết Nghị, GĐ Sở NN-PTNT Sơn La khẳng định, thời gian tới sẽ giao Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành kiểm tra rà soát, chấn chỉnh nhằm đảm bảo vệ sinh trong chế biến cà phê đối với tất cả các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh.
Liên quan tới vấn đề thu cà phê, mới đây UBND tỉnh Sơn La đã cấp phép cho DN tư nhân cà phê Minh Tiến thực hiện đầu tư và ký hợp đồng thu mua sản phẩm đối với khoảng 2.400 hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Viết Đức, GĐ Cty thì ngay sau khi đi vào hoạt động, do giá cà phê liên tục hạ từ giữa năm 2011 tới nay nên việc tiêu thụ đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho nông dân vẫn rất hạn chế.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/102005/Phat-trien-ca-phe-che-vung-Tay-Bac.aspx


Tin khác