Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong: Lúa gạo sẽ được giá vào quý 4/2012 và năm 2013

22/10/2012

Chiều 18.10, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định thị trường xuất khẩu gạo các tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 có nhiều thuận lợi. Bà con nông dân nên xuống giống sớm vụ lúa đông xuân để có thể bán được giá tốt.

Ông Trương Thanh Phong cho hay: tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vừa ký hợp đồng cung cấp 300.000 tấn gạo loại 15% tấm sang thị trường Indonesia. Đây là hợp đồng tập trung, thời gian giao hàng từ cuối tháng 10 đến cuối năm 2012, trùng với thời điểm thu hoạch lúa thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, cùng với một số hợp đồng ký trước đó thì trong quý 4 năm nay, doanh nghiệp chỉ cần cố gắng giao hàng cho tốt để đạt kế hoạch xuất khẩu 7,5 triệu tấn như kế hoạch. Trong trường hợp lúa gạo hàng hoá vụ thu đông, vụ mùa còn nhiều thì VFA vẫn tiếp tục điều hành cho doanh nghiệp xuất khẩu hết. Trên cơ sở các hợp đồng đã ký, có thể khẳng định thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm 2012 sẽ khá tốt, nông dân không lo ngại vấn đề tiêu thụ hay giá giảm.
Quý 1 năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng giảm 43% so với năm ngoái; trong nước giá lúa gạo liên tục giảm, nông dân bị thiệt hại nặng. Liệu thị trường xuất khẩu gạo đầu năm tới có lặp lại tình trạng này không, thưa ông?
Đầu năm 2013, chúng ta sẽ bán được khối lượng gạo khá lớn vào một số thị trường nhập khẩu tập trung truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi… Vừa qua, Việt Nam và Indonesia đã đạt thoả thuận gia hạn hợp tác cấp chính phủ về cung cấp gạo đến năm 2017. Theo kế hoạch, ngay trong năm 2012 – 2013 Indonesia sẽ mua của Việt Nam khoảng 1 – 1,2 triệu tấn gạo. Dự kiến quý 4 năm nay họ mua trước 600.000 – 750.000 tấn, vừa qua Vinafood 2 ký được 300.000 tấn, nhiều khả năng cuối tháng này hoặc tháng 11 tới đây họ sẽ mua nốt số còn lại và qua đầu năm 2013 sẽ tiến hành nhập khẩu hết sản lượng cho cả năm như kế hoạch.
Khu vực châu Á ngoài Indonesia ra thì dự báo Philippines và Trung Quốc là hai thị trường sẽ nhập khẩu gạo với số lượng lớn ngay từ đầu năm sau. Chín tháng đầu năm 2012, doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc 1,9 triệu tấn gạo. Hiện nay, Trung Quốc đang bước vào vụ thu hoạch, đến tháng 2 năm sau họ lại phải nhập khẩu gạo để bổ sung. Cơ hội bán gạo vào thị trường này vẫn còn rất lớn…
Qua theo dõi diễn biến thị trường lương thực toàn cầu trong một vài tháng gần đây, cộng với động thái công bố kế hoạch nhập khẩu gạo của một số quốc gia, tôi có thể khẳng định rằng đầu năm 2013 thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ hoàn toàn khác so với đầu năm nay. Nông dân không phải lo vấn đề đầu ra nên ngay từ bây giờ, những nơi nào có điều kiện thì bà con nên xuống giống sớm vụ lúa đông xuân để có thể bán được giá tốt.
Được biết đến cuối tháng 9 vừa qua Thái Lan vẫn còn tồn kho trên 12 triệu tấn gạo; Ấn Độ dự kiến cũng sẽ tăng sản lượng xuất khẩu trong năm 2013. Liệu chúng ta có lạc quan quá sớm trước những thông tin khá bất lợi này không, thưa ông?
Tồn kho của Thái Lan đang ở mức khá lớn, cộng với tồn kho Ấn Độ tuy có giảm nhưng giá lại thấp hơn Việt Nam là những khó khăn dành cho Việt Nam. Hơn nữa, sau những chính sách đầu tư mạnh vào nông nghiệp mà Chính phủ Myanmar thực hiện thời gian qua, dự báo năm 2013 sản lượng gạo của họ cũng sẽ tăng đáng kể và Myanmar vẫn duy trì giá bán rất thấp, khoảng 340 USD/tấn đối với loại 25%. Tuy nhiên, Thái Lan sau chính sách mua giá cao, liệu họ có dám hạ giá để bán không là một vấn đề cần phải lưu tâm?
Theo tôi dự đoán họ ít có khả năng hạ giá xuống thấp, vì nếu bán rẻ gạo tồn kho thì chắc chắn các đảng đối lập sẽ đấu tranh nên chúng ta không lo ngại. Ngoài thị trường truyền thống, chúng ta cần phán đoán động thái của Thái Lan để kịp thời chuyển thị trường sang khu vực mà trước đây Thái Lan nắm giữ. Tôi nghĩ rằng chỉ cần chúng ta duy trì giá bán thấp hơn Thái Lan ở mức vừa phải, sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo VFA, tính đến hết tháng 9.2012, Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, bằng số lượng cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch giảm khoảng 9% do giá gạo xuất khẩu giảm. Năm nay, theo đánh giá của VFA, Việt Nam có khả năng xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo, vượt 400.000 tấn so với năm 2011 nhưng kim ngạch giảm khoảng 9,3%. Và lần đầu tiên trong lịch sử tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Việt Nam vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Dự kiến năm 2012, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo, giảm hơn 40% so với 2011. Ấn Độ là quốc gia chiếm vị trí thứ ba với hơn 6 triệu tấn.
 
Theo Sài Gòn tiếp thị

Tin khác