GIÀNH GIẬT LẠI “CHIẾC BÁNH”?!
Trong niên vụ 2010-2011, mọi người phải chứng kiến cảnh thua lỗ, phá sản hàng loạt của DN trong nước; đồng thời nhìn thấy sự lớn mạnh lạ thường của các DN nước ngoài, dù họ đang làm ăn ngay trên “sân khách”.
Thực tế này cũng dễ hiểu khi các DN nước ngoài có tiềm lực kinh tế rất hùng mạnh, chỉ trong vòng 2 năm, từ con số 10%, họ đã giành trên 50% thị phần thu mua cà phê tại VN, đẩy DN trong nước vào con đường khốn đốn. Minh chứng rõ nhất là trong niên vụ 2010-2011, chỉ đến đầu quý II/2011 thì toàn bộ lượng cà phê trong dân đã được bán hết, trong kho của DN VN lượng hàng cũng không nhiều, bởi phần lớn đã được DN nước ngoài thu gom sạch sẽ. Rất nhiều DN VN do thiếu tài chính, đành chịu cảnh đi buôn theo kiểu hợp thức hóa giấy tờ cho DN nước ngoài trữ hàng hưởng lợi.
|
Một DN cà phê nước ngoài quảng bá hình ảnh tại TPHCM
|
NNVN từng phản ánh, cái khó nhất thời điểm đó là nhiều địa phương vùng trọng điểm cà phê có quan điểm bảo vệ DN nước ngoài vì cho rằng họ mua giá cao hơn. Nhưng các địa phương lại không hiểu rằng, trước khi thu mua, DN nước ngoài đã tung ra những thông tin hết sức bất lợi khiến giá sụt giảm và lúc đó họ nhảy vào đóng vai trò “cứu tinh” của nông dân. Với lợi thế lãi suất chỉ 2-3% so với DN VN phải chịu lãi suất trên dưới 20%, các DN nước ngoài đã dễ dàng chiến thắng DN VN ngay trên “đất khách”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc Tổng Cty cà phê VN cho biết, các DN nước ngoài trước đây chiếm trên 50% thị phần thu mua cà phê thì nay đã thu hẹp lại còn trên 30%. Lý do? Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN nước ngoài khiến sức mạnh của họ giảm xuống; đồng thời các DN trong nước dù gặp khó khăn, nhưng do rút được bài học “xương máu” trong phương thức kinh doanh, đã biết liên kết lại để giành lại thị phần thu mua cà phê trên “sân nhà”.
Thực tế này cũng được ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), khẳng định tại cuộc họp của CLB 20 DN XK cà phê hàng đầu VN (CLB G20) vừa qua: Các DN XK cà phê Việt Nam tuy gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường, một số DN đã phá sản và thua lỗ trong niên vụ 2010 – 2011, nhưng ở niên vụ 2011 – 2012 phần lớn các DN VN đã nỗ lực phấn đấu cao trong kinh doanh, đúc rút được nhiều kinh nghiệm và bài học thiết thực trong phương thức mua bán nên đã tạo được một sự ổn định vững chắc trong thị trường XK cà phê (gần 70% số lượng XK cà phê cả nước niên vụ 2011-2012).
Nhiều DN có số lượng kim ngạch và hiệu quả kinh doanh cao như: Tập đoàn Intimex HCM, Cty Simexco Daklak, Cty Tín Nghĩa Đồng Nai, Cty Anh Minh, Cty Trường Ngân, Cty Phúc Sinh…
NỢ NẦN, THUA LỖ: TOÀN DN NỘI
Vậy nhưng, những thông tin khả quan trên vẫn không khỏa lấp được mảng tối u ám đang diễn ra trong ngành cà phê VN. Cụ thể, suốt từ đầu năm 2012 đến nay, các phương tiện thông tin đại chúng ra rả nêu tên hàng loạt “đại gia” ngành cà phê VN thua lỗ, nợ nần chồng chất, có đơn vị “dính” cả nghìn tỷ đồng!
Theo tài liệu của NNVN, hàng năm cả nước có khoảng 150 DN XK cà phê. DN XK nhiều nhất lên tới gần 200.000 tấn, còn nhiều DN tư nhân XK chỉ vài trăm tấn, thậm chí vài chục tấn. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chuyện “bát nháo” trong giá bán và chất lượng, nhiều DN nhỏ đã phá giá hoặc không đảm bảo cam kết hàng tốt, gây ảnh hưởng rất xấu đến uy tín chung của toàn ngành. Đặc biệt, phương thức bán trừ lùi kỳ hạn xa trở thành một thói quen xấu của DN cà phê VN, từ DN lớn đến nhỏ đều sa vào “vũng lầy” đó. Khi thị trường biến động, DN Việt đã để cho mạng lưới các cơ quan đại diện và môi giới dẫn dắt, chi phối giá cả, dẫn đến hậu quả hết sức trầm trọng.
GIÁ CÀ PHÊ ĐẦU VỤ TỤT GIẢM
Trong hơn 2 tuần đầu niên vụ mới 2012-2013 đến nay, giá cà phê xô tại Tây Nguyên đã giảm 2-3 triệu đồng/tấn. Ngày 18/10, giá tại Đắk Lắk còn 40,5 triệu đồng/tấn; giá cà phê XK (FOB-HCM) cũng giảm trên 100 USD/tấn, xuống còn 1.982 USD/tấn. Một chuyên gia ngành cà phê khuyến cáo, bà con nông dân cần hết sức cảnh giác trước “chiêu” đánh tụt giá của các tập đoàn DN nước ngoài.
“Cứ đến đầu vụ, các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh nông sản thường “đánh tiếng” VN trúng vụ, hay cà phê thế giới dư thừa để nông dân bị trúng đòn tâm lý, bán tháo với giá rẻ!” – vị này nói.
|
Cty cà phê B.M.T - “anh cả” của ngành cà phê VN, sau 3 niên vụ gặp phải cú sốc lớn về thị trường, giờ đang chồng chất những khó khăn chưa có hướng giải quyết. Tài liệu của PV cho thấy, thời kỳ huy hoàng của Cty này là niên vụ 2008-2009 khi dẫn đầu tốp 10 DN XK cà phê hàng đầu của VN, khi XK gần 150.000 tấn, thu về trên 237 triệu USD (chiếm thị phần tới 14,33%). Nhưng sang niên vụ 2009-2010 giá cà phê diễn biến xấu, liên tục xuống thấp, đã gây điêu đứng cho DN đầu tàu này và dần đánh mất vị trí tiên phong. Nhiều DN cà phê khác của VN trên dải đất Tây Nguyên cũng đang chung số phận, rơi cảnh nợ nần khó trả.
Ngoài chuyện yếu kém về quản trị kinh doanh, một nguyên nhân quan trọng khác là nguồn lực tài chính của các DN cà phê VN vô cùng hạn chế, nguồn vốn hầu hết phải vay ngân hàng với lãi suất cực cao (trên 20%/năm giai đoạn 2011 và đầu năm 2012). Trong khi đó, các DN nước ngoài có nguồn lực tài chính hùng mạnh, được “bơm” tiền từ bên ngoài với lãi suất chỉ 2-3%/năm; lại sở hữu kinh nghiệm thương trường dày dặn, quản trị tốt…, nên đã biến mảnh đất cà phê VN thành “sân sau nhà”.
Ai cũng hiểu, trong khi ngành nông nghiệp và ngành cà phê VN phải ngày đêm tập trung cho chương trình phát triển, tái canh cà phê, thì các DN nước ngoài chỉ đứng ngoài cuộc. Với khả năng tài chính cực lớn, họ chỉ đi thu mua nguyên liệu rồi XK, không quan tâm đến việc hình thành vùng nguyên liệu lâu dài. Và khi thị phần đã được định đoạt, ai dám chắc họ sẽ không chi phối, điều khiển giá cà phê, biến nông dân VN thành người làm công rẻ mạt?!
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/102092/Cuoc-chien-sinh-tu-voi-DN-nuoc-ngoai.aspx