Xuất khẩu gạo theo Nghị định 109: Ngậm ngùi rời cuộc chơi

04/10/2012

Mặc dù chưa đến hạn nhưng đã đủ số lượng các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đảm bảo đầy đủ tiêu chí theo Nghị định 109. Điều này khiến các doanh nghiệp đã và đang đầu tư cơ sở vật chất lao đao.

Ngày 1.10 là hạn chót để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đảm bảo đầy đủ tiêu chí theo Nghị định 109. Để có tấm giấy thông hành này, DN được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NNPTNT ban hành; có ít nhất một cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc giới hạn 100 DN xuất khẩu gạo là cần thiết, nhằm hạn chế việc cạnh tranh phá giá, gây bất lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, chưa đến hạn thì số lượng các DN được cấp giấy chứng nhận đã đủ, khiến các DN đã và đang đầu tư cơ sở vật chất lao đao.
Hoạt động xuất khẩu gạo đang bị siết chặt
 
Chủ một DN kinh doanh lúa gạo ở TP.Vị Thanh (Hậu Giang) cho biết: “Đang đầu tư xây dựng kho chứa cho đạt chuẩn, nhưng đến cuối tháng 8 nghe thông tin có 99 thương nhân xuất khẩu gạo có giấy phép kinh doanh và xuất khẩu dài hạn nên thôi. Nếu đầu tư tiếp cũng không được cấp giấy chứng nhận nên đã chuyển sang cho thuê nhà xưởng, kho bãi dù đã đầu tư gần chục tỷ đồng vào đó”.
Giám đốc Công ty Chế biến lương thực tại quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) than: Đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng lò sấy, trong khi hiệu suất hoạt động của lò sấy chỉ trong thời gian ngắn. Nếu không được cấp phép thì DN gặp rất nhiều khó khăn vì vay vốn với lãi suất khá cao, chỉ mong đạt chuẩn.
TP. Cần Thơ hiện có 20 DN được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (thời hạn 5 năm), 10 DN được cấp thời hạn 1 năm. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã thu hồi 2 giấy chứng nhận của 2 DN.
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho rằng: “Chưa đến thời hạn thì đã đủ số lượng DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo sẽ gây lãng phí lớn cho các DN khác vì đã trót đầu tư”. Ông Toại dẫn chứng, nhất là đầu tư cho lò sấy, nhà máy xay xát, kho bãi với vài chục tỷ đồng và DN phải vay với lãi suất cao.
Nếu như không thực hiện theo Nghị định 109, DN liên kết với đơn vị khác thực hiện xay xát, sấy, nay đã đầu tư thì những đơn vị chỉ thực hiện xay xát hay sấy sẽ ế hàng. Nhiều DN nhỏ không nằm trong phạm vi được xuất khẩu gạo sẽ “chết”.
Ông Toại đề nghị Bộ Công Thương cấp phép thêm cho một số DN đủ điều kiện. Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho rằng nên cấp phép thêm, trong quá trình hoạt động DN nào yếu thì rút phép và loại dần.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác