Cửa khẩu... vắng hải quan
Vốn là doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn thế, từ nhiều năm nay Tổng Công ty xuất khẩu rau quả nông sản luôn có những quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng trước khi xuất khẩu rất chặt chẽ. Quy trình này cũng để đảm bảo đúng các yêu cầu mà phía đối tác nhập khẩu yêu cầu. Xuất đi thì chặt chẽ như thế nhưng ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc Tổng công ty lại không thể hiểu được tại sao nước ta lại không thể kiểm soát và có những yêu cầu ngược lại như thế đối với hàng nhập khẩu? Phải chăng vì khâu kiểm soát có vấn đề? Câu hỏi này đã được ông Thái đưa ra tại một cuộc hội thảo về An toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức mới đây.
|
Các đại biểu dự hội thảo |
Kết quả khảo sát của Ipsard cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta sang Trung Quốc những năm qua tăng trưởng mạnh tới hơn 20%/năm, đạt 3,4 tỷ USD năm 2010, riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm qua, đạt trên 100 triệu USD vào năm 2011. Thế nhưng nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc vào nước ta còn tăng mạnh hơn, trung bình 31,43%/năm kể từ năm 2004 đến nay, đạt 2,7 tỷ USD năm 2011.
Trả lời một phần câu hỏi này, ông Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn chiến lược chính sách của Ipsard, cho biết, nhập khẩu tiểu ngạch chiếm tỷ trọng rất lớn, hoạt động tại cửa khẩu chính không sôi động bằng các cửa khẩu phụ, đường mòn. Nhiều cửa khẩu không có hải quan và cơ quan kiểm dịch, chỉ có Biên phòng, thiếu cả ban quản lý cửa khẩu.
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, giao thương nông sản qua biên giới đang tồn tại bất cập là, hiện chưa có quy định cụ thể đối với thủ tục kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Một vấn đề nổi cộm là tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Trung, thương lái nhập khẩu một lượng lớn mặt hàng rau quả từ Trung Quốc nhưng khi về đến Hà Nội lại được dán nhãn mác Thái, Úc, Mỹ, Canada… Hiện, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung năm 2011 đạt khoảng 200 triệu USD. Rau quả nhập khẩu qua biên giới Việt – Trung chủ yếu gồm: táo, lê, lựu, nho, mận...
Cần quy chế cụ thể tại cửa khẩu
Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 13 quy định các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, đồng thời đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra về VSATTP. Song, các này đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc chưa đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu về ATTP. Kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu đối với rau quả chủ yếu vẫn dựa vào cảm quan bằng mắt thường là chính, nên khó tránh khỏi để lọt những nông sản không đảm bảo chất lượng.
Mặc dù Việt Nam đã cử nhiều đoàn đến làm việc với Trung Quốc và yêu cầu họ cung cấp hồ sơ các loại rau quả, thực phẩm xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên đến nay phía Trung Quốc chưa cung cấp thông tin đầy đủ theo yêu cầu của chúng ta với lý do hệ thống quản lý của họ khác với của ta, ATTP là do 3 bộ quản lý, họ yêu cầu ta phải liên hệ trực tiếp với từng bộ.
Ông Hội kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu, điều tra đối chiếu số liệu để nắm được đường đi của mặt hàng đó từ cửa khẩu cho đến điểm phân phối cuối cùng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cần có quyết định về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền, quy định hoạt động phối hợp chuyên ngành của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng cửa khẩu...
Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong khâu kiểm soát, kiểm tra thì hàng ngày thương lái vẫn tìm cách mọi cách để nhập hàng nông sản. Thiết nghĩ vì sức khỏe của bản thân, trước mắt mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách tránh mua các mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng.
Theo Thu Hương– Kinh tế nông thôn