Những dấu mốc của cà phê Việt

14/02/2013

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cà phê xuất khẩu năm 2012 đạt 1,76 triệu tấn với kim ngạch 3,74 tỷ USD, tăng 40,3% về lượng và 36% về giá trị so năm 2011.

Những dấu mốc của cà phê Việt
Tháng 8/2012, lần đầu tiên Việt Nam đã qua mặt Brazil để vươn lên ngôi vị thế giới về khối lượng cà phê xuất khẩu. Theo thông tin Brazil đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê trong năm 2012, nhưng chưa có công bố chính thức, trong khi Việt Nam đã xuất khẩu 1,76 triệu tấn. Có nghĩa, Việt Nam đã ngang ngửa với Braxil để tranh giành ngôi vị thứ nhất thế giới về khối lượng cà phê xuất khẩu. 
Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ chiếm 12,03% và Đức chiếm 11,77% thị phần đều tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị.
 
Nhiều nhận định thống nhất rằng cà phê xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX. Trước thời điểm toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập tỉnh Đăk Lăk vào năm 1904, Buôn Ma Thuột mới chỉ có vài nông trại nhỏ trồng thử nghiệm cà phê chè (arabia). 
Mãi đến năm 1912 - 1914, Công ty Cao nguyên Đông Dương và Công ty Nông nghiệp An Nam mới đầu tư hơn 60.000 franc trồng 260ha cà phê dọc QL 21. Đó là thời điểm cà phê được người Pháp chính thức trồng tập trung, quy mô lớn tại Buôn Ma Thuột. 
Hơn 10 năm  sau, có thêm 26 đồn điền cà phê của Pháp được thành lập xung quanh Buôn Ma Thuột. Sau năm 1975, tiếp quản vùng trồng cà phê đắc địa Tây Nguyên, nhưng tổng diện tích cà phê Việt Nam cũng chỉ có khoảng 19.000 ha. 
Nhờ vốn từ các Hiệp định hợp tác liên chính phủ với các nước Liên Xô (cũ) và Đông Âu, cây cà phê bắt đầu được chú trọng đầu tư, đặc biệt ở Tây Nguyên. 
Chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây chúng ta đã đưa sản lượng cà phê cả nước tăng lên hàng trăm lần. Đến nay, cả nước có khoảng 550 nghìn ha ca phê, cao gấp 400 lần so với năm 1975. 
Trong giai đoạn 2007-2011, sản lượng thu hoạch cà phê mỗi năm của nước ta khoảng 1,1-1,2 triệu tấn. Riêng niên vụ thu hoạch cà phê 2011-2012, sản lượng cà phê đã tăng vọt lên tới 1,6-1,7 triệu tấn, cao gấp 600 lần so với năm 1975. 
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Việt Nam cho thấy với nhịp độ tăng trưởng “khủng” 23,8%/năm của ngành cà phê trong thập niên 1990. Vào năm 1997, Việt Nam đã vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều thứ ba thế giới.
Vào năm 2000, với 734.000 tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục vượt qua Colombia để chắc chân ở vị trí thứ hai thế giới từ đó đến nay. Năm 2012 vừa kết thúc cũng lại ghi thêm một dấu mốc đáng nhớ của ngành cà phê.
Trên thế giới ngày nay, trồng và chế biến cà phê đã trở thành một ngành công nghiệp lớn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 triệu người. Với lượng tiêu thụ ước tính hàng năm trên 400 tỷ cốc, cà phê được công nhận là đồ uống thông dụng và phổ biến nhất trên thế giới. Tổng giao dịch thương mại cà phê toàn cầu hiện đạt hơn 35 tỉ USD/năm.
Cà phê Việt trên bản đồ thế giới
Hiện nay cà phê được trồng ở hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới, với tổng sản lượng từ 130-148 triệu bao/năm (mỗi bao 60 kg). Trong đó, Brazil vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới với khoảng 54-60 triệu bao/năm, Việt Nam ở vị trí thứ hai với sản lượng 23-26 triệu bao/năm, Colombia và Indonesia ở vị trí thứ ba và bốn với khoảng 9,5 triệu bao/năm.
Trên bình diện thế giới, Việt Nam có những lợi thế đặc biệt đối với cà phê mà các quốc gia khác không thể có được. Thứ nhất, Việt Nam là cường quốc trồng cà phê ở bán cầu Bắc nên thời gian thu hoạch cà phê từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Trong khi các cường quốc cà phê còn lại là Brazil, Colombia, Indonesia đều ở bán cầu Nam, nên họ thu hoạch cà phê từ tháng 5 đến tháng 10. Vì vậy nước ta có điều kiện để tiêu thụ và cầm chịch thị trường cà phê trong thời gian 6 tháng hàng năm.
Thứ hai, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới và chiếm tới một nửa sản lượng robusta toàn cầu, nên ít bị “đụng hàng” với Brazil.
Thứ ba, năng suất cà phê của Việt Nam thể hiện sự vượt trội, không chỉ cao nhất thế giới, mà cao gấp 3 lần năng suất bình quân chung của thế giới.
Năng suất bình quân của thế giới là 7 tạ nhân/ha, còn ở Việt Nam với diện tích 550 nghìn ha mà sản lượng hơn 1,5 triệu tấn, tính ra năng suất bình quân đạt 2,7 tấn/ha.
TS.Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho chúng tôi biết, giải pháp kỹ thuật chăm sóc cà phê ở Tây Nguyên được coi là độc đáo, chỉ ở Việt Nam mới áp dụng, trên thế giới chưa có. Cạnh mỗi gốc cây cà phê, thường tạo một chiếc bồn diện tích 4m2, dự trữ được hơn 1.000 lít nước. Mỗi khi vào mùa mưa, nước mưa sẽ chảy và trữ ở trong các bồn này, nhờ vậy mà nước mưa không làm trôi đất, chống được xói mòn. Đồng thời trữ được nước tưới cho cây trong mùa khô.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cà phê giống mới TN11 do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chọn tạo, ông Lê Ngọc Báu cho biết: Những giống này đều có năng suất vượt trội, tiềm năng đạt tới 5-7 tấn/ha. Chất lượng hạt cũng rất tốt, vì kích cỡ hạt đạt tới 25gr/hạt, trong khi các giống hiện trồng chỉ có kích cỡ hạt bình quân 14 gr/hạt.
Trong kinh doanh cà phê, kích cỡ hạt là tiêu chuẩn để phân loại 1, loại 2, loại 3. Nếu trồng những giống mới được công nhận, tỷ lệ hạt loại 1 đạt tới 70% (quy định cà phê được bán ở sàn London là phải đạt 40% hạt loại 1).
Với những thành tựu về chọn tạo các giống cà phê cao sản năng suất vượt trội cùng những kỹ thuật canh tác vừa đơn giản mà khác biệt sẽ giúp cho ngành cà phê Việt Nam tiếp tục tăng cao sản lượng hơn nữa. Dù không cần mở rộng thêm diện tích cà phê, nhưng khát vọng soán ngôi Brazil về sản lượng vẫn có thể nằm trong tầm tay với.
Vẫn còn đó nhiều thách thức
Thế yếu nhất đối với cà phê Việt Nam nằm ở giá bán: chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch toàn cầu, nhưng giá trị kim ngạch mới chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị thương mại 35 tỉ USD của cà phê thế giới.
Dù khối lượng xuất khẩu của Brazil trong những năm qua chững lại, đặc biệt là giá đã giảm rất mạnh, dù khối lượng xuất khẩu của chúng ta đã tăng đột biến và giá xuất khẩu không giảm mà còn nhích lên, nhưng xét về giá trị kim ngạch thì khoảng cách của chúng ta với “người khổng lồ” này hãy còn rất xa.
Xuất khẩu của Brazil chỉ với 1,8 triệu tấn, nhưng kim ngạch năm nào cũng đạt 7-8 tỉ USD. Trong khi năm 2012 nước ta xuất 1,76 triệu tấn nhưng kim ngạch chỉ 3,74 tỉ USD.
Giá bán thấp một phần vì giá cà phê robusta trên thị trường thế giới luôn thấp bằng một nửa so với giá cà phê Arabica. Nhưng phần khác là bởi chúng ta chỉ xuất khẩu sản phẩm thô chưa qua chế biến.
Bà Trương Hồng Kim, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, dù đã hơn 30 năm kể từ khi những hạt cà phê Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu nhưng tới tận năm 2011 thì trên 95% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dưới dạng cà phê nhân. Cà phê Việt Nam thường xuyên bị giao dịch ở mức trừ lùi trong khoảng từ 50-120 USD/tấn so với mức giá robusta giao dịch trên sàn London.
Mặt khác, giá cà phê nhân chỉ chiếm 7% trong chi phí chế biến sản phẩm cuối cùng. Giá cà phê thô thường xuyên có những biến động đột ngột và có những giai đoạn suy giảm nghiêm trọng thì giá cà phê chế biến lại luôn duy trì ổn định.
Như vậy, xuất khẩu cà phê nhân đang bị thiệt tới hai lần. Thứ nhất là thiệt hại do cà phê Việt Nam phải chịu mức giá trừ lùi gần như là được mặc định trên thị trường thế giới và thứ hai là do xuất khẩu cà phê nhân nên chúng ta bị tác động bởi các biến động giá cả nhiều hơn mặt hàng cà phê chế biến.
Để xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trưởng trong nhiều năm tới, thực hiện thành công kỳ vọng phế truất được Brazil để vững vàng với ngôi vương, ngành cà phê nước ta còn rất nhiều việc phải làm. Phải thúc đẩy lĩnh vực chế biến cà phê, vấn đề này không đơn giản.
Thị trường cà phê chế biến đã bị độc chiếm bởi những tập đoàn cà phê lớn của thế giới. Cà phê chế biến của Việt Nam chỉ có một khe cửa rất hẹp để bước vào thị trường thế giới nếu chúng ta không sáng tạo được ra một loại sản phẩm cà phê có hương vị và thương hiệu riêng độc đáo.
Ngành cà phê nước ta cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng các biện pháp như: sản xuất thân thiện môi trường, không thu hoạch cà phê xanh, thực hiện tốt khâu sau thu hoạch và chế biến theo các công nghệ mới tránh làm giảm chất lượng cà phê.
Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, để cà phê phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cộng đồng để hạn chế sự thua thiệt về giá, nâng cao vị thế và uy tín của cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó cần xác lập “Chuỗi giá trị cây cà phê” xác lập quy trình chuẩn từ ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác đến khâu thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ để có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam

Nguồn: http://vneconomy.vn/20130213124451139P0C19/nhung-dau-moc-cua-ca-phe-viet.htm


Tin khác