Báo NTNN đã thông tin việc Bộ NNPTNT có đề xuất Chính phủ cho nhập khẩu trở lại nội tạng trắng của động vật. Sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng của bộ này đã lên tiếng giải thích rằng việc cho nhập khẩu trở lại là “tuân thủ thông lệ quốc tế”...
Phóng viên NTNN tiếp tục trao đổi với một số chuyên gia để làm rõ hơn vấn đề này. Tất cả các ý kiến đều rất bức xúc và không đồng tình với đề xuất của Bộ NNPTNT.
Phải vì sức khỏe người dân
Trả lời trên báo NNVN ngày 21.1, ông Lương Thế Phiệt - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Đến nay, đã trên 2 năm (kể từ khi dừng nhập khẩu nội tạng trắng- PV), phía Việt Nam tiếp tục chịu rất nhiều áp lực từ quốc tế... Các nước đều cho rằng Việt Nam đã vi phạm quy định của Hiệp định về việc Áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm dịch động, thực vật trong việc cấm nhập khẩu nội tạng trắng...”.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng khó kiểm soát được chất lượng nội tạng trắng nhập khẩu.
|
Trao đổi với NTNN ngày 22.1, một chuyên gia (không muốn nêu tên) cho rằng, để làm rõ việc nhập khẩu nội tạng trắng có phải do sức ép từ quốc tế hay không, chúng ta chỉ cần xem lại Công văn số 79 ngày 8.1.2013 của Bộ NNPTNT sẽ rõ.
Theo đó, một trong những lý do được Bộ NNPTNT đưa ra trong công văn này là do sức ép từ các đối tác (chủ yếu là Mỹ, EU và Úc), bởi nếu không cho nhập trở lại, họ sẽ gây khó dễ đối với chúng ta trong việc kiểm soát ATTP vi sinh vật đối với rau, quả, nông sản, thực phẩm xuất khẩu của nước ta.
Theo chuyên gia trên, cũng trong công văn đó, Bộ NNPTNT đã viết cụ thể một từ là tràng, tuy không có mở ngoặc giải thích tràng là gì, song có thể hiểu tràng là cơ quan sinh dục cái, dương vật và tinh hoàn: “Tôi xin khẳng định chắc chắn rằng tất cả những thứ ấy, châu Âu, Mỹ, Úc đều không ăn.
Lãnh đạo một hội nghề nghiệp cho NTNN biết, thứ 2 tuần tới (31.1), ông sẽ có gửi công văn lên Quốc hội, đề nghị Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT vì sao lại đề xuất cho nhập nội tạng trắng trở lại.
|
Thế thì tại sao lại có một ngôn ngữ như vậy trên văn bản nhà nước, liệu có phải là một ngôn ngữ văn minh không? Những nước văn minh ấy, họ không ăn tinh hoàn, dương vật động vật, mà lại yêu cầu nước họ phải được xuất và nước khác phải nhập, thì liệu đấy có phải là văn hóa hay không?”.
Một vấn đề nữa, theo phân tích của chuyên gia này là, trong Công văn 79, Bộ NNPTNT có nói, các chỉ tiêu sẽ được áp dụng dựa trên thỏa thuận với các nước xuất khẩu hoặc tương ứng với thịt, nội tạng đỏ quy định tại Quyết định số 46, Thông tư số 05 năm 2012 của Bộ Y tế. Nhưng kiểm tra lại Thông tư 05 thì phạm vi điều chỉnh không bao gồm nội tạng động vật. “Vậy tại sao có thể nói sẽ kiểm soát được ATTP đối với nội tạng nhập khẩu?” - chuyên gia này đặt câu hỏi.
Do đó, theo ông, tất cả những phân tích của Bộ NNPTNT đều là chủ quan. Theo ông, năm 2010, khi thảo luận về Luật ATTP ở Quốc hội, đã có nhiều đại biểu đề nghị cần đưa vào luật là không cho nhập lòng lợn vào Việt Nam nữa, nhưng sau thấy do đây là từ ngữ quá cụ thể, nên Quốc hội không đưa vào luật, song tinh thần của luật là cấm hết không cho nhập nội tạng động vật.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Quốc Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, phải dứt khoát không cho nhập nội tạng được. “Hiện việc quản lý nội tạng của chúng ta rất lộn xộn, nếu đưa thêm một kênh nữa - nhập chính ngạch vào sẽ làm cho việc quản lý càng rối, phức tạp hơn.
Phải đưa ra các lý do khác để quản lý, chúng ta không thiếu gì các cách để hoãn không nhập khẩu nội tạng. Các nước cũng có bao nhiêu hàng rào để ngăn cản, còn mình sao cứ đi chìa lưng ra cho họ tia” - ông Dung nói thẳng.
Tốt nhất là dừng nhập!
“Tốt nhất là dừng nhập nội tạng động vật, để làm tốt và chủ động kiểm soát ATTP trong nước. Tôi đã đi ở biên giới và được biết, các xe chở nội tạng chủ yếu tập kết sẵn ở sát biên giới, rồi đến chiều tối tuồn sang mình, như thế là bao nhiêu nội tạng không an toàn được tiêu thụ hết trong nước. Tôi xin khẳng định lại là không nên nhập”. - Ông Lê Quốc Dung
Sức khỏe người dân quan trọng hơn!
“Chúng ta vẫn phải cân nhắc giữa sức khỏe của người dân và đô la. Theo tôi, sức khỏe người dân vẫn quan trọng hơn. Trách nhiệm ở của các cơ quan quản lý nhà nước ở đây là phải thương thảo với đối tác để vừa đảm bảo lợi ích trong thương mại, vừa đảm bảo sức khỏe của người dân”. - Ông Lê Bá Lịch
|
Sẽ kiểm soát được?
Một vấn đề được dư luận quan tâm là nội tạng trắng nếu được phép nhập khẩu trở lại, thì chúng ta có kiểm soát được không? Trả lời báo chí ngày 22.1, ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khẳng định: Sẽ kiểm soát được! “Cục Thú y là đơn vị chịu trách nhiệm. Trong đó, việc kiểm soát sẽ được tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ. Tất cả các lô hàng trước khi nhập khẩu về phải có thời gian lưu phía ngoài cửa khẩu để lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về vệ sinh ATTP, nếu đạt yêu cầu mới cho nhập khẩu về nội địa” - ông Đông nói.
Tuy nhiên, trao đổi với NTNN, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Tôi không đồng tình với việc cho nhập khẩu nội tạng trắng trở lại, bởi đây là những thứ các nước họ dùng làm phế thải. Nếu nói như ông Đông là sẽ cam kết là nhập khẩu con đường chính ngạch, thì kiểm soát được. Nhưng nguy hiểm nhất là biên giới Việt- Trung dài 900km, liệu có kiểm soát được không? Tôi khẳng định không kiểm soát được đâu”.
Một trong những lý do quan trọng mà Bộ NNPTNT đưa ra để giải thích cho việc phải nhập nội tạng trắng trở lại là vì lợi ích xuất khẩu nông sản của nước ta. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng: “Tôi không đồng tình, cứ cho là họ gây khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản của chúng ta. Song theo tôi, mình không nên đánh đổi sức khỏe người dân bằng mấy đồng đô la. Bởi nếu đưa nội tạng trắng vào, có nghĩa là chúng ta chấp nhận nếu trong nội tạng đó có virus, vi khuẩn gì đó là đưa mầm bệnh vào nước ta”.
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/121956p1c25/dut-khoat-khong-cho-nhap-lai-noi-tang-trang.htm