Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, vụ này, toàn tỉnh có hơn 13.000ha mía, nhiều nhất là huyện Bến Lức với 8.700ha. Dù phải qua Tết Nguyên đán mới đến vụ thu mua nhưng người dân đã “tranh thủ” đốn gần 50% rồi rồng rắn chở đến Nhà máy Đường NIVL (huyện Bến Lức) kiếm tiền tiêu tết.
|
Cây mía đã bắt đầu lên xốp vì 7 ngày chưa được lên cân.
|
Rồng rắn chờ cân
Ông Nguyễn Văn Lâm - chủ ghe 20 tấn ở Bến Lức cho biết, ông sống bằng nghề chở thuê. Vụ mía năm ngoái, cứ ghe vừa cặp bến là mía lên nhà máy ngay. Còn hiện nay, ghe ông đậu đã 3 ngày vẫn chưa tới lượt cân. “Ai cũng phải bốc số. Có ghe bốc tới số 700 rồi, mà mỗi ngày nhà máy chỉ cấp phép 150 – 170 ghe nên chúng tôi cứ xếp hàng rồng rắn mà chờ” – ông Lâm nói.
Nhiều chủ ghe gần nhà máy, sau khi bốc số đã dong ghe về nhà nằm chờ. Các chủ ghe ở xa thì trải chiếu ngủ luôn trên ghe, ăn uống sinh hoạt đều trông chờ vào các ghe bán hàng rong.
Ông Trần Văn Luận - thương lái thu mua mía cho biết, mía sau khi đốn xong thời gian từ ruộng lên ghe rồi về nhà máy mất khoảng 2 ngày. Do không được cân liền, chờ thêm 3 – 5 ngày nên ghe nào cũng bốc mùi như rượu vì đường trong cây mía lên men. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều ghe mía nằm chờ quá lâu, thân mía chuyển sang màu đỏ, chua như giấm.
Ông Luận cho biết, ngoài xuống chữ đường, trung bình mỗi ghe 20 tấn sẽ “teo” mất 1 tấn do mía bốc hơi. Đây là lý do khiến thương lái mua mía tại ruộng với giá thấp hơn nhà máy khá xa để “bù lỗ”. Ông Đặng Văn Xây - một thương lái tại địa phương đã có 10 năm thu mua mía cho biết, giá mía thu tại nhà máy hiện là 980.000 đồng/tấn đối với mía đạt 10 chữ đường.
Thế nhưng, do mía chưa chín tới, lại giảm phẩm cấp do không kịp cân nên chỉ còn 7-8 chữ, chưa tính mỗi tấn phải trừ đi 50.000 đồng tiền tạp chất nên giá mía xuống thấp. “Nông dân đốn thì tụi tui mua thôi, nhưng giá tại ruộng dưới 600.000 đồng/tấn mới mua được” – ông Xây nói.
Nông dân và nhà máy đều thiệt
Vừa thu hoạch 40ha mía với năng suất 80 tấn/ha, thế nhưng anh Nguyễn Văn Minh ở xã Lương Hòa vẫn rầu rĩ khi trong tay là cuốn sổ nợ gần nửa tỷ đồng. “Bình quân mỗi ha mía bỏ khoảng 50 triệu tiền đầu tư ban đầu, chưa kể tiền thuê đất 14 triệu đồng/ha. Năm nay, thương lái mua mía tại ruộng với giá từ 550.000 - 600.000 đồng/tấn. Lấy năng suất bình quân là 80 tấn/ha thì nông dân chỉ từ hòa tới lỗ” – anh Minh than.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích trồng mía toàn khu vực ĐBSCL niên vụ 2012-2013 là 51.800ha, tăng so với niên vụ trước hơn 200ha. Trong đó, tỉnh Hậu Giang có diện tích trồng mía lớn nhất với hơn 14.000ha, Long An gần 13.000ha.
|
Ông Đặng Thanh Như- Trưởng phòng Nguyên liệu Nhà máy Đường NIVl thông tin, ngoài các vùng nguyên liệu chính của nhà máy ở miền đông, miền tây, áp lực mía tại Long An mỗi ngày khoảng 6.000 tấn. Trong khi đó với cây mía tại địa phương nhà máy chỉ có thể thu mua cao nhất khoảng 4.500 tấn/ngày.
Để góp phần giải quyết tình trạng mía ùn ứ, nhà máy đã tăng cấp phép từ 150 phép lên 170 phép/ngày nhưng vẫn không xuể. Cũng theo ông Như, hiện nay do đường sản xuất ra không bán được nên nhà máy đành chấp nhận vi phạm hợp đồng và còn nợ nông dân gần 50 tỷ đồng. Những ngày qua, trước bức xúc của người dân nhà máy cũng đã thế chấp đường tại một số ngân hàng để vay tiền, cố gắng trả hết cho dân trước Tết Nguyên đán.
Theo ông Lê Minh Đức, ngành nông nghiệp đã kiểm tra và phát hiện Công ty NIVL còn tồn đọng lượng đường khá lớn chưa bán được. Tuy nhiên, do công ty này có hợp đồng bao tiêu với dân và cam kết giá thu mua nên thương lái cứ ùn ùn chở mía tới nhà máy “ép mua” dẫn đến hiện tượng quá tải. “Chúng tôi đề nghị bà con nông dân nên chờ qua Tết Nguyên đán hãy đốn mía, vì vụ ép kéo dài đến tháng 5.2013 nhà máy mới ngừng thu mua theo hợp đồng. Nếu cứ đốn mía non như hiện nay, cả nông dân và nhà máy đều bị thiệt hại” – ông Đức nói.
Theo Nông thôn ngày nay