Để phát triển chăn nuôi bền vững: Người sản xuất và thương lái cần nâng cao trách nhiệm xã hội

23/10/2012

Là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh nhưng thời gian gần đây, Đồng Nai gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân có nhiều, khi thì do một số người sử dụng chất tạo nạc, lúc lại do chích thuốc an thần cho heo, đó là chưa kể dịch bệnh hoành hành.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liễu chăm sóc đàn heo trong trang trại.
Để khôi phục đàn, người chăn nuôi cần sự trợ giúp tích cực và kịp thời của Nhà nước và ngành chức năng. Nhưng để mở rộng thị trường bền vững thì bản thân người chăn nuôi cần nâng cao trách nhiệm với cộng đồng.
Khó cầm cự
Bà Nguyễn Thị Hồng Liễu, chủ cơ sở chăn nuôi heo Bách Lan Hà (huyện Thống Nhất) cho biết, gia đình bắt đầu nuôi heo từ năm 1993, trên diện tích gần 1ha, ban đầu chỉ nuôi khoảng 80 heo thịt do vốn ít, chưa có kinh nghiệm. Phải đến năm 2005 bà mới có điều kiện tăng đàn lên 20 heo nái, 100 heo thịt...
"Năm 2007, gia đình tôi mạnh dạn thành lập cơ sở chăn nuôi với 50 nái, 200 heo thịt. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, làm ăn rất khó khăn, dịch bệnh liên tục hoành hành, giá heo lên xuống thất thường trong khi giá thức ăn chăn nuôi, nhân công liên tục phi mã. Đỉnh điểm của khó khăn là thời điểm Đồng Nai phát hiện có chất tạo nạc trong thịt heo, chỉ vì một vài cá nhân làm ăn gian dối mà nhiều người lao đao theo. Tiếp đó là dịch bệnh hoành hành, giá thịt heo tuột dốc. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ thiếu vốn, không thể cầm cự, đành bỏ chuồng tìm việc khác", bà Liễu nói
Ông Nguyễn Công Khanh, chủ trang trại heo tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) bộc bạch: "Bao nhiêu vốn tích lũy được trong nhiều năm qua tôi đều bỏ ra để cố giữ đàn heo. Tới đây, giá heo không tăng, chắc đành bỏ nghề nuôi heo kiếm việc khác để sinh sống".
Theo ông Hoàng Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2, Gia Tân 2 là một trong năm xã có ngành chăn nuôi phát triển nhất huyện Thống Nhất và được coi là vùng chăn nuôi trọng điểm của Đồng Nai. Những năm qua, người dân trong xã giàu lên nhờ chăn nuôi. Để phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã quy hoạch tại xã 2 vùng chăn nuôi tập trung là Đông Đức Long (100ha) và Tây Bạch Lâm (108ha). Tuy nhiên, đến nay, khu Tây Bạch Lâm vẫn chưa có điện lưới nên người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Tại hai vùng chăn nuôi tập trung đã có hơn 70 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn hơn 1.000 heo nái, 8000 heo thịt và 200.000 gia cầm, tạo việc làm ổn định cho 150 lao động".
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, từ cuối năm 2011 đến nay, người chăn nuôi Gia Tân II gặp không ít khó khăn do giá heo xuống quá thấp, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, trong khi nguồn vốn ngân hàng lại khó tiếp cận hoặc có tiếp cận được thì lãi suất quá cao. Thậm chí cả những hộ đã có thâm niên trong ngành chăn nuôi nay cũng chỉ cầm cự, giữ đàn chờ ngày heo lên giá. Những hộ ít vốn, chăn nuôi nhỏ lẻ thì không còn cách nào khác phải bán đổ, bán tháo cho dù lỗ nặng, rồi bỏ chuồng hay chuyển sang chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài để khắc phục khó khăn trước mắt.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai cho thấy, hiện có khoảng 250 trang trại chăn nuôi của tỉnh đã chuyển sang nuôi gia công heo, gà cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed, Công ty TNHH Emivest…
Sản xuất có trách nhiệm phải được nâng cao
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn 2007 - 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành chăn nuôi đạt 9,9%/năm, chiếm khoảng 45% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Hiện, tổng đàn heo của tỉnh đạt trên 1,3 triệu con, gà 10 triệu con và trâu - bò khoảng 75.000 con với hơn 1.796 trang trại. Sản lượng thịt heo những năm gần đây đạt khoảng 204.000 tấn/năm, gà trên 44.000 tấn và khoảng 273 triệu quả trứng.
Giá heo hơi bắt đầu giảm sâu từ tháng 3/2012, khi có thông tin chất cấm tồn dư trong thịt khiến dư luận hoang mang, thịt heo tiêu thụ chậm. Giá heo hơi thời điểm đó đang từ 51-52 ngàn đồng/kg giảm xuống còn 37-38 ngàn đồng/kg. "Bão" tồn dư chất cấm chưa qua thì dịch tai xanh ập đến và kéo dài hơn 1 tháng. Hiện giá heo đang ở mức 38-40 ngàn đồng/kg. Với tình hình trên, các trang trại nuôi heo theo quy trình khép kín, dù chủ động được nguồn giống, tự trộn cám cũng phải chịu lỗ từ 300-400 ngàn đồng/tạ heo hơi khi xuất chuồng. Còn các hộ phải mua giống, cám để chăn nuôi thì lỗ đến 500-600 ngàn đồng/tạ.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 139 vùng khuyến khích chăn nuôi với tổng diện tích 15.674ha và 36 cơ sở giết mổ tập trung gắn với các vùng chăn nuôi, diện tích 65ha. Dù vậy, trong nội tại ngành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn tồn tại một số bất cập như: chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến, nông dân chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thậm chí còn làm tùy tiện, kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Vì vậy, theo ông Báu, ngoài việc quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung cần nâng cao ý thức cho nông dân trong việc sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng và môi trường. Bên cạnh đó, cần xem xét lại toàn bộ khâu phân phối sản phẩm vì đang tồn tại một thực tế là giá thu mua của nông dân cực thấp nhưng ra đến chợ dân sinh thì vẫn... trên trời.
PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: "Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa giao Cục Chăn Nuôi và Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp điều tra thực trạng ngành chăn nuôi, chủ cơ sở và các công ty chăn nuôi trên địa bàn cả nước. Theo đó, đoàn trực tiếp xuống tận hộ chăn nuôi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như những bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Sau khi điều tra xong sẽ tiến hành tổng hợp các vấn đề trình Bộ làm cơ sở để xây dựng chiến lược cho ngành trong giai đoạn tiếp theo". 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/10/36837.html


Tin khác