Nông sản nội thua trên "sân nhà"?: "Thuốc đắng giã tật"

23/10/2012

"Cũng như khi có bệnh, phải dùng thuốc mới khỏi, bệnh càng nặng thì liều thuốc càng cao. Làm sao chúng ta "tống cổ" được nông sản ngoại nhập kém chất lượng khi cách làm không đúng và khoa học?", ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định.

Vùng chuyên canh chuối tiêu hồng tại xã Minh Châu (Ba Vì-Hà Nội).
Người tiêu dùng: Đừng ham rẻ
Không phải đến thời điểm này, khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết, nỗ lực mong muốn "nhào nặn" được một thế hệ người tiêu dùng thông thái mới xuất hiện. Trước đây, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kêu gọi người tiêu dùng tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có rau, củ, quả. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp, người tiêu dùng đã "tiếp tay" cho nông sản ngoại nhập kém chất lượng bằng cách chấp nhận và tiêu dùng vì sự chênh lệch giá cả.
Trước thông tin cho rằng, các loại thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chúng ta chỉ ưu tiên cho xuất khẩu, còn chất lượng hàng nông sản tiêu thụ nội địa vẫn là dấu hỏi, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: "Không phải tất cả thực phẩm tốt chúng ta đều xuất khẩu và trong nước chỉ còn những loại thực phẩm kém an toàn bán cho người dân. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta bắt buộc phải thực hiện hiệp định kiểm soát chất lượng và nguyên tắc bình đẳng khi làm ăn với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu không có bất cứ người sản xuất nào làm ra bó rau, con cá chỉ chăm chăm dành cho xuất khẩu, vì tất cả phải phụ thuộc vào thị trường. Thực tế, nếu không có thương lái thu mua xuất khẩu, nguồn nông sản đó sẽ được bán cho người dân trong nước, người tiêu dùng nội địa. Như vậy, quan niệm hàng tốt xuất bán, hàng xấu để lại cho người tiêu dùng trong nước là không chính xác".
Thời điểm này, tại chợ đầu mối nông sản Văn Quán (Hà Đông - Hà Nội), rau cải ngọt trong nước bán với giá 7.000 đồng/kg, trong khi đó loại cải ngọt cuống to, thân dài, lá nhạt màu của Trung Quốc chỉ 3.000 đồng/kg. Chị Lê Thị Hai, thương lái bán rau, củ tại chợ này cho biết, rau cải Trung Quốc không chỉ hút cánh thợ xây, sinh viên mà các bà nội trợ cũng ưu tiên chọn mua vì giá rẻ chưa bằng một nửa so với rau trong nước. "Mỗi ngày, nếu bán một tạ rau thì tôi đặt một nửa của nông dân khu Văn Phú (Văn Quán), một nửa lấy lại từ chợ đầu mối nông sản Văn Quán. Hai loại rau bán chạy như nhau, như thế nghĩa là rau Trung Quốc ngang ngửa sức mua với rau của nông dân mình sản xuất. Những ngày lễ, Tết, người dân đi chơi nhiều, chỉ còn lại cánh thợ xây, sinh viên thì rau ta sẽ ế và rau Trung Quốc hết hàng trước", chị Hai kể.
Cũng vì ham rẻ nên không ít người tiêu dùng đã phải trả giá đắt cho sự lựa chọn của mình. Anh Hoàng Văn Tùng ở thôn Yên Xá, Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội) cho biết, cách đây nửa tháng, gia đình mua bắp cải Trung Quốc về ăn và hai cha con anh phải nhập viện vì bị ngộ độc thực phẩm. "Đây thực sự là bài học đắt giá cho gia đình tôi. Nhiều người khuyên không nên ăn rau trái mùa vì chắc chắn đó là rau Trung Quốc, được sử dụng nhiều chất kích thích tăng trưởng nhưng tôi không nghe. May mắn hôm đó hai cha con tôi được bác sỹ Viện 103 cấp cứu kịp thời, nếu không chưa biết hậu quả sẽ như thế nào", anh Tùng không giấu được lo lắng khi nhớ lại sự việc.
Cần sự vào cuộc của mọi "nhà"
Lãnh đạo các ban, ngành liên quan đều khẳng định, dù thực phẩm có mối nguy thực sự, nhưng nếu là người tiêu dùng thông thái, chúng ta không chỉ bảo vệ được bản thân, gia đình mà còn thể hiện tình yêu nước thông qua việc chấp nhận và tiêu dùng nông sản, thực phẩm nội. Sự đón nhận này - một cách gián tiếp - mang lại cơ hội và tiếp thêm sức mạnh cho nông dân, những người trực tiếp sản xuất và chịu quá nhiều thua thiệt trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, bày tỏ: "Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu nên khi nghe thông tin về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đương nhiên người dân rất lo ngại. Tuy nhiên, để đánh giá có phải tất cả thực phẩm đều gây hại cho con người hay không chúng ta phải dựa trên các mẫu được kiểm nghiệm có tính đại diện cao, được xử lý thống kê. Hàng năm các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn thực hiện các chương trình lấy mẫu giám sát nông - thủy sản chủ lực như: thịt, rau, củ, quả,… Kết quả giám sát cho thấy, với rau, quả, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép là 6,44% năm 2009; 6,17% năm 2010 và 4,43% năm 2011. Thịt gia súc, gia cầm, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép là 29,4% năm 2009; 27,6% năm 2010 và 30% năm 2011. Riêng với thủy - hải sản, tỷ lệ tồn dư hóa chất là 1% năm 2009, 3% năm 2010 và 0,8% năm 2011. Việc lấy mẫu giám sát được chúng tôi thực hiện tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước; ở các quy mô sản xuất từ nhỏ lẻ đến lớn; số lượng mỗi loại là 600 - 900 mẫu rau, quả; 800 mẫu thịt, 500 - 700 mẫu thủy - hải sản. Về thống kê, có thể đảm bảo độ tin cậy. Trên cơ sở này, người dân phải nhìn nhận và phân tích lại để thấy cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình là lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên ham rẻ để "chuốc" các loại rau, củ độc hại".
Số liệu khảo sát 3 năm trở lại đây cho thấy, không phải tất cả thực phẩm đều gây hại cho con người. Khi tiêu dùng thông minh được đề cao thì việc ăn chín uống sôi cũng là một cách để tự bảo vệ mình. Theo ông Tiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều chương trình để giảm thiểu tỷ lệ ô nhiễm vi sinh trong nông sản, đặc biệt với gia súc, gia cầm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, khi nói thực phẩm độc hại và có tồn dư hóa chất, chúng ta phải có bằng chứng khách quan và khoa học. Ví dụ, nếu lấy một mẫu nông sản mang đi kiểm nghiệm và thấy bị ô nhiễm, thì không thể khẳng định 100% loại nông sản đó đều độc hại. Người tiêu dùng không nên quá hoang mang mà phải nhận thức là còn mối nguy trong thực phẩm và càng cẩn trọng thì càng tránh được nguy hiểm. Ngay cả không khí cũng có vi sinh vật, cũng tiềm tàng mối nguy, khi vận chuyển thịt cá, nông sản, chúng có thể bị lây nhiễm từ môi trường thì không thể yêu cầu độ an toàn tuyệt đối được.
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) thì chia sẻ một mối lo khác là nếu thực phẩm không an toàn, không đủ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến thể trạng, chiều cao, cân nặng của giống nòi. "Chúng ta phấn đấu mấy chục năm để tăng chiều cao, cân nặng, thể trạng của người Việt. Bây giờ, nếu vì những loại thức ăn, nông sản nguy hại này, có thể thành tựu mong manh vừa đạt được lại bị đẩy lùi", ông Cường lo lắng.
Ông Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra khuyến cáo, người dân sử dụng thực phẩm phải đúng cách, chế biến an toàn, nấu nướng đảm bảo. Truyền thông phải xác định mối nguy để người dân tự bảo vệ mình. Gần đây, sự ra đời của Luật An toàn thực phẩm rất quan trọng và có tác động trực tiếp đến nỗ lực xây dựng thế hệ người tiêu dùng thông thái. Những người làm truyền thông phải phản ánh đúng sự việc để không gây hoang mang, đồng thời có tính cảnh báo để người dân trang bị thêm kiến thức bảo vệ mình và gia đình.
Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật thực phẩm Việt Nam) cho rằng: "Để người tiêu dùng có điều kiện sử dụng những sản phẩm nông sản an toàn, không có giải pháp nào hay hơn là chúng ta cần nhanh chóng đầu tư phát triển những vùng rau an toàn, nhân rộng thêm nhiều thương hiệu rau an toàn. Sản phẩm phải được đóng gói, đóng thùng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các vùng rau an toàn này được các cơ quan chức năng hướng dẫn, quản lý ngay từ gốc về kỹ thuật cũng như những quy định để trồng trọt, sản xuất những sản phẩm hoàn toàn đảm bảo ATVSTP. Mặt khác, cũng cần hỗ trợ, xây dựng mạng lưới phân phối cho các nhà sản xuất rau-củ-quả an toàn để sản phẩm này được đưa đến người tiêu dùng dễ dàng, với chi phí thấp nhất để có thể hạ giá thành. Một khi nội lực mạnh, nông sản chúng ta mới có thể lấy lại thị trường".
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác