Sản xuất lúa thắng lợi

09/01/2013

Trong nông nghiệp ở nước ta, lúa là ngành sản xuất thắng lợi lớn, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từ một nước triền miên thiếu lương thực, chỉ sau giải phóng ít lâu chúng ta đã tự túc được lương thực, mấy năm sau bắt đầu xuất khẩu gạo, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu của thế giới. Nhiều năm qua chúng ta sản lúa chủ yếu nhóm gạo có chất lượng trung bình, nay bắt đầu vươn lên sản xuất một phần lúa gạo có chất lượng cao.
Trong sản xuất lúa của chúng ta đã sản sinh ra nhiều bài học, kinh nghiệm hết sức quý báu cần được tổng kết. Bài viết của chúng tôi nhằm trao đổi một số ý kiến để tham khảo, chủ yếu là về tình hình sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Những bài học đưa đến thắng lợi
Đa dạng hóa nguồn gen giống
Từ lâu sản xuất lúa ở ĐBSCL vốn đã có rất nhiều giống, sau đó đã sàng lọc ra một bộ giống thích hợp, từ giống có chất lượng gạo trung bình đến chất lượng gạo ngon; Từ giống ngắn ngày đến độ dài trung bình; Rất quan trọng là bộ giống gồm nhiều gen kháng ngang, từ kháng yếu đến trung bình đối với các loại sâu bệnh khác nhau. Thực tế cho thấy trong điều kiện đa dạng hóa nguồn gen có quy hoạch đã làm giảm nhiều loại dịch hại, làm cho sản xuất lúa qua nhiều năm tỏ ra bền vững. Thậm chí trên những cánh đồng giống Jasmine có tính nhiễm rầy nâu (xen lẫn với những cánh đồng có nguồn gen khác) vẫn không bị rầy nâu phá hại và rất được mùa. Thị trường xuất khẩu gạo cũng được phong phú từ những cánh đồng đa dạng hóa nguồn gen. Từ đó ta có thể hình thành lý thuyết đa dạng hóa nguồn gen giống kháng ngang.
Sau khi có bộ giống thích hợp, ĐBSCL đang tiến hành xây dựng tổ chức sản xuất giống có chứng nhận.
Xây dựng các mô hình sản xuất theo kiểu sinh thái, bền vững
Trong 5 năm qua, chúng ta đã thành công lớn trong quản lý dịch rầy nâu truyền bệnh virus lúa thông qua khái niệm duy trì cân bằng sinh thái trên đồng ruộng, đặc biệt tại ĐBSCL. Theo đó việc quản lý rầy nâu bằng thuốc hóa học thường dẫn đến hiệu quả thấp, có thể làm rầy nâu bộc phát do sử dụng sai hoặc lạm dụng thuốc hóa học. Nông dân còn có tập quán bón nhiều phân đạm, thâm canh tăng vụ quá mức đã làm cho tình hình trở nên xấu hơn. Trên cơ sở công nghệ sinh thái kết hợp với IPM, “Ba giảm ba tăng”, “Một phải năm giảm”, kết hợp với gieo sạ lúa đồng loạt né rầy quản lý được rầy nâu di trú, cùng với bộ giống kháng ngang đa dạng nguồn gen đã làm dịu đi diễn biến của dịch hại, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL không ngừng phát triển.
Cơ giới ngành trồng lúa
Nghề trồng lúa ở nước ta rất tốn lao động cho các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản. Việc gieo sạ tập trung (né rầy) lại cần huy động một lúc quá nhiều nhân lực. Trong lúc lao động ở nông thôn ngày càng thiếu hụt do thu hút người làm vào công nghiệp, đó là khó khăn rất lớn trong nông nghiệp. Trong những năm qua, chúng ta đã áp dụng cơ giới được các khâu quan trọng như làm đất, gieo sạ (mới bước đầu), thu hoạch và sấy lúa. Vấn đề cơ giới hóa trong nghề trồng lúa đã giải quyết được mâu thuẫn thiếu lao động ở nông thôn.
Tổ chức sản xuất
Năm năm qua là thời gian công bố dịch, nên sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất lúa rất chặt chẽ, hình thức này thường gọi là động viên toàn bộ lực lượng chính trị, phối hợp đồng bộ giữa chính quyền các cấp, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để chống dịch. Thường xuyên rút kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Công tác tổ chức sản xuất chặt chẽ, đồng bộ như trên cũng là một yếu tố quan trọng cho sự thành công của nghề trồng lúa ở nước ta trong thời gian qua.
Trên đây là những gói kỹ thuật quan trọng và công tác tổ chức chỉ đạo chặt chẽ đã làm nên sản xuất lúa của chúng ta thắng lợi liên tiếp nhiều năm trong điều kiện dịch hại triền miên.Ngành trồng lúa có những tiến bộ có tính bước ngoặt theo hướng bền vững, chất lượng, nhất là tại ĐBSCL.
Những  định hướng sắp đến
Sản xuất lúa của nước ta có nhiều thắng lợi nhưng chưa bền vững, vì sự biến đổi của tự nhiên có thể sẽ còn làm cho dịch hại mới xuất hiện, sản xuất lúa có thể sẽ mất ổn định. Hơn thế, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa vẫn còn chiếm ưu thế, có nơi còn lạm dụng. Từ đó, để thực hiện phát triển sản xuất lúa an toàn và ổn định, chúng ta cần phải:
1. Hiện nay dịch rầy nâu truyền bệnh virus lúa tuy đã qua đi (hoặc tạm thời qua), nhưng ta vẫn phải cảnh giác, không được lơ là, không lạm dụng phân thuốc hóa học làm cho dịch hại có thể bùng phát trở lại. Hệ thống quản lý sản xuất lúa vẫn phải giữ chặt chẽ, mặc dầu hiện nay không còn là thời gian công bố dịch hại.
2. Theo dõi rút kinh nghiệm, chỉ đạo từng bước mở rộng các mô hình sản xuất lúa theo quan điểm sinh thái trên diện rộng, đúc kết thành lý luận, thế nào là sản xuất lúa theo quan điểm sinh thái bền vững.
3. Luôn kiểm tra rút kinh nghiệm, điều chỉnh bộ giống trên đồng ruộng theo quan điểm xây dựng bộ giống đa gen kháng ngang. Xây dựng thật nghiêm ngặt hệ thống nhân giống và sản xuất lúa bằng giống có chứng nhận.
4. Tổ chức chặt chẽ hơn nữa công tác quản lý sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất cây lúa. Tuyên truyền, huấn luyện mạnh mẽ việc sử dụng hạn chế và dùng đúng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh.
5. Theo dõi, chuẩn bị để thích nghi với hiện tượng ngập mặn, xây dựng hệ thống sản xuất lúa tôm hoàn chỉnh ở ĐBSCL. Xây dựng bộ giống lúa chịu mặn, chịu nước sâu, chất lượng gạo ngon.
6. Mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở liên kết nông dân với các doanh nghiệp để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và lo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Xây dựng các tổ chức dịch vụ trong nông thôn, trong đó quan trọng nhất là: 1) Dịch vụ giống có chứng nhận. 2) Dịch vụ cơ khí canh tác. 3) Dịch vụ sấy, bảo quản lúa.
Những vùng có sản xuất lúa là trọng điểm, nên lấy nội dung sản xuất lúa bền vững làm trọng tâm xây dựng nông thôn mới.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

Tin khác