Hợp đồng ít, sản lượng nhiều
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện tại, phần lớn các thị trường nhập khẩu gạo chính đều đang khá yên ắng. Trong đó, đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Năm nay, nước này cũng dự tính sẽ nhập khẩu một lượng gạo khá lớn từ nhiều nước, gồm 2,66 triệu tấn gạo hạt dài và 2,66 triệu tấn gạo hạt ngắn/trung bình. Tuy nhiên, do sản lượng thu hoạch lúa 2013 ở Trung Quốc sẽ lớn hơn năm 2012, cùng với việc đồng Nhân dân tệ suy yếu so với USD, nên nước này sẽ chậm tiến hành việc nhập khẩu và chỉ nhập khẩu khi giá gạo trên thị trường thế giới thấp hơn giá gạo ở thị trường nội địa.
Châu Phi, nhất là khu vực Tây Phi, đã nhập khẩu vượt mức trong năm 2012, nên tồn kho còn nhiều, do đó dự báo sẽ giảm nhập khẩu trong năm nay, nhất là trong những tháng đầu năm. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết, Philippines hiện cũng chưa hỏi mua gạo, mà nhiều khả năng phải tới tháng 4, tháng 5 mới thực hiện điều này. Indonesia nếu có mua gạo cũng phải tới tận tháng 9, tháng 10.
|
Tạm trữ ngay lúa đông xuân |
Chính vì thế, theo ông Trương Thanh Phong, đến thời điểm này, các doanh nghiệp mới chỉ đăng ký hợp đồng XK gạo trong năm nay được khoảng 700 ngàn tấn. Lượng hợp đồng đã ký như vậy là ít hơn so với đầu năm 2012 và đầu 2011. Đã thế, phần nhiều trong đó lại có nguy cơ bị hủy. Ông Phong nói: “Khoảng 480 ngàn tấn ký hợp đồng XK sang Trung Quốc và châu Phi đang ở trong tình trạng chưa chắc chắn. Có dấu hiệu cho thấy họ đang muốn ép giá mình”.
Trong khi đó, sản lượng lúa đông xuân 2012 - 1013 ở ĐBSCL sẽ thu hoạch trong tháng 2, tháng 3 tới là khá lớn. Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, những năm trước, trà lúa đông xuân ở ĐBSCL xuống giống trong tháng 11 thường chỉ khoảng 700 ngàn ha. Do lũ năm 2012 rút sớm, nên trong vụ đông xuân này, diện tích của trà lúa nói trên đã lên tới trên 1 triệu ha. Vì thế, trong tháng 2 và tháng 3 tới, sản lượng lúa đông xuân được thu hoạch sẽ nhiều hơn hẳn so với cùng kỳ của những năm trước. Do đó, yêu cầu tiêu thụ cũng sẽ căng thẳng hơn nhiều, nhất là trong bối cảnh hợp đồng xuất khẩu đã ký hãy còn khiêm tốn.
Tạm trữ với cơ chế cũ
Hiện tại, trong kho của các doanh nghiệp lương thực còn tồn 787 ngàn tấn gạo từ năm ngoái chuyển sang. Như vậy, có thể thấy nếu 700 ngàn tấn gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu trong năm nay được thực hiện một cách suôn sẻ, thì cũng chưa đủ để giải quyết hết chỗ gạo tồn kho nói trên. Điều này đồng nghĩa với việc đến thời điểm này vẫn chưa có đầu ra xuất khẩu cho lượng lúa gạo vụ đông xuân đang sắp tới kỳ thu hoạch.
Bởi thế, theo ông Phạm Văn Dư, các doanh nghiệp cần phải xem xét, tổ chức thu mua tạm trữ lúa gạo hàng hóa ngay từ trong tháng 1 này. Ông Lê Việt Hải, TGĐ Cty CP Mekong (Cần Thơ) cho rằng phải tổ chức thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo ngay trong quý I năm nay. Còn theo ông Trương Thanh Phong, với sản lượng lúa khá lớn sẽ thu hoạch trong thời gian tới, có thể phải mua tạm trữ tới 1,5 triệu tấn quy gạo. Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp đã bị thua lỗ khá nhiều khi tham gia tạm trữ lúa gạo hàng hóa. Nhưng để giúp cho giá lúa gạo hàng hóa trong vụ đông xuân này không bị giảm xuống dưới mức giá định hướng (giá thành + 30% lợi nhuận), nhiều doanh nghiệp vẫn đang sẵn sàng tiếp tục được tham gia tạm trữ lúa gạo.
Để góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân cho người trồng lúa ĐBSCL, VFA đã kiến nghị Bộ NN-PTNT, trong khi chưa ban hành Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa gạo, nên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương mua tạm trữ trong 1 tháng. Về điều này, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, cũng tán thành việc thực hiện mua tạm trữ lúa gạo ngay ở vụ đông xuân này. Ông Đô cho biết, Bộ NN-PTNT đã đề nghị lên Chính phủ về việc tạm trữ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân 2012 - 2013. Theo đó, trước mắt nên tiếp tục giao cho các doanh nghiệp thực hiện tạm trữ lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL với cơ chế, chính sách hỗ trợ như đã làm trong năm 2012.
Cần đẩy mạnh thị trường Nhật Bản
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Cty CP XNK An Giang, để có thêm đầu ra xuất khẩu cho hạt gạo, cần phải đẩy mạnh việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản. Sau 5 năm ngưng mua gạo Việt Nam, trong năm 2012, Nhật Bản đã cho pháp Cty Angimex thực hiện xuất khẩu được 30 ngàn tấn gạo vào nước này. Để xuất khẩu được gạo sang Nhật Bản, phải kiểm soát ngay từ khâu sản xuất của nông dân theo hướng hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất cấm. Có như vậy, hạt gạo Việt Nam mới có thể vượt qua được 593 chỉ tiêu về dư lượng hóa chất mà cơ quan chức năng Nhật Bản đưa ra. Khó là vậy, nhưng thị trường gạo Nhật Bản lại khá tiềm năng. Trong năm 2011, nước này đã nhập khẩu khoảng 700 ngàn tấn gạo.
Còn theo VFA, ngoài việc đẩy mạnh XTTM cấp quốc gia ở khu vực châu Phi, Chính phủ cần đàm phán thỏa thuận thương mại gạo với Trung Quốc để có thể XK sang nước này một cách ổn định và hiệu quả, bởi đây là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2012.
Theo Nông nghiệp Việt Nam