Theo VASEP, ngày 18/1/2013, DOC đã chính thức tuyên bố khởi xướng và tiến hành điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, DOC sẽ tiến hành lựa chọn các bị đơn bắt buộc của Việt Nam căn cứ vào các số liệu thống kê của Hải quan Hoa Kỳ và sẽ cho công bố trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 28/12/2012, COGSI đã đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam do nghi ngờ ngành tôm của những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ. Ngày 15/1/2013, đại diện chính phủ hai nước đã có buổi tham vấn tại DOC. Tại buổi tham vấn, phía Việt Nam đã thể hiện rõ sự quan ngại và chính thức phản đối vụ kiện.
Vụ kiện này là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh và thiếu cơ sở, vì COGSI lợi dụng cơ chế pháp lý để làm tăng giá thành, giảm nhu cầu tôm nhập khẩu, giảm lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ. COGSI chỉ đại diện cho ngành khai thác tôm Hoa Kỳ, hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này, 90% nhu cầu còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì vậy, việc COGSI đại diện cho số ít ỏi 10% nguồn cung cấp tôm tại Hoa Kỳ khởi xướng vụ kiện chống lại tôm nhập khẩu là bất hợp lý.
Cáo buộc của COGSI liên quan đến giá của 2 loại sản phẩm là tôm khai thác trong nước và tôm nuôi nhập khẩu hiện rõ sự so sánh và lập luận thiếu logic và cơ sở khoa học. Điều kiện sản xuất tôm nuôi và tôm khai thác hoàn toàn khác nhau, mùa vụ và nguồn cung cấp khác nhau, vì vậy giá có sự chênh lệch là tất yếu.
Vấn đề của các nhà khai thác và chế biến tôm Hoa Kỳ là không quảng bá và tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu được bản chất của sự khác biệt về giá tôm khai thác so với tôm nuôi nhập khẩu, mà họ chỉ biết đổ lỗi cho tôm nuôi nhập khẩu làm giảm sức cạnh tranh của họ. Tôm nuôi và tôm khai thác là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau, điều kiện sản xuất khác nhau, chất lượng và đối tượng tiêu dùng khác nhau, vì vậy không cần và không thể cạnh tranh trên thị trường và trở thành đối tượng kiện nhau.
Việc giá thành tôm nhập khẩu từ 7 nước thấp hơn là do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, quy trình nuôi trồng và đánh bắt đã được chuẩn hóa. Hơn nữa, việc các DN nhập khẩu và chế biến tôm của Hoa Kỳ ngày càng tăng cường nhập khẩu tôm từ bên ngoài còn vì nguồn cung ổn định, chấp nhận được những đơn hàng lớn, dài hạn, đáp ứng được nhiều nhu cầu chế biến khác nhau (như bỏ đầu, bóc vỏ…) nhờ lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công rẻ.
Thêm vào đó, chất lượng tôm nhập khẩu từ 7 nước đã được kiểm định chặt chẽ, đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất. Thị trường xuất khẩu tôm cũng mở rộng, các nước xuất khẩu tôm ngày càng có thêm nhiều thị trường, khách hàng mới vì vậy nếu không xuất khẩu được vào thị trường Hoa Kỳ, các nước xuất khẩu có thể chuyển sang bán cho thị trường khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, đẩy giá tôm tại Hoa Kỳ lên cao và kết quả cuối cùng là người tiêu dùng nước này phải gánh chịu hậu quả.
Quyết định khởi xướng điều tra vụ kiện của DOC là một quyết định không công bằng, là biện pháp đánh thuế hai lần và gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm Việt Nam. Việc khởi xướng vụ kiện chống phá giá và chống trợ cấp (AD/CVD) nhắm vào mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam đang gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của cả doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam, tác động tiêu cực đến mối quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển mạnh giữa hai nước.
Ngành tôm Việt Nam không nhận trợ cấp Chính phủ
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, VASEP có đủ bằng chứng chứng minh ngành tôm Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ theo như cáo buộc của COGSI.
Ông Hòe cho biết, Việt Nam đã là thành viên của WTO nên mọi trợ cấp cho ngành nông nghiệp đều phải tuân theo những cam kết của WTO và kèm theo những dữ liệu để chứng minh cho sự phù hợp đó.
Năm 2012, mặc dù xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ liên tục giảm do nhiều yếu tố nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí thứ hai sau Nhật Bản về nhập khẩu tôm Việt Nam với giá trị cả năm ước đạt khoảng 480 triệu USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Năm 2013, Hoa Kỳ tiếp tục được xác định là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam do vấn đề Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản chưa được giải quyết.
Đây là lần thứ hai trong khoảng 10 năm qua, tôm Việt gặp rào cản pháp lý khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
|
Theo Kinh tế nông thôn