Gỡ mớ bùng nhùng nông lâm trường

24/01/2013

Thực trạng nông lâm trường vẫn là một bài toán khó, ở nhiều địa phương chẳng khác nào mớ bòng bong. Tàn dư của cách làm cũ, thiếu chính sách, thiếu tiền, thiếu chế tài khiến nhiều nông lâm trường chỉ còn vỏ bọc, bên trong đã chết lâm sàng. Nói như thế nhưng không có nghĩa tất cả, loạt bài này chúng tôi xin đăng tải những lời giải, những cách làm tạo nên sự khác biệt ở tỉnh Tuyên Quang, một trong những địa phương nhiều nông lâm trường nhất cả nước.

Lách chính sách, hướng quyền lợi cho dân
Sau khi thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, hầu hết các đơn vị đều chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp, nhiều nơi chọn cách liên doanh với người dân địa phương để trồng rừng kinh tế.
Mặc dù vậy mô hình này còn quá nhiều vấn đề, xung đột giữa các nông lâm trường với người dân địa phương vẫn diễn ra. Kinh nghiệm, muốn mô hình này thành công thì các công ty lâm nghiệp không được tham trong việc chia phần trăm sản phẩm với người dân.
Muốn khá phải làm chui
Tỉnh Tuyên Quang có 13 nông lâm trường, trong đó có 9 nông lâm trường thuộc UBND tỉnh quản lý và 4 nông trường thuộc Tổng Cty giấy Việt Nam với diện tích đất 59 nghìn ha. Năm 2012 UBND tỉnh đã có động thái mạnh tay khi rà soát, thu hồi 50% đất giao lại cho các địa phương. Ngay cả khi UBND tỉnh có biện pháp mạnh thì thực trạng tại các nông lâm trường vẫn rơi vào cảnh “bình mới rượu cũ”, vẫn thiếu tiền, vẫn mâu thuẫn với người dân địa phương. Vì vậy nhiều nông lâm trường đã phải chọn cho mình những hướng đi ngoài chính sách.
Nông lâm trường được đánh giá cao nhất ở Tuyên Quang bây giờ là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Ông Lưu Vĩnh Phúc, Giám đốc công ty là người giản dị và thẳng thắn. Đề cập đến vấn đề nông lâm trường hiện nay, ông Phúc nói ngay rằng, bài toán lớn nhất là mối quan hệ của các công ty lâm nghiệp với người dân bản địa. Mô hình liên doanh sản xuất giữa lâm trường với người dân bây giờ nhiều nhưng ở đâu cũng thấy kêu ca là khó khả thi.
Nơi thì kêu bị dân chặt trộm, nơi kêu người dân không có vốn đối ứng. Đừng kêu lắm. Xu hướng tất yếu của các nông lâm trường là phải xã hội hóa nghề rừng, phải làm thế nào để người dân có quyền lợi từ rừng thì rừng mới được bảo vệ. Đằng này hợp tác mà công ty tham quá, hưởng phần trăm cao thì trách người dân sao được. Tóm lại là phải có những cách làm linh động, làm sao mà trông chờ vào chính sách chung chung.
Thực ra, trước khi sắp xếp đổi mới, Lâm trường Chiêm Hóa từng sống dở chết dở khi diện tích đất sản xuất nhiều nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất, diện tích đất bỏ hoang lên đến hàng ngàn ha. Trước năm 2005, diện tích đất lâm nghiệp Lâm trường Chiêm Hóa được giao quản lý gần 10 ngàn ha nhưng chỉ phủ xanh chưa đầy một nửa. Chỉ có công nhân lâm trường nhận khoán theo kiểu “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, chẳng ai mặn mà với việc trồng rừng. Giả sử có hộ nào muốn trồng thì cứ việc lấn chiếm, đất rừng rộng mênh mông, giao khoán làm gì cho lắm thủ tục.
Người dân phấn khởi vì sản phẩm từ rừng được chia theo tỷ lện 74-26
 
Nguyên nhân có nhiều nhưng cái chính vẫn là thiếu tiền, thiếu cơ chế chính sách. Năm 2005, khi tiếp quản ghế giám đốc, ông Phúc lặn lội vào tận Tây Nguyên học tập mô hình liên doanh với người dân để trồng rừng kinh tế. Thời điểm đó, việc lâm trường hợp tác với dân địa phương trồng rừng còn là chuyện hiếm bởi chưa có hình thức giao khoán nào cả. Đến nỗi, đề án của ông Phúc chỉ được chỉ đạo theo kiểu làm chui, tức là ngăn cản cũng không mà đồng ý chủ trương cũng không nốt. Âm thầm thực hiện, ông Phúc xây dựng mô hình trồng rừng liên doanh theo hình thức lâm trường và các hộ nhận liên doanh cùng đầu tư trồng rừng trên đất của công ty quản lý.
Chu kỳ sản xuất 10 năm, năng suất tính ở thời điểm thu hoạch là 100 m3 gỗ/ ha. Theo mô hình này, Lâm trường Chiêm Hóa chịu trách nhiệm thiết kế mô hình, đầu tư cây giống, phân bón, dịch vụ kỹ thuật, nghiệm thu sản phẩm, quản lý vốn đầu tư. Các hộ liên doanh bỏ công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng…
Khi kết thúc chu kỳ, người dân được hưởng 76% giá trị sản phẩm, lâm trường được 24%. Trường hợp năng suất vượt chỉ tiêu thì các hộ liên doanh hưởng hết. Ngoài ra quyền lợi tận thu sản phẩm phụ phía Lâm trường Chiêm Hóa cũng giao hết cho các hộ trồng rừng liên doanh. Sau 7 năm thực hiện, đã có 1.304 lượt hộ tham gia trồng rừng liên doanh trên tổng diện tích 3.563,3ha. Sau khi mô hình liên doanh của Lâm trường Chiêm Hóa ra đời được một năm, năm 2006 Bộ NN-PTNT mới có Thông tư 102 hướng dẫn Nghị định 135 của Chính phủ về việc giao khoán đất sản xuất trong các nông lâm trường quốc doanh.
Đến năm 2008, khi UBND tỉnh Tuyên Quang chuyển đổi Lâm trường Chiêm Hóa thành công ty lâm nghiệp thì mô hình trồng rừng liên doanh mới “danh chính ngôn thuận”. Những năm gần đây, khi đất rừng sản xuất có giá thì mô hình liên doanh ở Chiêm Hóa càng được đẩy mạnh. Có nhiều đại gia lắm tiền nhiều của muốn hợp tác trồng rừng với công ty nhưng ông Phúc chỉ “tiếp” người dân địa phương. Vị giám đốc này quan niệm: Chỉ có hợp tác với người dân địa phương mới bền vũng được, còn trồng rừng mà cứ nhăm nhăm túi tiền của mình thì khó làm lắm.
Cần xóa bỏ tư duy cũ về đất lâm nghiệp
Thực trạng ở nhiều nông lâm trường hiện nay là trồng rừng kiểu trách nhiệm. Họ phàn nàn rằng chu kỳ cây lâm nghiệp quá dài, nguồn vốn không thể xoay vòng nên cùng lắm chỉ đủ ăn. Vậy mà ở Chiêm Hóa bây giờ không ít người trồng rừng trở thành đại gia nhờ liên doanh với công ty lâm nghiệp, thậm chí nhiều cán bộ huyện, cán bộ xã cũng liên doanh trồng rừng với Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa.
Xã Tân An là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp nhiều nhất huyện Chiêm Hóa. Chỉ tính riêng người dân bản địa đã có 98 hộ dân thực hiện mô hình liên doanh trên diện tích 418 ha. Nhiều nhất Tân An là gia đình ông Ma Quốc Cường ở thôn Tân Minh. Theo giá thị trường hiện nay mỗi ha liên doanh khi thu hoạch người dân được tầm 60 triệu đồng. Gia đình ông Cường có 15 ha, tính ra xấp xỉ tiền tỷ, trong khi chỉ có mỗi việc là bảo vệ rừng. Từ chỗ lo cái ăn cái mặc không đủ, bây giờ gia đình ông Cường thuộc diện giàu nhất xã Tân An. Nhà cửa khang trang, xe cộ, con cái học hành đầy đủ. Như năm vừa rồi, chỉ riêng tiền thu từ việc tỉa cành bán củi gia đình ông đã đút túi cả trăm triệu đồng. Còn 2 năm nữa là kết thúc chu kỳ liên doanh, nếu rừng nguyên liệu giữ được giá như bây giờ thì chuyện ông Cường trở thành tỷ phú là điều không phải bàn cãi.
“Nếu nhìn vào tỷ lệ ăn chia sản phẩm từ rừng thì nhiều người đánh giá là công ty lâm nghiệp quá thiệt thòi khi đầu tư nhiều mà chia lại ít. Nhưng thực tế là việc liên doanh với người dân lợi đủ đường, đặc biệt là công tác bảo vệ. Không ai giữ rừng tốt hơn người dân, mà muốn cho họ giữ rừng thì phải đặt quyền lợi họ vào đấy, kéo họ vào chung “chiến hào” với mình”, GĐ Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa chia sẻ kinh nghiệm.
Chủ tịch xã Tân An Đinh Ngọc Yên cũng là một hộ dân liên doanh trồng rừng với Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Ông Yên từ khi lập gia đình chẳng có tý đất lâm nghiệp nào. Khi có mô hình liên doanh, vị Chủ tịch xã được nhận 3,5 ha đất rừng như một hộ dân bình thường. Vừa rồi, UBND tỉnh Tuyên Quang có dự án tái định cư cho người dân lòng hồ Na Hang, đất ông Yên được giao lọt vào diện tích quy hoạch. Tài sản trên đất được đền bù theo giá thị trường. 3,5 ha rừng liên doanh được đền bù 120 triệu đồng, ông Yên được nhận 90 triệu, còn lại 30 triệu thuộc về công ty.
Người dân chỉ bỏ công chăm sóc, còn lại công ty phải lo hết thì tiền lấy đâu ra, trong khi việc vay vốn ngân hàng ngày càng khó khăn? Vấn đề tưởng chừng nan giải ở các nông lâm trường hóa ra thật đơn giản với Chiêm Hóa. Nhờ diện tích trồng rừng từ nhiều năm trước. Diện tích rừng này chính là tài sản đảm bảo cho vấn đề vốn mà công ty “bơm” cho các hộ liên doanh. Hàng năm đều có rừng khai thác, phần lớn số tiền thu được Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa đầu tư vào rừng sản xuất. Ông Phúc bảo rằng, từ ba năm nay Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa không cần vay vốn ngân hàng.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

 


Tin khác