Nguyên nhân chính là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất khẩu có nhà máy chế biến với các nhà xuất khẩu không có nhà máy chế biến.
Lợi dụng thông lệ mua cá nguyên liệu của nông dân nợ 30 ngày mới trả tiền, một số nhà xuất khẩu cá tra (nói một số nhưng rất nhiều) không có vốn, không có nhà máy hoạt động bằng cách chiếm dụng vốn người nuôi.
Mục đích mua cá của họ là để chiếm dụng vốn nên cố lấy đơn hàng của khách hàng nước ngoài, bán dưới giá thành sản xuất của người nông dân cũng bán. Có đơn hàng trong tay, mua cá nguyên liệu hơi cao hơn thị trường chừng vài trăm đồng, bắt cá nông dân đem thuê nhà máy gia công xuất khẩu. Xuất khẩu xong tiền trả nhỏ giọt cho nông dân cả năm mới xong, có khi không trả.
Với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu “nhiều không” như trên, các nhà xuất khẩu có nhà máy chế biến không chịu nổi vì phải bỏ vốn xây dựng nhà máy, phải trả lương bộ máy hàng ngày nên giá thành trong sản xuất lúc nào cũng cao hơn. Chi phí sản xuất và vốn vay ngân hàng xây dựng nhà máy khiến giá thành sản phẩm cao nhưng phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu không có nhà máy, nên phải bán lỗ. Việc này xảy ra từ đầu năm 2012 đến nay, đã hơn 2 năm.
Việc này, tôi thiết nghĩ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phải biết. Nếu ngăn chặn từ đầu thì các nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra sẽ không đến nỗi khó khăn như hiện nay. Nhưng thực tế đã xảy ra và đang xảy ra, thậm chí xảy ra quá lâu.
Quan điểm tôi kính đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương có sự kiểm soát đặc biệt gắt gao đối với các nhà xuất khẩu cá tra không có nhà máy chế biến về giá xuất khẩu. Để giải quyết giảm bớt tình trạng các nhà xuất khẩu không có nhà máy chế biến có thể thao túng thị trường thì việc quy định giá sàn mua nguyên liệu trong Nghị định 36/CP, ban hành ngày 29/4/2014, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 cần được thực thi sớm.
Theo Nông nghiệp Việt Nam