THÔNG CÁO BÁO CHÍ

23/01/2015

HỘI THẢO: GÓP Ý DỰ THẢO ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU, NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

HỘI THẢO: GÓP Ý DỰ THẢO ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU

NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM

Dự án Ô Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (gọi tắt là Dự án RCV) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ, được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số nội dung trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Dự án ô nhằm các mục tiêu: (i) Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; (ii) Thúc đẩy năng suất lao động, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập; (iii) Nâng cao tính minh bạch trong các quy định kinh doanh và giảm tham nhũng.

Hợp phần “Tái cơ cấu kinh tế nông thôn tập trung vào chuỗi giá trị lúa gạo” là một trong ba hợp phần của Dự án RCV nhằm mục tiêu góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn trên cơ sở phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng giá trị gia tăng cao và bền vững.

Trong các tiểu ngành nông nghiệp thì lúa gạo là ngành quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, Việt Nam có gần 9,3 triệu hộ trồng lúa trong tổng số 15 triệu hộ nông dân Giai đoạn 2010-2013, Việt Nam xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo hàng năm. Tăng cường xuất khẩu gạo không những giúp Việt Nam thúc đẩy sản xuất, nâng thu ngoại tệ mà còn đóng góp cho phát triển hợp tác quốc tế. Sản xuất lúa đóng góp 30% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Sản xuất lúa gạo góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam và các quốc gia nhập khẩu.

Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn nhưng ngành lúa gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế cần phải giải quyết. Về chủ quan, quy mô sản xuất lúa nhỏ, chuỗi giá trị qua nhiều trung gian, thiếu liên kết, tỷ lệ thất thoát cao, chế biến chưa tối ưu, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa, chất lượng gạo, và khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam. Về khách quan, bao gồm vấn đề cạnh tranh nguồn lực với các ngành sản xuất nông nghiệp – phi nông nghiệp khác, thị trường lúa gạo quốc tế cạnh tranh với sự tham gia của nhiều nhà xuất khẩu, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Viện Chính sách & Chiến lược PTNNNT xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo với sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.

Tiếp nối sự thành công của các hội thảo chuyên gia đã được tổ chức trước đây, với sự hỗ trợ của Dự án RCV, Viện Chính sách & Chiến lược PTNNNT phối hợp với Cục Trồng trọt tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam”, diễn ra vào 8h00’ thứ 4, ngày 28/1/2015 tại Khách sạn VICTORY số 14 Võ Văn Tần, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo này là cơ hội để các bên có liên quan thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam.

Hội thảo sẽ là cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, chuyên gia ngành hàng lúa gạo, các hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan. Từ đó thu thập, tổng hợp các ý kiến cho dự án, cũng như cho đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam.

Hội thảo sẽ được tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp &PTNT; Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương; Viện Chính sách & Chiến lược PTNNNT; Sở Nông nghiệp &PTNT một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; các Hiệp hội; doanh nghiệp liên quan đến sản xuất kinh doanh lúa gạo; các Viện, Trường có liên quan; các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp…, cùng đại diện các cơ quan báo chí và truyền hình.

Cục Trồng trọt -điện thoại: 0983508395.

VIỆN CHÍNH SÁCH & CHIẾN LƯỢC PTNNNT

 

 


Tin khác