IPhone hay “Ai lúa”?

13/05/2013

TS. Đặng Kim Sơn: "Nhìn vào thắng lợi của nông nghiệp, lại càng thấy đau thêm cho bà con nông dân"... Người Mỹ chỉ cần bán một chiếc điện thoại iPhone cũng đủ mua một tấn gạo của nông dân Việt Nam. Nước ta nên tập trung đầu tư vào công nghiệp hay nông nghiệp?

Tại buổi tọa đàm “iPhone hay Ai lúa - Lựa chọn phát triển bền vững cho Việt Nam”, do Mạng lưới Thế Hệ Xanh tổ chức phối hợp với EuroCham và Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức ngày 11/5, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (IPSARD) đã chia sẻ những trăn trở của ông về câu chuyện này.
"Rất nhiều người bảo rằng nên sản xuất iPhone bán đi để mua gạo, thay vì trồng lúa. Thế nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng, những năm qua các nước ở Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng tài chính, công nghiệp và dịch vụ đi xuống, nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng".
 
Ông nghĩ với Việt Nam, công nghiệp hay nông nghiệp quan trọng hơn?
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đến cả nước Mỹ cũng phải bán iPhone để mua... gạo. Trong khi Việt Nam xuất khẩu lúa gạo để mua iPhone, không chỉ nhập riêng iPhone mà còn rất nhiều thứ khác.
Rất nhiều người bảo rằng nên sản xuất iPhone bán đi để mua gạo, thay vì trồng lúa. Thế nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng, những năm qua các nước ở Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng tài chính, công nghiệp và dịch vụ đi xuống, nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng.
Ở Việt Nam chỉ duy nhất một ngành xuất siêu, và xuất siêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Đúng là nếu muốn tiến bộ, văn minh, thì phải thúc đẩy công nghiệp hóa, nhưng liệu những gì đang diễn ra có đúng hướng hay không?
Công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh đưa đất nước ta phát triển ngoạn mục trong những năm gần đây. Nông nghiệp từ đóng góp khoảng 25% trong GDP, giảm xuống chỉ còn 19% vào năm 2010. Tuy nhiên, trong năm 2012 vừa qua, tỷ trọng nông nghiệp lại vọt lên 21% trong GDP, không phải vì nông nghiệp tăng trưởng nhanh, mà vì công nghiệp và dịch vụ đi xuống.
Chính nông nghiệp là bệ đỡ cho phát triển công nghiệp hóa trong những năm qua, thế nhưng công nghiệp hóa lại phát triển ì ạch, đang tạo nên gánh nặng đè lên nông nghiệp. Khi mới bước vào công nghiệp hóa, Việt Nam phát triển rất mạnh, đi rất nhanh đến cuối đường băng để chuẩn bị cất cánh.
Thế nhưng, chúng ta có quả tạ khổng lồ khiến không thể cất cánh được, đó là đô thị quá tải, công nghiệp và dịch vụ kém hiệu quả. Nông nghiệp cũng vì đó mà bị mất sức.
Năm vừa qua, sản lượng lương thực, chăn nuôi đều tăng, giúp kìm hãm chỉ số giá  tiêu dùng (CPI) ở mức thấp nhất trong 8 năm trở  lại đây. Nhiều ý kiến nhận định, CPI thấp là nhờ điều hành chính sách kinh tế vĩ mô tốt, song theo tôi có hai yếu tố khiến CPI thấp, một mặt là do công nghiệp suy trầm, dẫn tới sức mua giảm, nhưng quan trọng hơn cả là giá nông sản rẻ, đóng góp lớn kéo thấp CPI.
Tuy vậy, giá nông sản thấp như con dao hai lưỡi, đối với toàn dân là tốt, nhưng đối với nông dân lại bị thiệt. Nhìn vào thắng lợi của nông nghiệp, lại càng thấy đau thêm cho bà con nông dân.
Giá nông sản thấp như con dao hai lưỡi, đối với toàn dân là tốt, nhưng đối với nông dân lại bị thiệt. Nhìn vào thắng lợi của nông nghiệp, lại càng thấy đau thêm cho bà con nông dân. Ở nước ta, tuy nông dân chiếm 70% dân số, nhưng đây lại là một khối câm lặng khổng lồ, vì họ không được bàn bạc. Có mỗi chuyện ai tạm trữ lúa gạo mà mấy bộ, ngành tranh luận với nhau mãi không xong. – TS Đặng Kim Sơn
Phát triển công nghiệp hóa, thì nông nghiệp được, mất những gì, thưa ông?
Công nghiệp hóa là xu hướng chung trên thế giới, các nước đã thành công với công nghiệp hóa thường diễn ra theo một kịch bản là, ban đầu công nghiệp hóa lấy nguồn lực từ nông nghiệp, sau khi đã thành công thì công nghiệp sẽ quay lại “trả nợ”, đền bù cho nông nghiệp dưới hai hình thức: tạo việc làm cho lao động nông thôn, và trợ cấp cho nông nghiệp.
Nước Mỹ có diện tích đất rộng rãi, điều kiện rất tốt cho phát triển nông nghiệp, thế nhưng nông nghiệp chỉ chiếm 5% GDP, và chiếm 2% lao động toàn xã hội. Nhờ nguồn thuế khổng lồ của các ngành khác, họ dành 10% để bù đắp cho nông nghiệp. ở Nhật Bản, giả sử một bát cơm có giá 100 đồng, thì 60% là do nhà nước bỏ ra, phần của nông dân bỏ ra chỉ 30-40%.
Còn chúng ta, nguồn thuế từ công nghiệp không đủ cho ngân sách, thì chưa thể mong bù đắp cho nông nghiệp. Chúng ta đang mắc kẹt ở chỗ này. Nếu mắc kẹt quá lâu thì nông dân kiệt sức.
Ông nhận định bức tranh nông thôn Việt Nam những năm tới như thế nào?
Hầu hết lao động nông thôn chúng ta gọi theo kiểu mỹ miều là lao động “không chính thức” - loại này hiện chiếm tới 70% lao động ở Việt Nam.
Thực chất họ bị đẩy ra đường, làm những công việc không ký hợp đồng, không bảo hiểm, không đào tạo, không đóng thuế, với những lớp người “mới” đó là xe ôm, là đào vàng, là phu hồ, là dọn vệ sinh…
Công nghiệp đã không tạo được việc làm cho đại bộ phận nông dân, thì nông dân đành phải trung thành với sản xuất nông nghiệp. Trong khi, nông dân sản xuất ra hạt lúa củ khoai phải đương đầu với nhiều thứ, đó là mất công bằng trong thương mại thế giới. Không chỉ vì hầu hết các nước công nghiệp đều trợ cấp cho nông nghiệp của họ, mà còn vì họ lập rất nhiều hàng rào thương mại để ngăn chặn thương mại tự do của các nước nghèo.
Chẳng lẽ chúng ta không thể vượt qua được khúc kẹt này?
Các nước đã tiến hành công nghiệp hóa từ cách đây 200 năm thì họ dễ dàng thành công. Chúng ta công nghiệp hóa chậm sẽ trở thành “trâu chậm uống nước đục”.
Trong số khoảng 20 nước trên thế giới bắt đầu công nghiệp hóa vào cuối thế kỷ 20, đến nay chỉ có 4-5 nước công nghiệp hóa thành công. Chúng ta nên học kinh nghiệm từ họ.
Bài học là, trong quá trình phát triển, phải gắn kết nông thôn với đô thị, nông nghiệp với công nghiệp. Họ luôn tập trung vào nông thôn, trao quyền cho nông dân ngay từ đầu quá trình công nghiệp hóa. Ở nước ta, tuy nông dân chiếm 70% dân số, nhưng đây lại là một khối câm lặng khổng lồ, vì họ không được bàn bạc. Có mỗi chuyện ai tạm trữ lúa gạo mà mấy bộ, ngành tranh luận với nhau mãi không xong.
Chính sách của chúng ta không tạo ra được điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho người dân nông thôn. Ở các nước, như Hàn Quốc, Nhật Bản họ để cho nông dân bàn bạc, quản lý hết là xong. Nhà nước tập trung cao độ vào đào tạo nông dân, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là chế biến.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam

Tin khác