|
TS Đặng Kim Sơn |
Lười biếng, kém hiểu biết thì không được làm nông dân
PV: - Có 1 câu chuyện cổ nói về người nông dân giàu kinh nghiệm nên khi thỏa thuận chia phần thì thần Sét (hoặc con gấu) dù đòi phần ngọn, phần gốc hoặc đòi cả phần gốc lẫn phần ngọn thì đều thua anh nông dân nhưng ở thời đại kỹ trị này, trí thông minh và láu cá đã thay thế kinh nghiệm nên dù anh nông dân đòi phần ngọn, phần gốc hay đòi cả gốc lẫn ngọn thì anh ta cũng vẫn thua thiệt. Xét theo chiều hướng phát triển này thì, theo ông, có cách nào giúp người nông dân đỡ thiệt thòi được không?
TS Đặng Kim Sơn: - Câu trả lời là bản thân người nông dân trong xã hội mới phải là người nông dân thông minh. Thứ nhất, họ phải là người nông dân chuyên nghiệp. Ngày nay, không thể coi nghề nông là nghề cha truyền con nối, sinh ra trên mặt ruộng là biết làm nông và ai cũng có thể làm được.
Nghề nông tác động tới an ninh và an toàn thực phẩm, tác động trực tiếp tới thiên nhiên, đó là một nghề quan trọng mà những người lười biếng, kém hiểu biết không được làm. Đứng từ quan niệm như thế thì vị thế người nông dân phải khác hẳn. Đứng từ quan niệm như thế thì thân phận người nông dân khác hẳn.
Người nông dân phải học sản xuất (biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi, phân bón...), kinh doanh (có nên vay vốn hay không, sản phẩm trữ lại hay bán), quản lý, phát triển (phối hợp với các nông dân khác, liên kết với doanh nghiệp).
Người nông dân phải học qua trường lớp, qua những lớp tập huấn về quản lý, kỹ thuật, kinh doanh, phải có những chứng chỉ về mặt tiêu chuẩn cây trồng vật nuôi, nghề nghiệp...
Trong tương lai, những người nông dân nào đạt được tiêu chuẩn như thế thì mới được làm nông dân. Nông nghiệp hiện đại sẽ là một nghề của khoa học và công nghệ dùng nhiều máy móc, dùng nhiều hóa chất.
Sau khi được đào tạo và cấp bằng, người nông dân phải được tổ chức lại với nhau thành hiệp hội, hiệp hội của những người nông dân chuyên nghiệp. Đó là hiệp hội gắn chặt với quyền lợi và trách nhiệm của người nông dân.
Ví dụ, người nông dân tham gia vào hiệp hội sẽ được nhận những quyền lợi của Nhà nước như: miễn thuế, tích tụ ruộng đất, tham gia miễn phí các lớp tập huấn, vay vốn với lãi suất ưu đãi, được dùng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu...
Tiến tới, hiệp hội có thể quản lý chất lượng nông sản, chỉ nông dân trong hội được mua vật tư của hội với giá ưu đãi... Nếu sản xuất rau nhiễm độc, thịt lợn chứa hóa chất..., họ sẽ bị khai trừ khỏi hội và không được làm nghề nông nữa.
Bước thứ ba, người nông dân phải được tổ chức lại trong những ngành hàng. Trong những ngành hàng đó, đại diện của các khâu phải được đặt ngang hàng nhau khi đàm phán, có quyền quyết định ngang nhau, ví dụ lá phiếu của đại diện người nông dân cũng ngang với của nhà xuất khẩu hay người chế biến... Tất cả những người ấy đều phải chịu chịu trách nhiệm với chất lượng, thương hiệu của nông sản.
Nếu làm được như vậy, đại diện của người nông dân sẽ được trực tiếp bàn về chính sách, đầu tư... và có vai trò quyết định lớn hơn. Họ không cần phải lo đòi phần gọn phần gốc, vì hội nông dân sẽ thuê luật sư hay chuyên gia giúp để không ai có thể bắt nạt, lừa người nông dân được.
Trong tương lai xa, tất nhiên chúng ta không thể có 40 triệu nông dân thông minh như số lượng nông dân chúng ta đang có hiện nay mà chỉ còn khoảng 4 triệu người. Vì vậy, quá trình xây dựng lực lượng nông dân thông minh cũng là quá trình chuyển động cơ cấu lao động vĩ đại mà phần lớn lao động nông thôn sẽ đi sang các ngành phi nông nghiệp.
PV:- Ngày 4/7, chỉ đạo tại hội nghị ngành kế hoạch - đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch đầu tư ngân sách 2013-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dành thêm trên 20.000 tỉ đồng (lãi suất 0%) để đưa vào nông nghiệp và chế biến xuất khẩu. Nông nghiệp luôn luôn được quan tâm hàng đầu nhưng kết quả thì, gạo VN xuất khẩu không được giá cao, người Việt luôn nơm nớp với thực phẩm bẩn… Tại sao dù được hỗ trợ nhưng kết quả vẫn như vậy, thưa ông?
TS Đặng Kim Sơn: -Trước đây chúng ta đã dành nhiều khoản đầu tư cho nông nghiệp với lãi suất 0%. Thường thường, Nhà nước giao tiền cho ngân hàng để họ cho các doanh nghiệp vay, mua nông sản tạm trữ thời điểm thu hoạch rộ nhằm làm tăng giá của nông sản vào những thời điểm đó, hi vọng tăng thu nhập cho nông dân.
Chúng ta hỗ trợ nông dân theo cách này nhiều năm nay, có lúc hiệu quả chút ít (giá nông sản có tăng), có lúc không hiệu quả (giá nông sản không tăng dù tiền đã chi ra). Bởi mục tiêu là tăng thu nhập cho người nông dân nhưng tiền thì đi từ túi Chính phủ sang ngân hàng, rồi doanh nghiệp.
Người nông dân chỉ nhận được tác động gián tiếp qua giá. Người chắc chắn hưởng lợi từ chính sách là ngân hàng, doanh nghiệp, còn người nông dân chưa chắc đã hưởng lợi. Giám sát việc thực hiện thì hầu như không thể làm được do rào cản của thông tin từ ngân hàng (không biết bao nhiêu doanh nghiệp được vay tiền), của doanh nghiệp (doanh nghiệp sử dụng khỏan vay đó vào những mục đích gì). Những chính sách gián tiếp khó có thể giám sát như vậy rủi ro về mặt hiệu quả là rất lớn.
Tuy nhiên, nếu giao trực tiếp cho nông dân tạm trữ sẽ gặp hai khó khăn: 1. Phải tổ chức một bộ máy khổng lồ để giao tiền tận tay hàng triệu hộ nông dân. Việc giám sát còn khó hơn cách giao cho doanh nghiệp; 2. Ngân sách Nhà nước có hạn, nếu chia tới từng hộ nông dân thì số tiền được hỗ trợ sẽ chẳng đáng là bao, rất khó thấy tác động.
Vậy phải làm như thế nào? Thái Lan cũng thường đưa ra những chính sách hỗ trợ trực tiếp người nông dân. Nhưng họ cho xây dựng những kho trữ lúa, người nông dân tới gửi lúa miễn phí sẽ nhận được hóa đơn.
Với hóa đơn đó, họ có thể ra ngân hàng vay tiền với lãi suất ưu đãi, số lúa gửi trong kho là vật thế chấp. Nhà nước hỗ trợ giúp nông dân phần sơ chế nông phẩm... Như vậy, người nông dân sẽ trực tiếp được hưởng lợi, hiệu quả của chính sách cao hơn. Quản lý tại kho dễ hơn quản lý tại hộ nông dân.
Tất nhiên hỗ trợ theo cách đó sẽ vất vả vì phải có kho, có máy sấy, có người thu mua của dân. Nhưng hiện nay Việt Nam đã có cánh đồng mẫu lớn, ở nhiều nơi như An Giang, Đồng Tháp doanh nghiệp đã kết hợp với nông dân, hỗ trợ sàng quạt, phơi sấy, phân bón, giống thuốc...
Nhà nước chỉ cần hỗ trợ chính các doanh nghiệp khi nông dân đến gửi lúa hoặc giao cho doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân gửi lúa, sấy lúa.
Đừng chỉ lại ở mức độ ban phát nhân đạo
PV: - Trong lần trao đổi trước, ông có đề cập tới vấn đề “Người đô thị đang có quá nhiều lợi thế. Họ có thể gây hại cho người nông dân mà không gặp trở ngại nào”. Có lẽ không đơn giản chỉ là chuyện dân đô thị đem rác thải về đổ ở nông thôn, xây nghĩa trang ở nông thôn, lấy đất của nông dân để tạo dựng các khu công nghiệp, đô thị vv…mà quan trọng hơn là câu chuyện cơ chế chính sách. Quan điểm của ông như thế nào?
TS Đặng Kim Sơn:- Trong quá trình xây dựng chính sách, tại sao lại có nguy cơ thiên vị người đô thị, từ đó tạo thế bất lợi cho người nông thôn? Có thể, điều này không phải cố ý, càng không phải là mục tiêu của người xây dựng chính sách mà nó là hệ quả của mối tương quan trong xã hội: người đô thị có khả năng tiếp cận với đầy đủ thông tin hơn, có quan hệ với các cơ quan công quyền, các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách nhiều hơn.
Đa số những người làm nhiệm vụ xây dựng và thông qua chính sách sống ở đô thị, quyền lợi gắn chặt với đô thị.
Trong khi đó, người dân nông thôn tuy chiếm số đông, nhưng ngoài những bất lợi kể trên còn có trình độ học vấn không cao, không có cơ hội tiếp cận đến các cơ quan truyền thông để phản ánh ý kiến; cũng như không trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Vì vậy, khi xuất hiện những chính sách có mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai nhóm lợi ích, bao giờ nhóm ở đô thị cũng được lắng nghe, để ý hơn, nếu như không nói là được chăm chút hơn.
Về khía cạnh kinh tế, các hoạt động kinh tế ở đô thị là những hoạt động có năng suất lao động, giá trị gia tăng cao, gắn với thị trường quốc tế và tiến bộ kỹ thuật. Cho nên xét về hiệu quả, rất dễ biện luận về sự cần thiết phải đầu tư ưu tiên cho khu vực đô thị.
Trong khi đó, các hoạt động tương tự ở nông thôn diễn ra trên phạm vi rộng, mật độ thấp, trình độ công nghệ hạn chế nên lợi ích hay tầm ảnh hưởng về kinh tế, môi trường, chính trị, ngoại giao... không thể sánh bằng.
Tất cả những nguyên nhân trên đều là những nguyên nhân khách quan dẫn tới sự không công bằng về chính sách giữa khu vực nông thôn và đô thị.
PV: - Theo ông, cần phải tháo gỡ những điểm nào để người nông dân không bị bất lợi về lợi ích so với người đô thị?
TS Đặng Kim Sơn: - Tất cả những điểm tôi nói ở trên đều là nguyên nhân khách quan. Nếu Nhà nước không tác động, để chúng phát triển tự nhiên thì sẽ xảy ra sự thiên vị người đô thị. Muốn thay đổi điều này đương nhiên không dễ.
Đầu tiên là ở khâu xây dựng chính sách. Phải có luật lệ, quy định rõ ràng rằng, trong quá trình xây dựng chính sách, hễ động tới đối tượng nào thì người đại diện của đối tượng đó phải được tham gia vào quá trình hoạch định, đánh giá và thẩm định chính sách.
Tiếng nói và quyền hạn của những người đại diện này ngang nhau. Tới khâu triển khai chính sách, phải tổ chức đánh giá mức độ tác động xấu hoặc tốt cho đến các đối tượng hưởng lợi hoặc không hưởng lợi nhưng vẫn bị chịu tác động không mong muốn của chính sách, để kịp thời có điều chỉnh.
|
Chính sách nào để người nông thôn đỡ bất lợi so với người đô thị?
|
Nhưng như vậy, những tổ chức của đoàn thể, của cộng đồng thực sự phải hoạt động hiệu quả bảo vệ được quyền lợi của người dân nông thôn. Đồng thời phải có những quy định để giám sát những đơn vị thực hiện chính sách thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra.
Một điểm quan trọng nữa là những chính sách phục vụ nông thôn, hướng về nông thôn phải nhằm phát huy lợi thế của nông thôn, tạo cơ hội phát triển cho nông thôn, chứ không dừng lại ở mức độ ban phát nhân đạo, hoặc tháo gỡ những căng thẳng, sửa chữa những sai lầm. Có như vậy, cách nhìn về nông thôn và mục tiêu xây dựng chính sách mới thật sự đúng đắn.
Bao giờ "giác ngộ"?
PV: - Ông từng nói, trong hoàn cảnh này, đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ sẽ “thắng” lớn. Năm 2012 này, thế giới phát động “kinh tế xanh”, coi đó là lời giải cho bài toán môi trường và phát triển bền vững. Theo ông, nông nghiệp hữu cơ hay rộng hơn là kinh tế xanh nên được coi trọng thế nào trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay?
TS Đặng Kim Sơn: -Theo tôi, kinh tế xanh trước hết dựa trên những ngành tạo ra sản phẩm căn bản: nông lâm ngư thủy sản, hoặc nó dựa trên những ngành khác có liên quan tới sinh vật ví dụ như y học, dược học, thậm chí cả những ngành phát triển năng lượng nguyên liệu tái tạo, điện gió, biogas, điện mặt trời, phế phụ phẩm nông nghiệp... Kinh tế xanh còn là phát triển dịch vụ. Lợi thế của Việt Nam là con người, chính vì thế việc phát triển con người, phát triển dịch vụ cũng không tách rời khỏi kinh tế xanh.
Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang quay trở lại nông nghiệp. Nhưng ít nước nào có lợi thế tuyệt đối về nông nghiệp như Việt Nam. Ở Đông Nam Á, có chăng chỉ Thái Lan so sánh được với Việt Nam về điều nay và Thái Lan đã bắt đầu nhận thấy lợi thế của họ.
Chuyên gia Micheal Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh cũng nhận định, lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp. Chúng ta phải biến nông nghiệp trở thành nội dung căn bản của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo tôi, về lâu dài, định hướng chính cho phát triển nông nghiệp Việt Nam là giá trị gia tăng cao, phát triển vững bền, chất lượng tốt. Ngoài ra, nếu chúng ta chuyển sang sản xuất những mặt hàng thu nhập cao, người dân dùng nhiều như lâm sản, thủy sản, lợn tỷ lệ nạc cao, thức ăn có chất dinh dưỡng tốt, giảm cholesterol, chắc chắn chúng ta sẽ bán được hàng với giá cao, đồng thời tiết kiệm được tài nguyên. Đấy là hướng ra cho nền nông nghiệp Việt Nam tương lai.
Đi xa hơn nữa, nếu chúng ta có thể xây dựng hệ thống công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị của cho nông sản, chúng ta còn có cơ hội phát triển định hướng công nghiệp theo kiểu mới, dựa trên chính lợi thế của đất nước chúng ta. Như vậy, nông nghiệp không chỉ mở đường cho chính mình, cho người dân nông thôn mà còn mở đường cho công nghiệp hóa đất nước nữa.
Để làm được điều đó, cần một quá trình rất khó khăn, thực chất là thay đổi tư duy. Thực chất, trong mấy chục năm từ khi xây dựng CNXH tới giờ, chúng ta ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Sau đó, cũng có những lúc chúng ta đề cao nông nghiệp nhưng theo đúng như câu ngạn ngữ: "Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sĩ". Bây giờ chúng ta không thể làm theo cách như vậy.
PV: - Những điều kiện như vậy có còn với Việt Nam, được đánh giá là đã cơ bản khai thác xong tài nguyên?
TS Đặng Kim Sơn: - Những nước bị đẩy tới chân tường thì họ sẽ có ý thức giác ngộ nhất. Còn những nước giàu có về khoáng sản nhất là những nước lãng phí nhất. Các nước Ả rập ngồi trên những mỏ dầu lửa nhưng sử dụng tài nguyên cực kỳ lãng phí. Israel, Nhật Bản hầu như không có tài nguyên nào nhưng sự phát triển của nó khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ.
Việt Nam có 4 mùa, đất nước trải dài dọc bờ biển, hơn 70% diện tích là đồi núi..., đó là tiềm năng phát triển kinh tế xanh. Vấn đề là cần có một lý thuyết phát triển thực sự, cẩn trọng với việc khai thác tài nguyên, cẩn trọng với những thứ tác động mạnh lại với những yếu tố liên quan tới sinh giới như lấy đất ruộng làm khu công nghiệp, thủy điện...
Hoàng Hạnh (thực hiện)