Bài học từ việc công bố thông tin DNNN

24/09/2016

Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến góp ý nội dung dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước. Đây là điều đáng mừng vì từ trước đến nay ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương, thường ít được công khai minh bạch.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều luật lệ và quy định khác ở Việt Nam, điều đáng quan tâm nhất không phải là thiếu luật mà là khả năng thực thi những điều luật đã được ban hành đến đâu.

Nhìn lại sự vi phạm Nghị định 81

Cách đây đúng một năm, ngày 18-9-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nghị định này cũng quy định rất rõ ràng và chi tiết trách nhiệm của các đối tượng gồm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, DNNN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công bố thông tin của DNNN, và một số doanh nghiệp cụ thể khác, trong việc công bố các thông tin về hầu hết các mặt liên quan đến doanh nghiệp, từ chiến lược và kế hoạch phát triển đến tình hình sản xuất kinh doanh và quản trị...

Nghị định 81 cũng quy định trách nhiệm về tổ chức thực hiện công bố thông tin của các DNNN và của cả các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định tại nghị định này; không thực hiện việc đăng tải công khai, kịp thời trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan về các thông tin công bố định kỳ và bất thường của doanh nghiệp do mình quản lý.

Trên thực tế, Nghị định 81 đã hầu như bị phớt lờ và lãng quên.

Bằng chứng là, Bộ KH&ĐT vừa tiếp tục gửi yêu cầu tới các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đốc thúc việc thực hiện công bố thông tin của DNNN. Đây đã là lần thứ hai trong năm 2016 Bộ KH&ĐT thực hiện việc đốc thúc này. Trước đó, vào cuối tháng 2-2016, Bộ KH&ĐT đã nhắc nhở các đơn vị trên về việc phải hoàn thành công bố thông tin DNNN và gửi về bộ trước ngày 15-3-2016. Nhưng, theo Bộ KH&ĐT, tính tới hết tháng 7-2016, mới có 7/22 bộ ngành, 14/63 địa phương và 16/30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện công bố thông tin của DNNN theo yêu cầu.

Khi vi phạm các quy định trong Nghị định 81 thì người quản lý DNNN sẽ bị cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hạ bậc lương, buộc thôi việc, hoặc kiến nghị xử lý hình sự. Thế nhưng, đến nay, chưa có người quản lý tại một DNNN nào bị xử lý theo Nghị định 81 này. Nguyên nhân một phần nằm ở phía các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Họ đã cố tình phớt lờ nghị định này, không nhắc nhở và xử phạt các DNNN thuộc quản lý của mình.

Cũng có phần trách nhiệm của bản thân Bộ KH&ĐT cũng như Chính phủ. Với Bộ KH&ĐT, trước tình hình vi phạm tràn lan như vậy thì, với tư cách là đầu mối theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, họ phải kiến nghị Chính phủ xử lý những cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, bao gồm các bộ trong Chính phủ và UBND các địa phương đã vi phạm Nghị định 81, chứ không phải là nhắc nhở rồi... nhắc nhở lại! Về phía Chính phủ, không thể nói rằng Chính phủ không hay biết gì về tình trạng không tuân thủ pháp luật của ngay các cơ quan quản lý ở trung ương như vậy. Vậy mà đã không một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước nào bị Chính phủ xử lý kỷ luật vì đã không tuân thủ Nghị định 81 do chính mình ban hành!

Nói cách khác, sự vi phạm Nghị định 81 phản ánh rõ sự yếu kém mang tính hệ thống trong việc thực thi pháp luật ở Việt Nam.

Dự thảo nghị định mới quy trách nhiệm còn sơ sài hơn

Trở lại với dự thảo nghị định đề cập ở phần đầu bài. Nội dung các điều khoản tương đối rõ ràng và chi tiết ở một số điều khoản. Nhưng điều đáng lưu tâm nhất là các điều khoản về trách nhiệm thi hành và xử lý vi phạm trong dự thảo nghị định này thậm chí còn sơ sài và thiếu hụt hơn cả Nghị định 81.

Các đối tượng thi hành dự thảo này được quy định là “có trách nhiệm” trong việc xyz, nhưng là với ai, như thế nào, và bị xử lý ra sao khi cái “trách nhiệm” của họ không phải là cái “trách nhiệm” mà dự thảo nghị định này mong muốn... thì lại không được đề cập. Chưa kể, dự thảo nghị định này đã không đề cập đến vai trò và trách nhiệm của Chính phủ, người cuối cùng chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm ở các bộ và cơ quan chức năng trực thuộc, trong khi Nghị định 81 ít nhiều thì cũng đã có đề cập đến.

Dự thảo nghị định trên cần đưa thêm các điều khoản quy định rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm của người đứng đầu những cơ quan và tổ chức liên đới ở mọi cấp thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo, kể cả Chính phủ, thì mới mong phần nào tránh được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, tức, nói nôm na, quy định là một chuyện nhưng thực thi lại là một chuyện khác, ở Việt Nam.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Tin khác