Tái cơ cấu nông nghiệp: Thị trường phải là động lực sản xuất

17/09/2016

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, các địa phương phải tập trung sản xuất những mặt hàng đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời thu hút mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị.

Hệ thống trồng rau theo công nghệ hiện đại Israel của Công ty VinEco-Tập đoàn Vingroup.

Khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp

Một trong những kết quả quan trọng của quá trình tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp là đã đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang tích cực hợp tác với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia (Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, METRO Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International…) triển khai các mô hình đối tác công tư từ sản xuất đến tiêu thụ đối với rau, hoa quả; cà phê, chè, thuỷ sản và nhóm hàng hoá khác; đồng thời xây dựng nghị định về thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp ngại ngần. Vì vậy, từ thực tế phát triển của ngành, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, kiến nghị: “Tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, đây là khâu quan trọng nhất trong tái cơ cấu. Đối với ngành chăn nuôi, chỉ cần có 10 doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư là ngành yên tâm phát triển tốt”.

Để thực hiện hiệu quả TCC nông nghiệp trong giai đoạn mới, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng, cần phải lựa chọn các giải pháp trọng tâm để đầu tư nhân lực và tập trung vốn thực hiện tốt. Theo đó, cần tập trung vào làm quy hoạch, cần làm quyết liệt từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng đến quy hoạch sản phẩm cây - con chủ lực, hiện nay một số địa phương đang có sự xung đột về quy hoạch. Trong quy hoạch, cần tính toán lại xem có nên giữ 3,8 triệu hecta đất lúa. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển các bộ giống chất lượng, vấn đề này rất quan trọng, phải cải tiến toàn bộ các bộ giống, cần có công nghệ khoa học để tạo ra giống tốt, cần đầu tư khoa học công nghệ nhiều hơn nữa.

Ông Môn đề nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch để tránh xảy ra tình trạng quy hoạch chồng chéo, chồng lấn, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch ở các địa phương. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo tiêu thụ nông sản, kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, có Ban chỉ đạo thì sẽ làm thành công, bởi khi đó chúng ta sẽ giám sát tốt hơn, chặt chẽ hơn, ai làm không tốt sẽ bị xử lý ngay lập tức.

Ở khía cạnh khác, TS.Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng: Hiện nay, ngành nông nghiệp đã có nhiều mặt hàng chủ lực, phát triển tốt, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh phát triển các mặt hàng chủ lực. Để làm được điều đó, cần có  chính sách thu hút, liên kết các doanh nghiệp có thực lực cùng đầu tư phát triển nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Hình thành các vùng sản xuất tập trung ở địa phương, tạo thành sức mạnh ở địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Đã đến lúc chúng ta cần có bước đột phá về đất đai, để tích tụ đất đai, để doanh nghiệp có đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu của thị trường, có như thế mới thu hút được doanh nghiệp, tạo vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, phát triển khoa học công nghệ cần có bước đột phá, cần làm sao để sự phát triển đó đi vào cuộc sống, áp dụng được thực tế để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Để người nông dân cùng tham gia tốt hơn trong quá trình TCC, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Văn Thắng: “Chúng ta cần tạo ra nền tảng vật tư nông nghiệp tốt, mang đến những thông tin tốt cho nông dân như các loại giống cây - con chất lượng, thông tin thị trường, khoa học công nghệ tốt, các mô hình làm ăn hiệu quả để phổ biến nhân rộng, để nông dân cùng học tập và áp dụng. Chúng ta không thể cứ mãi cầm tay chỉ việc, như thế cơ quan quản lý không đủ sức, mà nông dân lại luôn ở thế bị động”.

Cần hình thành 3 trục phát triển

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, về tổng thể, sức cạnh tranh nông sản của chúng ta chưa cao, chuỗi giá trị còn ngắn, các mặt hàng chủ lực xuất khẩu thị trường bấp bênh, như gạo, thủy sản. An toàn thực phẩm vẫn là vấn đề rất nan giải, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp còn thấp.

Để đẩy mạnh thực hiện TCC nông nghiệp trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần hình thành 3 trục phát triển.Thứ nhất, cấp quốc gia lựa chọn 10 sản phẩm có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường quốc tế;  thứ 2, sản phẩm cấp tỉnh có tính đặc thù địa phương, cần tính toán đến thị trường nội và xuất khẩu; thứ 3, sản phẩm quy mô cấp địa phương, mặc dù địa phương nhưng công nghệ tiên tiến, thị trường tại chỗ và thị trường xuất khẩu, làm theo hướng mỗi làng một sản phẩm. Phải coi thị trường là động lực sản xuất. Trong tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột, kể cả 3 trục sản phẩm. Trục sản phẩm quốc gia, sẽ tập trung các chính sách ưu tiên doanh nghiệp lớn; trục sản phẩm tỉnh, tập trung các doanh nghiệp vừa. Bên cạnh đó, cần thiết kế khung chính sách để đáp ứng yêu cầu 3 trục phát triển, từ quy hoạch, ưu đãi, chính sách làm sao thúc đẩy doanh nghiệp trở thành đối tượng chủ lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thống nhất với phương án của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chọn 10 sản phẩm quốc gia, 10 sản phẩm cấp tỉnh mang lợi thế và sản phẩm địa phương theo hướng mỗi làng một sản phẩm tiêu biểu. Từ đó, tạo chuỗi xuất khẩu và thị trường trong nước một cách bài bản, trong đó lấy doanh nghiệp là trụ cột. Quá trình TCC nông nghiệp trong thời gian tới phải gắn với phát triển thị trường.

Với quyết tâm tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện TCC ngành nông nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến, quyết tâm cao để đưa nền nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng: Ngành trồng trọt, chăn nuôi chuyển hẳn từ cách tiếp cận nặng về đạt mục tiêu số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Ngành lâm nghiệp chuyển mạnh từ nặng về đạt độ che phủ rừng ngày càng cao sang nâng cao chất lượng rừng, nhất là nâng cao giá trị kinh tế của rừng. Phát triển rừng không chỉ nhằm cải thiện môi trường mà phải đem lại thu nhập cao hơn cho những người làm nghề rừng, đóng góp cao hơn trực tiếp vào sự phát triển nền kinh tế quốc dân. Ngành thủy sản tập trung cao hơn cho việc nuôi trồng các loại thủy sản là lợi thế và nâng cao hiệu quả khai thác, chú trọng hơn tới nâng cao hiệu quả và tính bền vững thay vì nỗ lực đạt sản lượng ngày càng cao. Công nghiệp bảo quản, chế biến phải được chú trọng phát triển, nhất là chế biến sâu, để đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho các loại nông - lâm - thủy sản và muối, kể cả chế biến phế phụ phẩm.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ quyết liệt TCC nông nghiệp, trong đó lưu ý điều chỉnh, xây dựng các chính sách có tính đặc thù của các vùng, miền; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ huy động, phân bổ các nguồn lực để thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020. Đổi mới chính sách theo hướng chủ yếu là rà soát tháo gỡ các vướng mắc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cho nông dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, thương mại.

Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp.

Xác định khoa học công nghệ phải là khâu then chốt để tạo đột phá trong TCC; tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết của ngành, kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; ưu tiên nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh.

Xây dựng chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin về các cam kết thương mại hàng nông, lâm, thủy sản song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp và người dân biết, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát triển thị trường và bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm; xúc tiến thương mại; tháo gỡ các rào cản nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông - lâm - thủy sản.

“Chúng ta không thể cứ mãi cầm tay chỉ việc, như thế cơ quan quản lý không đủ sức, mà nông dân lại luôn ở thế bị động”. -  Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trường Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác