Doanh nghiệp dần “thích” đầu tư nông nghiệp, nhưng khó khăn ngổn ngang

14/09/2016

Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang tăng dần và hiệu quả đầu tư cũng ngày càng rõ nét, lợi ích lan tỏa…

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần đặc biệt chú ý tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp để có thể tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp "rót" vốn vào nông nghiệp Việt 

Đầu tư vào nông nghiệp đang tăng dần…

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2014, chỉ có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số được điều tra (420.251 doanh nghiệp hoạt động). Cơ cấu của các DN nông lâm thuỷ (NLTS) sản chủ yếu là DN vừa và nhỏ (DNVVN), chiếm 96,53% tổng số DN; có khoảng 50% DN ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động). DN hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (1.831 DN, chiếm 47,63%), tiếp đến là thủy sản (1.362 DN, chiếm 35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (651 DN, chiếm 16,94%).

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thời gian qua, cơ chế chính sách và khung pháp lý thu hút đầu tư vào nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Nhờ đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 28.859 tỷ đồng năm 2009 lên 30.419 tỷ đồng năm 2014 (tăng 1,42 lần), là nguồn lực quan trọng cho phát triển ngành. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng tăng từ 2.397 năm 2007 lên 3.640 doanh nghiệp năm 2015, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn (khoảng 85%).

Thực tế, tín hiệu đáng mừng là đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tầu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như: Vinamilk, Công ty cổ phần đường Lam Sơn, TH Truemilk, Tập đoàn Việt - Úc... Hiện nay, đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Himlam, Viettel, FLC...

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc, lũy kế các dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực đến ngày tháng 6/2016 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có 536 dự án, tổng số vốn đăng ký 3.774,9 triệu USD; trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 53,1 triệu USD với 8 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn, tăng 86,5% về vốn đầu tư và 62,5% về số dự án so với cùng kỳ năm 2015.

Cùng với đó, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao, bình quân đạt 20%/năm, so với tốc độ tăng tín dụng chung cho nền kinh tế là 18,5%. Tổng dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 8/2016 đạt khoảng 900.000 tỷ đồng. Một số chương trình tín dụng đặc biệt cho tái canh cà phê, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; liên kết sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao và xuất khẩu… đã được triển khai.

“Đây là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường”- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng.

Vốn đầu tư thấp, phân bổ không đều

Mặc dù có những tín hiệu khả quan trên, nhưng thực tế thu hút đầu tư vào nông nghiệp nước ta vẫn có những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành.

Cụ thể, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước (năm 2014). Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định; số lượng doanh nghiệp nông lâm thủy sản còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư ngoài ngân sách được đánh giá là phân bổ không đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền. Trong lĩnh vực trồng trọt, tư nhân có xu hướng tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, hoặc kinh doanh thương mại mà chưa quan tâm đầu tư liên kết theo chuỗi, hoặc đầu tư công nghệ cao, công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng. Việc khai thác, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, còn nhiều dự án chiếm diện tích đất khá lớn (trồng rừng, chăn nuôi, cây ăn quả...), nhưng hiệu quả thực tế trên 1 ha sử dụng đất thấp.

Vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ, các vùng khó khăn hơn như Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.

Đối tác đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn chưa đa dạng, chủ yếu đến từ châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...) các nhà đầu tư của các quốc gia lớn có thế mạnh về nông nghiệp như Hoa Kỳ, Canada, Australia và các nước Châu Âu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều./.

Tại Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới" vừa được tổ chức hôm 8/9, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên, theo ông Bình, là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết. Đặc biệt, dù nước ta có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp nông nghiệp phát triển còn rất chậm.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay mặc dù chủ trương chính sách chung tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phát triển đã có nhưng còn nhiều bất cập. Những ưu đãi của chính phủ chưa đủ sức hấp dẫn nên hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn hạn chế. Hơn nữa, kinh doanh nông nghiệp vốn là ngành nghề khó kiếm lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn dài, đối mặt với nhiều rủi ro. Bởi vậy, để thực sự tạo được sức hút đủ mạnh kéo các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần tạo những bước đột phá trong thủ tục tiếp cận vốn, tín dụng cũng như các chính sách ưu đãi khác.

Theo VOV


Tin khác