Tại Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 8-9-2016, TSKH Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo có nhiều nội dung sâu sắc về vấn đề này. Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu cùng bạn đọc (các tiêu đề phụ trong bài do tòa soạn đặt).
Nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp
Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó có phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 10-6-1993 về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội nông thôn”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 5-8-2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 31-10-2012 về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15-5-2014 về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Chính phủ đã thể chế hóa thành các chính sách cụ thể cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với nông thôn mới. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, có thể kể đến một số chính sách điển hình như: Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 ban hành tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước. Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn đạt thứ hạng cao trên thế giới như: Gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến…
Doanh nghiệp nông nghiệp: Tỷ lệ nhỏ, phát triển chậm
Tuy vậy, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%). Năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, hiện đang đối mặt với những vấn đề kinh tế nan giải, đó là: Giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không bảo đảm và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% các doanh nghiệp được điều tra (chỉ có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp so với tổng số 420.251 doanh nghiệp hoạt động được điều tra). Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số doanh nghiệp nông lâm thủy sản đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm. Đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ cấu của các doanh nghiệp nông lâm thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96,53% tổng số doanh nghiệp; có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 47,63%), tiếp đến là thủy sản (chiếm 35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (chiếm 16,94%). Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp ở mức khiêm tốn 30.419 tỷ đồng năm 2014 (tăng 1,42 lần so với năm 2009). Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.
Để nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Người xưa đã có câu “phi nông bất ổn”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X ngày 5-8-2008 đã nêu rõ quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”.
Trong hơn 30 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, có thể khẳng định, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có phát triển doanh nghiệp nông nghiệp đều rất đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, xác định rõ chủ trương “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị… Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty và các nông, lâm trường quốc doanh”.
Vì vậy, để tiếp tục đưa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp đi vào cuộc sống cũng như để triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cần đánh giá đúng thực trạng phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; làm rõ các nguyên nhân, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất hệ thống giải pháp phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp then chốt như: Xác định đúng vai trò của Nhà nước trong đầu tư vào nông nghiệp; các chính sách tạo thuận lợi cho sử dụng nguồn nước và đất có hiệu quả; cải cách dịch vụ công trong nông nghiệp; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đào tạo nghề cho nông dân; chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một trong những ngành được đánh giá có nhiều cơ hội trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là ngành nông nghiệp. Việt Nam có đầy đủ các điều kiện để phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong thị trường nông sản của thế giới. Mục tiêu đặt ra hiện nay khác với trước đây, vì cần sản xuất lớn nên không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã, kinh tế tập thể và doanh nghiệp. Do đó, phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người nông dân. Chúng ta đã có nhiều mô hình thành công, do đó cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải bảo đảm chủ trương, chính sách để bảo đảm tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Về kinh tế tập thể, chúng ta đã có Luật Hợp tác xã mới là một bước tiến hết sức quan trọng. Muốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp thì cần làm ngay hai việc: Tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp. Nếu có cơ chế hợp lý thì doanh nghiệp sẽ đầu tư vào nông nghiệp ngay, từ đó mới có công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi, thương hiệu và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao được sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà.
Cần bỏ ngay tư duy xin cho vì không bền vững, không hiệu quả. Mặt khác các doanh nghiệp đôi khi vẫn ỷ lại, trong kinh tế thị trường cần tránh điều này, doanh nghiệp cần cạnh tranh sòng phẳng, Nhà nước sẽ có các cơ chế hỗ trợ, như: Giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp; cấp bù lãi suất vay ngân hàng, làm cả hai cấp độ Trung ương và địa phương, hỗ trợ lãi suất rất nhỏ nhưng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Có thể tham khảo kinh nghiệm từ I-xra-en, tuy điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng họ vẫn phát triển mạnh về nông nghiệp. Tiềm năng của nước ta tốt, nếu có cách làm hợp lý thì sẽ không kém gì nước bạn.
Đất nước ta tiềm năng phát triển nông nghiệp còn rất to lớn, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có đầy đủ để nông nghiệp phát triển, nhưng khâu trung gian, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết thành các cơ chế, chính sách vào cuộc sống để phát huy tác dụng còn yếu, muốn nông nghiệp phát triển thì phải tập trung giải quyết khâu này trong thời gian tới.
TSKH NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Kinh tế Trung ương