Chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Trung Quốc
Trình bày tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập ASEAN” vừa được tổ chức tại Hà Nội, chuyên gia Zhong Yu của Viện Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã chia sẻ các chính sách và biện pháp hỗ trợ nông nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
|
Trung Quốc tích cực hỗ trợ ngành nông nghiệp |
Chuyên gia Zhong Yu cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, lợi ích của nông dân và làm giàu cho nông dân như xóa bỏ thuế nông nghiệp và “4 trợ cấp”. Bằng cách này, một hệ thống để hỗ trợ và bảo vệ nông nghiệp về cơ bản được thiết lập, vì thế tổ hợp các mô hình về sản xuất nông nghiệp, các thiết bị kỹ thuật và phương thức quản lý tổ chức công nghiệp cũng thay đổi rất nhiều. Nông nghiệp truyền thống dần được hiện đại hóa với các quan hệ rộng mở và kết hợp giữa công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cũng như đô thị hóa.
Nhờ các biện pháp và chính sách hỗ trợ nông nghiệp, ngành ngũ cốc của Trung Quốc đã chứng kiến tăng trưởng liên tục trong 12 năm qua, điều này chưa từng xảy ra trước đó. Chuyên gia Zhong Yu cho hay, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ phát triển đồng bộ giữa công nghiệp hóa, tin học hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp.
Theo đó, những ngành công nghệ và thiết bị mới coi công nghiệp hóa là lĩnh vực hoạt động chính sẽ được sử dụng để phát triển nông nghiệp hơn nữa, mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp sẽ chặt chẽ hơn. Quá trình đô thị hóa sẽ thúc đẩy và chuyển đổi phát triển nông nghiệp, trong khi dịch vụ tin học sẽ trở thành kênh chính để quảng bá nông sản.
Để tăng cường hiệu quả của các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, vào năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu thực thi chính sách “3 trợ cấp”, trong đó có hỗ trợ thực phẩm, hỗ trợ nông nghiệp toàn diện và hỗ trợ giống. Kết hợp các yếu tố này lại thành chính sách nhất quán: hỗ trợ và bảo trợ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, mục tiêu của chính sách cũng được điều chỉnh nhằm bảo vệ năng suất đất và quy mô canh tác. Các giải pháp chính trong quá trình điều chỉnh bao gồm: 80% quỹ hỗ trợ dành cho trợ cấp nông nghiệp toàn diện, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng ngũ cốc, và hỗ trợ mua giống mới để tăng năng suất trên diện tích canh tác.
Nông dân ký hợp đồng để sở hữu đất canh tác và được hưởng trợ cấp. Nông dân cũng không được phép bỏ đất hoang hay giảm năng suất trên diện tích canh tác. 20% quỹ dùng để hỗ trợ nông dân có diện tích canh tác lớn, đặc biệt là những hộ dân trồng ngũ cốc với quy mô canh tác lớn, họ có hệ thống tín dụng để đảm bảo.
Chính sách trợ cấp này rất có lợi đối với những hộ dân canh tác quy mô lớn, chẳng hạn như theo mô hình hợp tác xã hay sản xuất tập thể. Đến năm 2016, các chính sách hỗ trợ và trợ cấp trong ngành nông nghiệp được thực hiện trên khắp đất nước Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn áp dụng chính sách hỗ trợ mua máy móc nông nghiệp. Chính sách này được khởi xướng vào năm 1998, chủ yếu để khuyến khích và hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp tiên tiến. Đến năm 2016, chính sách hỗ trợ này được thực hiện tại tất cả các tỉnh phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp đều được hưởng lợi từ chính sách này.
Thêm vào đó, theo chuyên gia Zhong Yu, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách ưu đãi đối với các địa phương sản xuất dầu từ ngũ cốc và các địa phương nuôi lợn hàng đầu bên cạnh việc trợ cấp để phi luân chuyển đất nông nghiệp, hỗ trợ cho việc không tăng trưởng trong phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đồng thời hỗ trợ cho quy mô tiêu chuẩn chăn nuôi gia súc, cũng như phương thức canh tác mới của nông dân chuyên nghiệp…
Mô hình nông nghiệp xanh của Nhật Bản
Nhật Bản đã và đang tăng cường phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường bằng cách áp dụng cây trồng che phủ với các tác động qua lại.
GS.TS. Yoshiharu Fujii của Trường Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) đã nghiên cứu về các tác động qua lại trong suốt hơn 3 thập kỷ và phát hiện ra rằng phương pháp cây trồng che phủ với hoạt động cảm nhiễm qua lại là thích hợp nhất cho nông nghiệp xanh và thân thiện với môi trường.
|
Nhật Bản tăng cường phát triển các loại cây có tác dụng che phủ và làm phân bón hữu cơ trong nông nghiệp (Trong ảnh là cây đậu mèo Nhật) |
Cảm nhiễm qua lại là năng lượng tự nhiên của cây trồng để tự bảo vệ bằng các chất hữu cơ tự nhiên. Một vài giống cây đặc thù ở châu Á, đã được nông dân biết đến là những giống cây che phủ và được sử dụng trong trồng xen vụ, hàng rào, hay nông lâm nghiệp, đã được chứng minh là những giống cây cảm biến qua lại rất quan trọng.
Theo GS. Yoshiharu Fujii, những loài cây che phủ cảm nhiễm qua lại này, hầu hết là những loài cây thuộc họ đậu, rất hữu dụng bởi chúng cung cấp nguồn thức ăn giàu protein, và dễ trồng mà không cần đến phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng và thuốc diệt nấm. Do vậy, những loài cây che phủ cảm nhiễm qua lại này sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu lương thực ở nông thôn và giúp bảo vệ môi trường.
Để hình thànhmột nền nông nghiệp ổn định với hướng phát triển phù hợp với việc bảo vệ môi trường, việc kết hợp, ứng dụng những loài cây che phủ cảm ứng qua lại trong nông nghiệp truyền thống có thể là công cụ quan trọng nhất trong việc kiểm soát cỏ và trồng cây và rau theo hướng có lợi cho sức khỏe.
GS. Yoshiharu Fujii cũng đề cập đến một trong những vấn đề nghiêm trọng trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Nhật Bản là việc ngày càng có nhiều đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Trong 5 năm qua, tỉ lệ đất bỏ hoang tăng khoảng 7% ở khu vực trung tâm của Nhật Bản - quận Nagano. Khi bị bỏ hoang, vùng đất nông nghiệp bị cỏ dại bao phủ và trong 5-10 năm, vùng đất nếu để trồng lúa gạo sẽ trở thành đầm lầy, và nếu là vùng đất cao sẽ trở thành rừng hoang. Để có thể khôi phục được những vùng đất trồng lúa, ước tính sẽ phải tốn đến 6.000USD/ha.
Những lý do chủ yếu cho tình trạng này là do nông dân thì ngày càng già đi trong khi lớp trẻ kế cận việc làm nông ở nông thôn ngày càng thiếu, và sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập thấp.
Chính vì thế, Nhật Bản đã phát động chiến dịch nổi tiếng mang tên “Một ngôi làng, Một sản phẩm nông nghiệp chính”, và chiến dịch này hiện nay đã lan rộng khắp Nhật Bản. Hơn 300 sản phẩm nông nghiệp đã được phát triển ở Ohita, tạo doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm.
|
GS.TS Bùi Chí Bửu
|
Hướng đi nào cho nông nghiệp Việt Nam?
Nhiều khái niệm mới được đưa ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để theo kịp các xu hướng mới trong nông nghiệp trên thế giới, trong đó có nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp trường tồn...
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, dù phát triển theo hướng nào, cũng phải đề cao vai trò của các tiến bộ khoa học trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Trong chiến lược phát triển KHCN nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2011 – 2020, Bộ NN và PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2015: thành tựu KHCN đóng góp 40% tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp và 50% đến năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 30% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% vào năm 2020.
GS. Bùi Chí Bửu nhấn mạnh: Chưa bao giờ nội dung “cơ giới hóa” trở nên bức xúc như vậy trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản hiện nay, để triển khai chuyển đổi cơ cấu có lợi nhất cho nông nghiệp. Việt Nam có quá nhiều nhà máy ô tô và rất thiếu nhà máy sản xuất máy cày.
An ninh lương thực đặt ra bài toán khó cho phát triển nông nghiệp, với việc độc canh cây lúa như một nhiệm vụ. Dân số Việt Nam tăng 1,1% năm. Diện tích đất lúa chuyển đổi mục đích sử dụng 60.000 ha năm (tương đương giảm 1,5%); cho dù, chính sách của Việt Nam phải giữ 3,8 triệu ha đất lúa trong nhiều năm tới./.
Theo Kinh tế nông thôn