Đối thoại thắng thắn cùng bộ trưởng

26/12/2016

Tại Hà Nội, ngành NN-PTNT tổ chức tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự, chỉ đạo hội nghị.

15-36-41_bo-truong-nguyen-xun-cuong-bieu-duong-ton-ngnh-v-su-chung-suc-cu-ton-dn-donh-nghiep
Bộ trưởng biểu dương sự nỗ lực toàn ngành và sự chung sức của nhân dân, doanh nghiệp góp phần làm nên thắng lợi của ngành
 

Trước đó, hôm 23/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hội nghị tổng kết công tác điều hành năm 2016 của Bộ NN-PTNT đã được các đại biểu phân tích, đánh giá toàn diện các mặt công tác.

Đề xuất đến đâu, quyết ngay đó

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, năm 2016, toàn ngành đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thời tiết phức tạp, băng giá, rét hại, mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng; sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến SX và đời sống của nhân dân. Sáu tháng đầu năm, toàn ngành tăng trưởng âm 0,18%.

Tuy nhiên, đến tháng 9, toàn ngành đã tăng trưởng dương trở lại 0,5% và dự kiến cả năm tăng trưởng đạt 1,2%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so năm 2015, trong đó có nhiều mặt hàng tăng trưởng khá, như xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua lúa gạo.

Chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các đại biểu không đi sâu phân tích những thành tích mà báo cáo đã đề cập. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị mạnh dạn kiến nghị lãnh đạo Bộ những vấn đề còn bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; những vướng mắc trong thực thi chính sách… để giúp lãnh đạo Bộ nắm được tình hình, sớm đưa ra các quyết sách cho điều hành.

Được Bộ trưởng cởi lòng, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thẳng thắn nêu lên nhiều tồn tại, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ. Ông Vân cho rằng, Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp là một chính sách rất hay nhưng không hiểu sao nhiều tỉnh không triển khai được?

Từ thực tế trên, ông Vân cho rằng, cần sớm có một Nghị định về HTX để cho chăn nuôi có hiệu quả. Hiện quy hoạch, hỗ trợ cho trang trại đang còn thiếu quá nhiều hành lang pháp lý. Đề xuất này được ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác sau đó phát biểu rất tán thành. Ông Trung cho rằng, thực tế, việc thành lập, quản lý và thúc đẩy HTX phát triển còn lúng túng. “Nếu không có một chính sách đủ mạnh thì việc đạt mục tiêu 15 ngàn HTX có hiệu quả đến năm 2020 như Nghị quyết Quốc hội là rất khó”.

15-36-41_cuc-truong-cuc-chn-nuoi-hong-thnh-vn-kien-nghi-bo-thong-tu-20

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân đề nghị bỏ Thông tư 20 và kiến nghị Bộ ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả hơn
 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu hai Cục nghiên cứu kỹ vướng mắc này đề xuất giải pháp để lãnh đạo Bộ quyết sớm, trên tinh thần tạo mọi điều kiện tốt nhất việc liên kết chuỗi SXKD của HTX.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Vân, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý, liên quan đến báo cáo, hội họp chưa được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ. Ông Vân đề nghị Bộ áp dụng để hạn chế việc chạy đi chạy lại của cán bộ, công chức mất thì giờ.

“Hệ thống chính phải thông thoáng thì hệ thống sau mới chạy kịp và nhanh được”, ông Vân dí dỏm.

Nêu lên thực tế rào cản hiện nay, ông Vân kiến nghị bãi bỏ Thông tư 20 của Bộ vì thực tế có ngày Cục nhận được hàng chục kiến nghị của doanh nghiệp. Việc phối hợp để giải quyết kiến nghị của DN cần phải chặt chẽ, tập trung hơn để nhanh chóng giúp cho DN. Sản xuất không thể ngưng nghỉ, nghỉ một ngày là DN mất hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Do đó sự phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị để trả lời khúc mắc cho DN là cần nhanh chóng, kịp thời.

Ngay lập tức, Bộ trưởng hỏi Vụ Pháp chế có bỏ được Thông tư 20 như kiến nghị của Cục Chăn nuôi không? Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trả lời có thể bỏ được. Phát biểu kết luận hội nghị sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhất trí bãi bỏ Thông tư 20.

Cục Chăn nuôi kiến nghị cần chỉ đạo một đầu mối kết nối thông tin cho báo chí được nhanh chóng kịp thời nhằm đáp ứng thông tin trong xã hội; nếu không làm tốt cái này thì sẽ rối loạn thông tin hoặc nhiều cái tốt, cái làm được không được tuyên truyền mà lại đọc được những thông tin tiêu cực, hạn chế khác. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhất trí sẽ xốc lại vấn đề này để làm tốt hơn công tác truyền thông.

Về đề nghị của Cục Chăn nuôi cho phép xây dựng nguồn giống vật nuôi quốc gia vì sau thiên tai đã có ngay gạo, giống cây, các loại hóa chất dự phòng cung ứng cho nhân dân trong khi giống vật nuôi dự trữ lại không có; do đó kiến nghị Bộ có ý kiến để Chính phủ quyết định sớm. Bộ trưởng thống nhất đề nghị này.

"Đất lúa giảm được chỗ nào thì rút dần"

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, từ con tôm, cho thấy việc linh hoạt trong chỉ đạo và bám sát địa bàn của lãnh đạo Bộ và các ngành đã giúp giảm thiểu thiệt hại. 6 tháng đầu năm sản lượng tôm mới đạt 28% kế hoạch nhưng đến nay tôm nước lợ đạt 650 ngàn tấn, diện tích thu hoạch đạt trên 700.000ha. Tôm xuất khẩu ước đạt 3,2 tỷ USD. Đây là một bước đột phá ngoạn mục. Ngoài ra cá tra xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 10% so với 2015.

Năm 2017, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản từ 2,5 - 2,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu đạt 31,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%; tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí NTM là 28 - 30%.

Ngắt lời, Bộ trưởng lưu ý ngành thủy sản chuẩn bị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 67, làm rõ việc hơn 200 ngư dân vi phạm liên quan đến tổng cân đối đánh bắt xa bờ. Về con tôm thì chuẩn bị tốt đề án quy hoạch vùng nuôi, chú ý thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản; coi trọng phối kết hợp đền bù, khắc phục sự cố môi trường; tổng kết cá ngừ đại dương để nhân rộng ở Phú Yên, Bình Định.

Kiến nghị với Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, năm 2017 vốn đầu tư cho lâm nghiệp hết sức khó khăn. Ngành đã được phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững, tuy nhiên đến nay báo cáo phát triển lâm nghiệp bền vững vẫn chưa được phê duyệt. Nếu bị cắt giảm thì sẽ khó cho việc tăng trưởng của ngành trong năm tới. Kinh phí bảo vệ rừng cũng chỉ mới được phê duyệt cho công tác quản lý. Nếu không được phê duyệt hoặc bố trí sớm thì sẽ rất khó khăn.

 

 

 

15-36-41_ong-nguyen-vn-h-pho-tong-cuc-lm-nghiep-kien-nghi-bo-tri-von-cho-du-tu

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị sớm được phê duyệt vốn để đầu tư cho tăng trưởng ngành

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý ngành lâm nghiệp giảm thiểu tối đa tình trạng mất rừng, sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp; tăng cường trồng bù rừng để đảm bảo độ che phủ.

Sau phát biểu của ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh công tác thanh tra của Bộ trong năm qua có nhiều đổi mới, nhất là việc phối hợp với các ngành Công thương, Công an tiến hành thanh tra đột xuất nên gần như đánh sập được chất cấm. Bộ trưởng cũng tán thành năm 2017 tích cực thanh tra công vụ, cải cách hành chính, VSATTP.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị sửa đổi một số văn bản trong quản lý SXKD giống, phân bón, vật tư nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay. Bộ trưởng đồng ý về chủ trương, giao Vụ Pháp chế, Cục Trồng trọt chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan triển khai việc này.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt tiếp tục đột phá nhóm ngành hàng rau, củ, quả; chuẩn bị cho hội nghị ở ĐBSCL. “Xem diện tích lúa giảm được chỗ nào thì rút dần đi. Lúa gạo chỗ nào không đi thi được nữa thì thôi”, Bộ trưởng lưu ý.

"Làm không rõ ràng lại đổ lỗi cho địa phương là sao?"

Báo cáo kết quả đầu tư xây dựng, quản lý công trình của Bộ, ông Trần Tố Nghị, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình cho rằng, năng lực thi công của các nhà thầu là rất tốt nhưng tiến độ công trình chậm là do việc giải phóng mặt bằng còn vướng mắc.

Có nhiều công trình, số liệu không báo cáo được bởi vì việc đàm phán với đối tác nước ngoài do mình thực hiện nhưng khi Hiệp định được thông qua, nhiều dự án lại do địa phương làm chủ đầu tư.

Theo ông Nghị, hiện Cục có 10 ban và 3 CPO với 1.000 người. Có một số ban năng lực hạn chế.

Nghe ông Nghị phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sốt ruột. Bộ trưởng hỏi, tại sao chỗ này số liệu của Bộ mình đi họp ở Chính phủ toàn ở tốp sau mà về họp trong Bộ mình thì toàn nghe báo cáo là yên tâm, yên tâm. Các đồng chí xem lại chỗ này ngay, yên tâm ở đâu?

“Ở nước ngoài người ta làm một công trình 30 tầng chỉ có 3 người làm quản trị và thực hiện 2 năm là xong. Thế mà mình cứ chần chừ, hết ban nọ, bộ phận kia với bao nhiêu người. Làm thì không rõ ràng để rồi khi cần báo cáo thì đổ lỗi cho địa phương là thế nào? Tôi yêu cầu Cục phải đổi mới ngay ở 10 ban và 3 CPO đó. Ban nào năng lực yếu kém? Phải đổi mới ngay, ban nào yếu thì gộp nó vào.

Tôi đề nghị Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng chỉ đạo sát sao chỗ này, xem Cục đề nghị họp hôm nào, cần Bộ trưởng cùng dự không? Tôi lưu ý, trong khi nguồn lực khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đang quan tâm thì "mũi" này phải làm cho tốt lên. Làm không tốt lên là Quốc hội sẽ giám sát ngay từ chủ trương đầu tư”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Liên quan đến báo cáo của ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi về đề án quy hoạch thủy lợi phục vụ thủy sản vùng ĐBSCL, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này phải tập trung cao độ, rốt ráo để sớm triển khai thực hiện ngay trong năm 2017.

Bộ trưởng bày tỏ tiếc thương và chia sẻ với những mất mát của đồng bào các vùng bị bão lũ, thiên tai trong năm qua phải gánh chịu. Theo ông Trần Quang Hoài, năm 2016 thiệt hại rất lớn cả người và tài sản. Có 253 người chết; thiệt hại 39 ngàn tỷ đồng và 700 ngàn ha lúa; 400 ngàn cây ăn quả; hàng trăm tàu cá bị chìm...

Ông Hoài cho rằng, nếu dự báo tốt và di chuyển sớm hơn thì sẽ hạn chế được thiệt hại.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

  

 


http://nongnghiep.vn/

Tin khác