Với trên 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, đất đai là một nguồn lực tự nhiên quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và là phương tiện chủ yếu tạo ra sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây đang suy giảm mạnh mẽ.
Một trong những nguyên nhân chính là thực trạng phân tán và manh mún đất đai, gây trở ngại lớn trong việc nâng cao năng suất và sản xuất quy mô lớn hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại. Trước thực trạng manh mún đất nông nghiệp có thể trở thành một rào cản đối với sự phát triển nông nghiệp, hàng loạt các chính sách quan trọng đã được Chính phủ xây dựng và ban hành để khuyến khích đầu tư sản xuất quy mô lớn và thúc đẩy tích tụ đất đai, như Nghị quyết 02/2003/NQ-CP “Khuyến khích những địa phương có điều kiện thực hiện dồn điền, đổi thừa…”, Quyết định 210/2013/ND-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và khu vực nông thôn, hay gần đây nhất là Quyết định số 15/2015/ND-CP nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư hợp tác công tư (PPP) với nhiều cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho nhà đầu tư. Kết quả là sự xuất hiện và nở rộ của các dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn tại Việt Nam, phần lớn tập trung vào các nông sản thương mại như cà phê, cao su, đường mía, nguyên liệu bột giấy và chăn nuôi.
Các đầu tư vào đất quy mô lớn là xu hướng tất yếu của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các bên liên quan nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và môi trường cũng như những lo ngại về việc các hộ nông dân quy mô nhỏ bị mất đất sản xuất hay bị gạt ra khỏi sự phát triển. Những thách thức này đòi hỏi sự đầu tư có trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp không nên chỉ dựa trên những tính toán về lợi ích kinh tế mà cần phải kết hợp với các yếu tố phi kinh tế như môi trường, xã hội, văn hóa. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để vừa đảm bảo lợi ích của nông dân – những người đang sở hữu phần lớn ruộng đất trong nông nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp.
Hàng loạt các trao đổi đã được các chuyên gia đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ đưa ra tại Hội thảo “Tham vấn các nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm liên quan đến đất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam” tổ chức bởi Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (TTPTNNNT) ngày 23 tháng 05 vừa qua. Theo ông Nguyễn Anh Phong, Quyền giám đốc Trung tâm TTPTNNNT, việc xây dựng bộ nguyên tắc tự nguyện về đầu tư vào đất có trách nhiệm trong nông nghiệp tại Việt Nam dựa trên hai mục tiêu chính, thứ nhất nhằm xác định các vấn đề giúp hoạt động đầu tư liên quan đến đất được tiến hành một cách có trách nhiệm cả về phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, thứ hai tạo ra một khung hướng dẫn hành động, qua đó tăng cường sự phát triển bền vững và cạnh tranh hơn về lâu dài của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Chủ trì buổi hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã có những chia sẻ hữu ích về Bộ Chỉ số Bền vững Doanh nghiệp (CSI), nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu tham dự hội thảo. Đây là bộ chỉ số đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng bởi các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam và quốc tế. Khi áp dụng CSI, doanh nghiệp có thêm một công cụ hiệu quả để đo lường chính xác các nỗ lực phát triển bền vững và quản trị các rủi ro trong quá trình hoạt động, đồng thời cải thiện khả năng nhận biết của doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh mới, tăng sự minh bạch của doanh nghiệp, từ đó củng cố lòng tin của khách hàng, nhà đầu tư, Chính phủ và các bên liên quan vào doanh nghiệp. Năm 2017, bộ CSI mới được tinh giản còn 134 chỉ số, thay vì 159 chỉ số như trước, trong đó có 19 chỉ số về kinh tế, 18 chỉ số về môi trường và 92 chỉ số về xã hội, lao động và quyền con người. Các yếu tố như bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất , tài nguyên nước cũng được lồng ghép trong bộ chỉ số. Theo ông Hải, bên cạnh bộ chỉ số chung dành cho doanh nghiệp, VBCSD cũng đã xây dựng thành công bộ chỉ số CSI dành riêng cho ngành chế biến thủy sản và trong tương lai VBCSD cùng với các chuyên gia đầu ngành sẽ tiếp tục giới thiệu các bộ chỉ số chuyên biệt cho các ngành khác nhau.
Cùng với bộ nguyên tắc tự nguyện về đầu tư vào đất có trách nhiệm và bộ chỉ số CSI, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể hiện thực hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, đón đầu những cơ hội mới và tạo dựng được những lợi ích lâu dài, vững chắc cho chính doanh nghiệp và đối tác của mình./
http://www.vbcsd.vn/mdetail.asp?id=779