Hiện nay, mỗi ngành nghề kinh doanh có hàng trăm điều kiện con khác nhau. Chúng phức tạp và không rõ ràng nhưng lại can thiệp rất sâu vào quyền tự do kinh doanh giống như quả bom nổ chậm âm thầm “giết chết” doanh nghiệp (DN). Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: "Tôi tham gia cuộc chiến chống giấy phép con từ khi mái tóc còn xanh, nay tóc bạc mà vẫn phải tiếp tục cuộc chiến này vì vẫn chưa biết bao giờ đến hồi kết".
Nguồn ảnh: PV
Bãi bỏ rồi lại đặt thêm, bãi bỏ làm gì?
Theo ông Nguyễn Quang Vinh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM), hiện tượng DN thành lập nhiều nhưng cũng bị "khai tử" nhiều trong thời gian qua có nguyên nhân từ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) gây khó khăn cộng với quyền hành xử của cơ quan thực thi, tạo ra chi phí lớn khiến DN không thể vượt qua. Thường thì DN mới sử dụng công nghệ cao nhưng họ không tham gia được vào thị trường, trong khi DN đã bước qua "rào cản" thì vẫn hoạt động với công nghệ cũ. Đây là nguyên nhân khiến năng suất lao động của DN không được cải thiện. Theo ông Vinh, Chính phủ cần có nhóm chuyên trách từ cấp trung ương về ĐKKD mới có thể cải cách được vì công việc này gặp rất nhiều cản trở.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico đánh giá, trong nhiều lĩnh vực thực hiện cải cách thì giảm ĐKKD được xem là có hiệu quả, "giảm 10 tăng 7", chứ không đến mức "giảm 3 tăng 10" như tình trạng chung. Về mặt pháp lý có nhiều đột phá trong giảm ĐKKD, giải pháp cũng quyết liệt nhưng lại bị bóp méo, hạn chế do các quan điểm cải cách nửa mùa, thỏa hiệp. Nguyên nhân do bộ, ngành không muốn bỏ ĐKKD.
Rõ nhất là lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu ôtô, xăng dầu, xuất khẩu gạo, 99% DN muốn bỏ ĐKKD nhưng tiếng nói không có sức nặng bằng 1% DN muốn giữ lại để hạn chế sự tham gia của DN mới. Bên cạnh đó, ĐKKD trá hình đang phát tán dưới 4 hình thức: Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hành chính và quy hoạch. "ĐKKD chính thức và trá hình đang oanh tạc, gây khó dễ cho DN. Chúng tôi là luật sư chuyên tra cứu, viết sách, góp ý chính sách pháp luật mà còn không thể tìm được ĐKKD thì DN khởi nghiệp, hộ kinh doanh và DN nhỏ không thể không vi phạm" - luật sư Đức nhìn nhận.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá: “Việc đặt thêm các giấy phép kinh doanh mới, điều kiện kinh doanh mới mà rất nhiều trong số đó nó không phù hợp sẽ gây tốn kém không ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước tạo ra hệ luỵ lớn, giảm tính cạnh tranh, phát sinh nhũng nhiễu”.
Quá trình rà soát phải thực hiện thường xuyên
Để giảm gánh nặng cho DN, cần phải cắt xén mạnh mẽ những quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh. Cần nhanh chóng rà soát các thủ tục quy định về điều kiện kinh doanh bãi bỏ những điều kiện không còn phù hợp. Đại diện VCCI, ông Đậu Anh Tuấn đưa ra kiến nghị là cần có những chính sách “cởi trói” cho DN nhằm bãi bỏ các loại giấy phép con, đơn giản hóa các thủ tục gia nhập thị trường, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp bằng cách tinh giản các thủ tục hành chính; xóa bỏ các rào cản thương mại, cùng rất nhiều những thách thức đối với quyền tự do kinh doanh của người dân và DN.
Bên cạnh đó, thông điệp mà ông muốn truyền tải đó là quá trình rà soát và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh phải là quá trình thường xuyên chứ không phải bãi bỏ được 10 điều kiện kinh doanh lại khôi phục lại 7 hoặc hơn 10 thì điều đó không nhiều tác dụng. “Vấn đề quan trọng là phải có cơ chế kiểm soát đúng, kiểm soát độc lập việc đặt ra nghị quyết về điều kiện kinh doanh mới, giấy phép kinh doanh mới. Nếu các bộ ngành đều dễ dàng đặt ra ở địa vị cơ quan nhà nước mà không cân nhắc lợi ích chung quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp thì đó là thất bại của quá trình cải cách”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện cho phía DN, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty cổ phần dự án công nghệ Nhật Hải kiến nghị, nên chăng mỗi khi các cơ quan chức năng ban hành hay thực thi luật cùng các quy định mới thì cần có những văn bản cụ thể để hướng dẫn và công bố công khai cho DN. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp có cảm giác được đối xử bình đẳng trước pháp luật; chấp nhận việc cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và sẽ dễ dàng hơn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
http://tinmoi24.vn