Có "gói" 100.000 tỉ đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đói vốn

01/11/2017

Nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn đình trệ, hoặc chậm triển khai vì đợi các chính sách giải ngân gói 100.000 tỉ đồng.

Gần một năm sau quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù lượng vốn được giải ngân khá lớn nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn khó nhận chính sách ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phú Đà Lạt, cho hay, sau thời gian trồng thành công tỏi Nhật, bầu Nhật Bản... công ty đang lên kế hoạch trồng quy mô lớn để xuất khẩu sang Nhật.

Do vốn để mở rộng sản xuất rất lớn, công ty rất kỳ vọng vào nguồn vốn vay ưu đãi từ gói 100.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, An Phú Đà Lạt vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này vì có quá nhiều điểm không rõ ràng.

Nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao muốn phát triển nhưng gặp khó vì khó vay vốn gói 100.000 tỉ đồng.

Ông Vũ Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA), cho biết ban đầu khi Chính phủ nói dành gói 100.000 tỉ đồng, các doanh nghiệp rất mừng, nghĩ đến điều mới mẻ.

Trước đó đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng doanh nghiệp và nông dân rất khó tiếp cận. Sau gần một năm có thông tin về gói 100.000 tỉ đồng, mọi chuyện dường như đang lặp lại.

"Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu và cần phải đẩy mạnh, nếu không thì nông sản thực phẩm Việt Nam sẽ thua trên sân nhà. Vì vậy, tôi cho rằng cần sớm có những hướng dẫn và quy trình cụ thể, rõ ràng... để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn", ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nông dân nuôi gà tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết chính sách hỗ trợ ban hành cả năm, nhưng đến nay nông dân vẫn không biết cụ thể liên hệ với cơ quan, đơn vị nào để xác nhận công nghệ cao.

"Thông thường từ trước đến nay, nguồn vốn ưu đãi nông nghiệp thì người dân và doanh nghiệp nhỏ hầu như không tiếp cận được", ông Ngọc thắc mắc.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, ông từng đề xuất nên chọn một số dự án đã có sẵn, có khách hàng và tiềm năng để mở rộng đầu tư vốn nhưng không được. Nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn phải đem tài sản cá nhân ra thế chấp nên rất khó khăn.

Chưa kể ngân hàng phải căn cứ vào quy định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để xác định các dự án đủ tiêu chuẩn hay không, khiến quy trình cho vay phức tạp và kéo dài thêm.

"Cơ hội bỏ lỡ rất đáng tiếc khi công nghệ và thị trường đã có sẵn", ông Thành nói./.

Vẫn còn xa mốc 100.000 tỉ đồng

Theo Vietcombank, đơn vị này đã đăng ký gói tài trợ 10.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm và ưu đãi lãi suất.

Từ tháng 4 đến hết tháng 7/2017, tổng lượng vốn hơn 2.510 tỉ đồng đã được Vietcombank giải ngân cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chẳng hạn 600 tỉ đồng cho nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ…

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 15/9, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao đạt gần 32.339 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn nhiều khó khăn bởi đây là lĩnh vực mới, tiềm ẩn rủi ro, chưa kể các ngân hàng còn khó khăn trong việc xác định dự án nào là công nghệ cao bởi không có đơn vị đứng ra xác nhận./.

Theo Báo Tuổi trẻ


Tin khác