ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Vị trí: Chuyên gia viết báo cáo Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về đối tác công tư trong bảo hiểm nông nghiệp
I. BỐI CẢNH
Nông nghiệp, ngành kinh tế chính và mang lại thu nhập cho 70% người dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Nhiều biện pháp khác nhau đã được người dân và chính phủ thực hiện để ngăn chặn các nguy cơ này, trong đó kinh nghiệm quốc tế cho thấy bảo hiểm nông nghiệp có thể là một cách thức tốt để triển khai. Nó cung cấp sự bảo về cho người nông dân và bồi thường khi bị thiệt hại, đồng thời cũng giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Giá trị bồi thường từ bảo hiểm nông nghiệp cũng cao hơn phần hỗ trợ của chính phủ, giúp người nông dân duy trì được thời vụ sản xuất, không bị gián đoạn, do vậy cũng sẽ ổn định được đầu ra. Cơ chế tài chính này cũng có thể giúp mở rộng tín dụng nông nghiệp, với hợp đồng bảo hiểm làm thế chấp, thể hiện khả năng trả nợ của nông dân với các tổ chức tín dụng. Việc có một khoản đầu tư được bảo hộ cũng sẽ khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, và như vậy năng suất cũng sẽ tăng lên.
Mặc dù bắt đầu từ khá sớm (năm 1982), nhưng bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam chưa có được kết quả rõ rệt, doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp chỉ chiếm 0,012% trong tổng doanh thu bảo hiểm của ngành bảo hiểm trong nước. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm đối với phát triển nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/2011/ QĐ-TTg về việc thực hiện Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp quốc gia giai đoạn 2011-2013 đối với cây lúa, chăn nuôi và thủy sản. Chương trình tập trung vào một số rủi ro thường gặp trong sản xuất, bao gồm một số loại bệnh, sâu bệnh cơ bản và rủi ro thiên tai (bão, lụt, hạn hán, giá rét, sương giá và sóng thần).
Tác động và kết quả của chương trình còn đang gây tranh cãi, các kết quả thu được rất khả quan nhưng câu hỏi đặt ra là vấn đề hiệu quả. Trong giai đoạn thí điểm, hơn 300.000 hộ dân và doanh nghiệp đã tham gia chương trình, trong đó 77% là hộ nghèo và 15% hộ cận nghèo. Điều này cho thấy tỷ lệ tham gia tự nguyện thấp vì các hộ nghèo và cận nghèo được hưởng 90-100% miễn giảm phí. Tổng giá trị bảo hiểm của chương trình thí điểm là 7.747.9 tỷ đồng (342,2 triệu USD), tổng doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ là 394 tỷ đồng (17,2 triệu USD) và tổng giá trị bồi thường đã thanh toán là 701,8 tỷ đồng (31,0 triệu USD). Trong khi tỷ lệ bồi thường cho cây lúa và chăn nuôi rất hợp lý và các công ty bảo hiểm có thể có lợi nhuận thì tỷ lệ bồi thường cho thủy sản lên đến 306,83% và gây ra thua lỗ cho toàn chương trình.
Một trong những quan ngại chính trong chương trình này là sự không tương xứng về quyền giữa các bên công và tư trong quá trình triển khai. Các kinh nghiệm quốc tế cho thấy để phát triển một hệ thống bảo hiểm nông nghiệp định hướng thị trường, Chính phủ Việt Nam nên chào đón sự tham gia và cạnh tranh của tất cả các công ty bảo hiểm có năng lực. Các công ty này sẽ phải đóng vai trò chủ đạo (thực hiện phân tích thị trường để thiết kế các sản phẩm bảo hiểm phù hợp) và chính phủ cũng sẽ đưa ra các hỗ trợ (cung cấp dữ liệu thời tiết liên quan, khung pháp lý phù hợp, các văn bản hướng dẫn và giám sát sự vận hành của các công ty bảo hiểm). Vì vậy, rà soát các kinh nghiệm trong nước và quốc tế về bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết để chính phủ Việt Nam có thể thiết kế chiến lược tiếp theo cho bảo hiểm nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã xây dựng bản đề xuất nghiên cứu “Thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam” với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Tây Ban Nha. Để triển khai nghiên cứu này, Viện cần sự hỗ trợ của một chuyên gia viết báo cáo “Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về đối tác công tư trong bảo hiểm nông nghiệp”.
II. Mục tiêu
Mục tiêu của hoạt động này là có một báo cáo nền để từ đó xây dựng nên báo cáo tóm lược chính sách về xây dựng đối tác công tư trong bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam.
III. Nội dung
Chuyên gia có nhiệm vụ viết báo cáo về “Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về đối tác công tư trong bảo hiểm nông nghiệp”, trong đó tập trung vào sự ra đời của Bảo hiểm nông nghiệp, độ phủ, cơ cấu tổ chức, vận hành, mức độ hoàn thiện của hình thức đối tác công tư và các bài học rút ra. Đối tượng rà soát gồm :
- Bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức đối tác công tư tại các nước phát triển (Mỹ, Tây Ban Nha, Canada, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ…)
- Bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức đối tác công tư tại các quốc gia đang phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Trung Quốc,…)
- Bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức đối tác công tư tại các quốc gia Đông Nam Á
IV. Thời gian thực hiện
Hoạt động sẽ được triển khai trong 20 ngày, từ tháng 9/2017 đến tháng 2/2018.
V. Yêu cầu đối với chuyên gia
- Có trình độ chuyên môn về kinh tế/kinh tế nông nghiệp/kinh tế phát triển;
- Có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp/phát triển bền vững
- Có khả năng nghiên cứu độc lập và kỹ năng làm việc theo nhóm
- Ưu tiên các ứng viên có quan hệ chặt chẽ với mạng lưới nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp và phát triển bền vững, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan trong nước và quốc tế.
- Có khả năng nói và viết bằng tiếng Anh thành thạo