Nông nghiệp tăng trưởng kỷ lục trong quý I đạt 4,18%

30/03/2018

Theo Tổng cục Thống kê: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản Quý I ước tính đạt khoảng 189.500 tỷ đồng, tăng 4,18% so với quý I năm 2017. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục của ngành nông nghiệp sau một số năm gặp khó khăn, thậm chí có thời điểm còn rơi vào tăng trưởng âm.

Trong đó, nông nghiệp đạt 143.860 tỷ đồng, tăng 3,92% (trồng trọt đạt 90.625,8 tỷ đồng, tăng 5,16%, chăn nuôi đạt 50.466,1 tỷ đồng, tăng 1,85%); lâm nghiệp đạt trên 7.065 tỷ đồng, tăng 5,15%; thuỷ sản đạt 38.569,9 tỷ đồng, tăng 4,96%.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3 năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2018 đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9%;

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Chế biến hạt điều xuất khẩu

Cụ thể, 9 mặt hàng xuất khẩu chính như sau:

Gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2018 ước đạt 524 nghìn tấn, giá trị đạt 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 491 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 với 24,4% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 196,2 nghìn tấn và 99,7 triệu USD, giảm 18,7% về khối lượng và giảm 11,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Hai tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Irắc (gấp 5,7 lần), Malaysia (gấp 2,7 lần), Gana (gấp 2,05 lần), Hồng Kông (73,5%) và Singapore (33,9%).

Cà phê: Xuất khẩu cà phê tháng 3 năm 2018 ước đạt 190 nghìn tấn với giá trị đạt 367 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 520 nghìn tấn và 1 tỷ USD, tăng 15,1% về khối lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 1.945 USD/tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 14,1% và 11,3%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là: Indonesia (gấp 15,4 lần), Nga (73,6%), Italy (72,6%), Philippin (67,8%), Angieri (36,7%) và Nhật Bản (26,3%).

Cao su: Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 3 năm 2017 đạt 86 nghìn tấn với giá trị đạt 130 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 272 nghìn tấn và 403 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 20,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 1.471 USD/tấn, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 53,4%, 8,4% và 6,9%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cao su trong 2 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là Ấn Độ (gấp 3,8 lần), Malaysia (29%) và Indonesia (18,1%).

Chè: Khối lượng xuất khẩu chè tháng 3 năm 2018 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị đạt 13 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 25 nghìn tấn và 39 triệu USD, giảm 9,7% về khối lượng và giảm 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá chè xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 1.559 USD/tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 22,9% thị phần – giảm 40,9% về khối lượng và giảm 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường có giá trị xuất khẩu chè trong 2 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là Hoa Kỳ (93,5%), Malaysia (79,2%), Ba Lan (50,6%), Indonesia (41,7%) và Trung Quốc (40,3%).

Hạt điều: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 3 năm 2018 ước đạt 26 nghìn tấn với giá trị 265 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 73 nghìn tấn và 739 triệu USD, tăng 30,9% về khối lượng và tăng 43,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 2 tháng 10 đầu năm 2018 đạt 10.261 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 30,5%, 16,8% và 14,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Hai tháng đầu năm 2018, ngoại trừ thị trường Australia có giá trị xuất khẩu hạt điều giảm (giảm 13,9% về khối lượng và giảm 7,1% về giá trị), các thị còn lại đều tăng mạnh.

Tiêu: Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3 năm 2018 ước đạt 24 nghìn tấn, với giá trị đạt 88 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 3.822 USD/tấn, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với 43,5% thị phần.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 3 năm 2018 đạt 661 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 - chiếm 77,6% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (51,3%), Pháp (29,5%), Hoa Kỳ (14,8%), Hà Lan (11,6%) và Canada (10,1%).

Thuỷ sản: Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3 năm 2018 ước đạt 604 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018, chiếm tới 50,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 2 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (49,7%); Thái Lan (35,3%); Trung Quốc (34,9%); Hàn Quốc (29,2%); Đức, Hồng Kông, Anh và Canada (tăng hơn 20%).

Sắn và các sản phẩm từ sắn: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3 năm 2018 ước đạt 304 nghìn tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 883 nghìn tấn và 280 triệu USD, giảm 27,3% về khối lượng và giảm 4,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 90,8% thị phần, giảm 12,7% về khối lượng nhưng tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Dân Việt

 


Tin khác