Thủ tướng đối thoại với nông dân: 4 vấn đề nóng cần giải quyết

06/04/2018

Là người có nhiều nghiên cứu cũng như tham gia quản lý lâu năm trong ngành nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn hiểu rất rõ những “được – mất” của ngành này. Nhân sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân sắp diễn ra (ngày 9.4), phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông Sơn về vấn đề này.

Tổ chức lại sản xuất là một trong những vấn đề ngắn hạn cần giải quyết của ngành nông nghiệp.  Ảnh: T.L

Dấu lặng của ngành nông nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành nông nghiệp hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập: Vậy đâu là những vấn đề quan trọng cần kiến nghị với Thủ tướng, thưa ông?

- Đúng là ngành nông nghiệp còn nhiều vấn đề, và để giải quyết rốt ráo trong thời gian ngắn là khó, theo tôi trước mặt cần tập trung vào 4 nội dung chính sau:

Một là, ổn định lại thị trường tiêu thụ nông sản, thời gian gần đây chúng ta liên tục phải giải cứu các loại nông sản như củ cải, khoai tây…, điều đó phần nào phản ánh rất rõ nét tính bất ổn của thị trường nông sản. Tại sao các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ, chế biến và người nông dân lại không gặp nhau? Tại sao chúng ta luôn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Tại sao có nhiều sản phẩm rơi vào cảnh ế thừa nhưng lại vẫn nhập khẩu từ nước ngoài? Những câu hỏi đó từ lâu đã trở thành dấu lặng, khiến nền nông nghiệp của ta dù đạt nhiều thành tựu vẫn không thể mang lại những giá trị kinh tế lớn lao.

Hai là, vật tư đầu vào cũng đang là vấn đề rất “nóng” hiện nay. Từ giống cây trồng, con giống trong chăn nuôi, thủy sản đến các vấn nạn về phân bón giả, thuốc bảo bệ thực vật… đều dấy lên nhiều lo ngại. Nếu không thể kiểm soát được chất lượng đầu vào thì không bao giờ có sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.

Ba là, khó tiếp cận vốn, đây là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng nói bao nhiêu cũng không đủ. Mặc dù đã có nhiều tổ chức tín dụng, các ngân hàng (Agribank, Ngân hàng CSXH) đồng hành và hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân, nhưng đa phần họ đều gặp khó trong tiếp cận vốn, đặc biệt là nguồn vốn lớn. Chưa kể đầu tư dài hạn cho nông nghiệp hầu như không có, bởi muốn đầu tư dài hạn thì cần vốn rất lớn mà nông nghiệp lại là lĩnh vực nhiều rủi ro nên gần như không DN nào muốn đi chặng đường dài. “Có thực mới vực được đạo”, không có vốn thì tất cả chỉ là lý thuyết.

Bốn là, vấn đề khoa học công nghệ (KHCN), ở đây tôi muốn đề cập đến ứng dụng KHCN của nông dân, chứ không phải phát triển KHCN trong nông nghiệp. Hiện nay nông dân chủ yếu học hỏi lẫn nhau, học qua kinh nghiệm chứ chưa được đào tạo về vấn đề này. Các trường đại học thì không dành cho đối tượng là nông dân rồi, còn những người tiếp cận, chuyển tải KHCN đến nông dân thông qua sản phẩm (các loại thuốc trừ sâu, phân bón…) lại chỉ chú tâm tiếp thị sản phẩm là chính.

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Phát triển nông nghiệp bền vững

Đó là những việc trước mắt cần làm ngay, còn về lâu dài vẫn phải có những  thay đổi mang tính chiến lược, thưa ông? 

- Về lâu dài sẽ vẫn phải thay đổi cơ chế chính sách về tích tụ đất đai, đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện sản xuất như tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu…

Quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trên nền tảng cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân trên 3,0%/năm trong 5 năm tới.

Thưa ông, trong lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT có đặt mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân lên gấp đôi trong 5 năm tới, theo ông điều này có khả thi?

- Cần phải nói rõ thêm rằng tăng GDP trong nông nghiệp không đồng nghĩa với tăng thu nhập của nông dân. Muốn tăng thu nhập phải có những chính sách thiết thực, gắn chặt với quyền lợi của người dân, đó là khuyến khích họ tham gia HTX, các tổ, hội sản xuất tập thể, tham gia lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo ra những giá trị sản xuất mới ngoài nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên TBT Tạp chí NTM: 

Kiến nghị tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp

“Bà con nông dân nên gửi kiến nghị tới Thủ tướng về vấn đề vật tư nông nghiệp. Nếu các DN, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vi phạm thì đóng cửa luôn chứ không xử phạt. Bởi mức xử phạt hiện tại quá nhẹ, chưa kể hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đâu chỉ trong ngành nông nghiệp mà còn ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi nên không thể dừng lại ở xử phạt được”.

GS-TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: 

Đánh giá toàn diện hơn về chính sách cho tam nông

Sau hơn 30 năm đổi mới, đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Tôi nghĩ qua việc này, Chính phủ sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về những chính sách nông nghiệp, con đường từ chính sách đến cuộc sống.  

TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế: 

4 nút thắt cần tháo gỡ

Tôi kỳ vọng cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân sẽ đưa ra được những lời giải mang tính bứt phá cho một số khâu trong nông nghiệp.

Thứ nhất, vai trò của Nhà nước đối với việc bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp, đồng thời, xây dựng cơ sở pháp lý để bảo đảm đầu ra cho nông sản, thủy sản. Thứ hai, cần bảo đảm xuất xứ nông sản, từ đó bảo vệ thương hiệu, quyền được xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU. Thứ ba, chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp trong nông nghiệp. Nếu không làm tốt, tình trạng di dân từ các miền quê ra đô thị lớn, nghề nông thiếu nhân lực trình độ cao, kém hấp dẫn sẽ ngày càng gia tăng. Thứ tư, các chính sách an sinh xã hội, tổ chức của các hiệp hội nông dân cần thay đổi, sao cho gắn kết với các yêu cầu mới trong các cam kết hội nhập.

Nếu giải quyết tốt 4 vấn đề này, nông nghiệp sẽ có bước chuyển biến tích cực.

Ông Vũ Vinh Phú -  chuyên gia thương mại: 

Nền nông nghiệp quá “hồn nhiên”

Nền nông nghiệp của chúng ta quá “hồn nhiên”, sản xuất, làm ăn theo kiểu manh mún. “Hồn nhiên” phun thuốc trừ sâu cho cây trồng, cho lợn ăn thức ăn tăng trọng, tiêm thuốc an thần, sử dụng phân bón giả... Những điều đó không sớm thì muộn sẽ giết chết một nền nông nghiệp đầy tiềm năng.  Một vấn đề khác là sản xuất nông nghiệp không gắn liền với hệ thống phân phối, người nông dân làm ra sản phẩm không biết bán ở đâu giá tốt nhất, đi đâu cũng bị ép giá.

Tôi rất mừng khi Thủ tướng sẽ đối thoại trực tiếp với nông dân. Sẽ có nhiều ý kiến, nhưng nên tập trung vào các vấn đề chính: Mở hạn điền, nới quy định, điều kiện tiếp cận tín dụng giúp thúc đẩy sản xuất phát triển; quản lý tốt thị trường, hạn chế hàng giả, thuốc trừ sâu, phân bón kém chất lượng; tổ chức sản xuất lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh; giải quyết vấn đề đầu ra, từ khâu chế biến tới thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Theo Nông thôn ngày nay


Tin khác